Theo thông báo hôm nay, 27/05/2024, của trung tâm quản lý thảm hoạ quốc gia Papua New Guinea, một ngôi làng trên sườn đồi tỉnh Enga đã gần như bị xoá xổ sau khi một phần của ngọn núi Mungalo sạt lở, chôn sống hơn 2000 người và gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của quốc đảo Thái Bình Dương này.
Đăng ngày: 27/05/2024
Chính quyền Papua New Guinea, được AFP trích dẫn, cảnh báo rằng tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra cộng thêm việc mạch nước ngầm không ngừng chảy dưới đống đổ nát, khiến đường trơn trượt, gây nguy hiểm thường trực cho người dân cũng như các đội cứu hộ. 250 ngôi nhà gần đó đã được sơ tán để đề phòng một trận lở đất mới có thể xảy ra. Hiện giới chức nước này vẫn chưa điều tra được nguyên nhân của vụ sạt lở nhưng theo những dân làng gần đó, thảm hoạ này có thể bắt nguồn từ các trận mưa lớn trong những tuần gần đây. Các nhà khoa học đã từng cảnh báo rằng sự thay đổi về lượng mưa do biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ lở đất ở quốc gia này.
Từ Sydney, thông tín viên RFI Grégory Plesse tường thuật tình hình :
“Người dân tỉnh Enga, vốn đã bị chấn động bởi các cuộc xung đột bộ tộc khiến hàng chục người thiệt mạng hồi đầu năm, giờ lại phải chịu thêm cả những rung chấn từ mặt đất. Có mặt tại hiện trường, cơ quan Di cư Quốc tế vừa thông báo, số lượng nạn nhân đã tăng lên rất nhiều, hiện đã vượt quá 600 người. Ông Serhan Aktoprak, đại diện của cơ quan này cho biết rằng theo lời những người đồng nghiệp của ông đang được triển khai tại chỗ, tình hình ở đây giờ vẫn đang rất nguy hiểm :
“Các đồng nghiệp của tôi đã phải chạy trốn khỏi đống đổ nát vì mức độ nguy hiểm vẫn rất cao. Đá tiếp tục rơi còn đất tiếp tục sạt sở, khiến các ngôi nhà xung quanh có nguy cơ đổ sập. Vì vậy chúng tôi đã phải ra lệnh sơ tán.”
Tại đây, hơn 1200 người dân bị ảnh hưởng. Cảnh sát và binh lính đang nỗ lực đưa họ đến nơi an toàn trong khi dân làng có khi còn dùng tay không đào bới để tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát. Hoạt động cứu hộ ngày càng trở nên phức tạp hơn vì khu vực xảy ra sạt lở rất xa xôi, các con đường hầu như bị chặn bởi các mảnh vỡ và việc di chuyển ban đêm bị cản trở do lo ngại về mức độ an toàn.”
Không chỉ ở Papua New Guinea, thiên tai cũng đang hoành hành tại Ấn Độ và Bangladesh. Cơn bão Remal quét qua bờ biển của hai nước đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và khoảng 12,5 triệu người sống trong cảnh mất điện, hàng chục ngàn ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Các nhà chức trách đã nâng cảnh báo lốc xoáy lên mức cao nhất và ra lệnh sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.