VinFast xem xét lùi tiến độ xây nhà máy ở Mỹ, theo Reuters

Bà Lê Thị Thu Thủy, lúc bấy giờ là Giám đốc điều hành (CEO), phát biểu trong buổi động thổ nhà máy ở Bắc Carolina (Mỹ) hồi tháng 7/2023.
Chụp lại hình ảnh,Bà Lê Thị Thu Thủy, lúc bấy giờ là Giám đốc điều hành (CEO), phát biểu trong buổi động thổ nhà máy ở Bắc Carolina (Mỹ) hồi tháng 7/2023.

VinFast đang cân nhắc tiếp tục trì hoãn việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina (Mỹ) do doanh nghiệp đang lỗ và gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng ở Mỹ, một nguồn tin nói với Reuters.

Năm 2022, VinFast thông báo sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện tại Mỹ, với công suất hằng năm là 150.000 xe, nhằm hưởng lợi từ chính sách trợ cấp cho xe điện được sản xuất tại Mỹ của chính quyền Tổng thống Biden.

VinFast ban đầu dự tính hoàn thành xây dựng nhà máy vào tháng 7/2024, nhưng sau đó đã dời thời điểm đưa nhà máy vào vận hành tới năm 2025.

Lễ động thổ nhà máy ở Bắc Carolina được tổ chức vào tháng 7/2023.

Một nguồn tin ẩn danh nói với Reuters rằng VinFast đang cân nhắc hoãn việc xây dựng nhà máy này thêm một lần nữa.

Trong một thông cáo gửi tới Reuters, VinFast cho biết đang “tiến hành một cuộc rà soát và đánh giá kỹ lưỡng tất cả các yếu tố liên quan tới việc xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina”.

Chính quyền hạt Chatham, thuộc bang Bắc Carolina, đã từ chối bình luận với Reuters về khả năng trì hoãn việc xây dựng nhà máy.

Theo một người phát ngôn của chính quyền địa phương, VinFast đã hai lần xin điều chỉnh kích thước tòa nhà lắp ráp chính của nhà máy. Bản sửa đổi mới nhất được nộp vào tháng 4/2023 và vẫn đang được phòng cấp phép của hạt xem xét.

Khi VinFast công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina vào tháng 3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng nhà máy này sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm.

“Đây là minh chứng mới nhất cho thấy sự thành công của chiến lược kinh tế của tôi,” ông Biden viết trên Twitter vào thời điểm đó.

BBC News Tiếng Việt đã gửi email cho bộ phận truyền thông của VinFast để hỏi về sự việc này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Bê bối của VinFast

Mẫu xe VF8 đang vướng một số rắc rối tại Mỹ
Chụp lại hình ảnh,Mẫu xe VF8 đang vướng một số rắc rối tại Mỹ

Bên cạnh doanh số thấp, VinFast còn đang phải đối mặt với một vụ kiện ở Mỹ với cáo buộc không trả tiền thuê mặt bằng.

Về vụ kiện này, một bài viết hôm 22/5 trên báo Tuổi Trẻ đã dẫn lời bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn VinGroup kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, rằng:

“Những vụ kiện tụng tại Mỹ là rất phổ biến để giải quyết các vấn đề bất đồng trong hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi hoạt động tại Mỹ nên cũng đã dần quen với văn hóa kiện tụng phổ biến tại đây, bao gồm cả khả năng khởi kiện chủ động nếu quyền lợi hợp pháp của VinFast bị xâm phạm.”

Theo đơn kiện, VinFast đang nợ gần gần 356.000 USD (khoảng hơn 9 tỷ VND), tương đương với 12 tháng tiền thuê.

Bên cạnh đó, VinFast còn phải đối mặt với hai cuộc điều tra riêng biệt khác.

Một cuộc điều tra về vụ tai nạn khiến bốn người chết hồi tháng 4. Chiếc xe trong vụ tai nạn thuộc dòng VF8 của hãng xe điện VinFast.

Liên quan tới sự việc này, CBS ngày 20/5 đưa tin chủ nhân chiếc xe VF8 nói trên là đồng nghiệp của nạn nhân và không có trong xe vào hôm xảy ra tai nạn.

Chủ nhân xe kể rằng mình từng gặp rắc rối với vô lăng và nghĩ rằng đó có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm.

Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTFA) hiện đang điều tra vụ việc này.

Một cuộc điều tra khác là về việc VinFast bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế về thép của ArcelorMittal, một công ty thép của Mỹ. Thép này sử dụng cho xe VF8.

Cũng trong bài viết nói trên của báo Tuổi Trẻ, bà Lâm giải thích rằng đây là vấn đề giữa ArcelorMittal với nhà cung cấp của VinFast.

Bà Lâm nói rằng VinFast mua cấu kiện sử dụng thép mạ nhôm từ một nhà cung cấp uy tín. Đây cũng chính là loại thép ArcelorMittal cho rằng họ nắm giữ bằng sáng chế.

VinFast không tiết lộ thông tin về “nhà cung cấp uy tín”.

Vào ngày 20/5, Ủy ban Thương mại Quốc tế cho biết đang mở cuộc điều tra về vấn đề này.

Trước lo ngại các khiếu nại pháp lý vừa qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của VinFast tại Mỹ, bà Lâm cho rằng công ty hoàn toàn không lo lắng về viễn cảnh này.

Năm 2023, VinFast chỉ bán được gần 35.000 xe trên toàn cầu dù có nhà máy ở Hải Phòng với công suất hằng năm là 250.000 xe.

Phần lớn lượng xe bán ra là cho hãng taxi điện GSM, một công ty khác cũng thuộc tập đoàn VinGroup.

Lỗ ròng năm 2023 của VinFast là khoảng 2,4 tỷ USD – tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Kế hoạch ở nước ngoài

Mặc dù phải đối mặt với cuộc chiến về giá và sự suy giảm của nhu cầu xe điện toàn cầu, VinFast vẫn giữ nguyên mục tiêu bán 100.000 xe điện trong năm 2024. Con số này gấp đôi mục tiêu bán 50.000 của VinFast vào năm 2023.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, VinFast bán được chưa tới 10.000 xe, nhưng hãng cho rằng đây là sự trì trệ thường thấy trong kinh doanh ở thời điểm đầu năm, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam.

VinFast có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm xe, bao gồm các mẫu xe tay lái nghịch cho các thị trường như Thái Lan và Indonesia, vào cuối tháng 6/2024.

VinFast cũng từng cho biết có kế hoạch mở một nhà máy lắp ráp ở Indonesia và một nhà máy lắp ráp khác ở Ấn Độ chậm nhất là vào năm 2026.

Tại Indonesia, “chúng tôi dự kiến sẽ sớm bắt đầu giao mẫu VFe34 và ra mắt mẫu VF5 trong quý 2 [năm 2024],” VinFast cho biết và tiết lộ thêm về kế hoạch cho hai mẫu xe giá rẻ của hãng.

Cuối tháng 3/2024, VinFast đã có màn chào sân Thái Lan tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok 2024.

Trên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến không được tích cực về VinFast, đa phần dẫn lại các đánh giá từ Mỹ, cùng các nhận xét cho rằng thiết kế, độ hoàn thiện sản phẩm chưa được ấn tượng.

Trở lại thị trường trong nước, đang có nhiều kỳ vọng vào mẫu xe điện nhỏ gọn VF3 của VinFast.

Với mức giá 235 triệu đồng không kèm pin và 315 triệu đồng bao gồm pin, đã có 27.649 đơn đăng ký mua xe VF3 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặt cọc sớm, theo công bố của VinFast.

Do mẫu xe này sẽ chỉ bắt đầu được giao vào tháng 8/2024, vẫn chưa rõ triển vọng của VF3 thực sự thế nào.

Được thành lập vào năm 2017 và tập trung hoàn toàn vào xe điện từ năm 2022, VinFast đến nay vẫn chưa có lợi nhuận và đã ghi nhận khoản lỗ ròng 618 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2024. Doanh thu trong giai đoạn này gần như tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 31% so với ba tháng trước đó.

Bài Liên Quan

Leave a Comment