Ba Lan trang bị tên lửa với tầm bắn 1.000 km của Mỹ

Chính quyền Ba Lan, hôm qua 27/05/2024, thông báo mua tên lửa hành trình của Mỹ, trị giá 677 triệu euro, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa tiềm tàng từ Nga.

Đăng ngày: 28/05/2024

Polish Minister of Defence Wladyslaw Kosiniak-Kamysz presents details of "East Shield", a 10 billion zloty ($2.55 billion) program to beef up defenses along its eastern border with Belarus and Russia,
Bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz giới thiệu chi tiết kế hoạch mang tên “Lá chắn phương Đông”, tại Vacxava, ngày 27/05/2024. Agencja Wyborcza.pl via REUTERS – Dawid Zuchowicz

Phan Minh

Theo bộ Quốc Phòng Ba Lan, được AFP trích dẫn, cuộc chiến ở Ukraina đã chứng minh tầm quan trọng của việc phóng tên lửa vào các mục tiêu ở rất xa tiền tuyến và tầm bắn của tên lửa được mua là khoảng 1.000 km. Vacxava cho biết Washington sẽ chuyển giao tên lửa AGM-158 JASSM-ER trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2030. Ba Lan đã có tên lửa JASSM với tầm bắn 370 km được sử dụng trên các chiến đấu cơ đa chức năng F-16 do Mỹ sản xuất.

Đối mặt với mối đe dọa từ Nga, Ba Lan đã tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng 4% GDP, tỷ lệ cao nhất trong số các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, Vacxava hồi đầu tháng cũng đã công bố kế hoạch đầu tư gần 2,4 tỷ euro để siết chặt an ninh ở biên giới với Belarus.

Từ Vacxava, thông tín viên Martin Chabal tường trình :

“Bãi mìn, hầm công sự, chướng ngại vật chống tăng, vệ tinh giám sát, Ba Lan muốn biến đường biên giới dài 700 km với Nga và Belarus trở nên kiên cố nhất có thể. Việc củng cố biên giới nhằm ngăn cản Matxcơva tấn công các nước Đông Âu. Kế hoạch mang tên “Lá chắn phương Đông” cũng sẽ được các nước vùng Baltic phối hợp, những quốc gia này muốn tránh để xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ từ Nga và hy vọng mọi thứ sẽ sẵn sàng từ giờ đến năm 2028.

Những khoản đầu tư đắt đỏ này có thể sẽ được Liên Hiệp châu Âu tài trợ một phần, ít nhất đó cũng là điều Vacxava hy vọng. Nhưng kế hoạch này cũng có thể khiến Ba Lan gặp vấn đề bởi vì Vacxava đã ký Công ước Ottawa, cấm sử dụng mìn sát thương, trong bối cảnh nhiều người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông đã tìm cách vượt qua biên giới giữa Belarus và Ba Lan ; đường biên giới này được củng cố bằng một bức tường xây dựng cách đây vài năm.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment