Hôm nay 30/5, Tòa án Tối cao Hong Kong xét xử 16 nhà hoạt động dân chủ Hong Kong với tội danh phản loạn. Khép lại phiên xử, 14 người đã bị tuyên có tội và có thể sẽ phải đối mặt với án tù lên đến chung thân.
Họ bị buộc tội tìm cách “lật đổ” chính phủ khi tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào năm 2020 nhằm chọn ra ứng cử viên đối lập để tham các cuộc bầu cử địa phương.
Ngoài 16 người nói trên, 31 người khác đã bị tuyên có tội.
47 nhà hoạt động này, còn được biết tới là Hong Kong 47, đã bị buộc tội và bị giam giữ từ năm 2021. Phiên tòa bắt đầu vào năm ngoái nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần.
Phiên tòa này đã gây ra nhiều tranh cãi và được coi là một thử thách nữa đối với Luật An ninh Quốc gia của Hong Kong – luật do Trung Quốc áp đặt vào năm 2020.
Chính quyền Trung Quốc và Hong Kong cho rằng luật này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Luật An ninh Quốc gia được sử dụng để đàn áp tiếng nói đối lập. Theo họ, luật này đã dẫn tới “sự cáo chung của Hong Kong”.
‘Dân chủ không phải là tội phạm’
Tới khoảng 9 rưỡi sáng nay 30/5, 14 trên 16 người nói trên đã bị kết tội lật đổ chính quyền, 2 người còn lại được tuyên trắng án.
Hai người này là ông Lawrence Lau Wai-chung (Lưu Vĩ Thông) và ông Lee Yue-shun (Lý Dư Thân).
Thẩm phán cho biết việc tuyên án cho 14 người này và 31 người đã nhận tội trước đó sẽ được công bố trong tương lai.
“Chúng tôi quyết định sẽ công bố bản án sau khi phiên tòa kết thúc và bản kết án được tuyên,” tòa án ra phán quyết.
Trong phiên tòa, thẩm phán tuyên bố rằng nếu “mô hình” của các nhà hoạt động dân chủ tiếp tục được thực hiện, nó sẽ “làm tê liệt hoạt động của chính phủ, gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Hong Kong và dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp”.
Tòa án nói thêm rằng những người tham gia mô hình này, nếu được bầu làm thành viên Hội đồng Lập Pháp Hong Kong, sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất gói ngân sách hoặc chi tiêu công nào do chính phủ đề xuất, bất kể ưu nhược điểm hay nội dung của chúng.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), phán quyết của tòa án “đã coi thường các nguyên tắc pháp quyền và tiến trình dân chủ”.
“Dân chủ không phải là tội phạm, bất kể những gì Trung Quốc và tòa án do chính tay họ chọn ra cho là đúng,” bà Maya Wang, quyền Giám đốc phụ trách Trung Quốc của HRW, nói trong một tuyên bố.
“Bắc Kinh đã hứa với người dân Hong Kong về quyền phổ thông đầu phiếu. Chính Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho việc nhiều lần vi phạm lời hứa này và về việc đã trắng trợn xóa bỏ các quyền cơ bản của con người được quy định trong luật pháp Hong Kong và hiến pháp hiện hành.”
Giới chức Hong Kong hiện chưa đưa ra bình luận về phán quyết trên.
Tiêu chuẩn pháp lý khác biệt
Hong Kong có hệ thống pháp luật Thông luật thừa hưởng từ Anh Quốc.
Tuy nhiên, nhiều quyền và yếu tố để tạo ra một phiên tòa công bằng cho các bị cáo theo hệ thống Thông luật đã bị hạn chế, hoặc thậm chí loại bỏ, thuận theo Luật An ninh Quốc gia Hong Kong.
Theo các chuyên gia pháp lý, phiên tòa lần này là một trong những trường hợp nổi bật nhất về sự hạn chế/loại bỏ nói trên.
Các yếu tố đáng chú ý bao gồm:
- Từ chối tại ngoại: Cho đến khi khi phiên tòa bắt đầu vào tháng 2 năm 2023, chỉ có 13 trong số 47 bị cáo được tại ngoại. Nhiều bị cáo bị từ chối tại ngoại ngay tại thời điểm bị bắt. Họ đã bị giam giữ gần hai năm trước khi xét xử, một số thậm chí còn bị giam giữ biệt lập. Các chuyên gia pháp lý nói rằng việc giam giữ thời gian dài trước khi xét xử gây ảnh hưởng xấu tới nguyên tắc pháp quyền và cơ hội được xét xử công bằng.
- Không có bồi thẩm đoàn: Do chỉ đạo của chính phủ theo quyền hạn từ Luật An ninh Quốc gia, phiên tòa được xét xử mà không có bồi thẩm đoàn. Việc này là không có tiền lệ. Các phiên tòa khác do Tòa án Tối cao Hong Kong xét xử đều có bồi thẩm đoàn.
- Sàng lọc thẩm phán: Phiên tòa được phụ trách bởi ba thẩm phán từ một hội đồng mà Trưởng Đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu, một cựu giám đốc cảnh sát, đã lựa chọn một cách cẩn thận.
‘Không bất hợp pháp, vẫn là rủi ro an ninh’
Trong phiên tòa, ba vị thẩm phán đã bác bỏ phần lớn lập luận của bên bào chữa, bao gồm cả lập luận cho rằng việc tổ chức bầu cử sơ bộ về bản chất không phải là “phương thức bất hợp pháp” đe dọa tới an ninh quốc gia.
Trước khi có Luật An ninh Quốc gia, việc tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ là một hoạt động phổ biến và được chấp nhận trong chính trị Hong Kong.
Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ lập luận này.
“Theo quy định, một trong những rủi ro an ninh quốc gia… được xác định là việc khiến các hoạt động của cơ quan lập pháp bị tê liệt. Điều này được đánh giá là một trở ngại lớn đối với nền tảng của chính sách ‘Một quốc gia, hai chế độ’, nguyên tắc pháp quyền, lợi ích an ninh, chủ quyền và sự phát triển của quốc gia.
“Không khó để nhận thấy rằng một phương thức không bất hợp pháp về bản chất vẫn có thể gây tê liệt các hoạt động của cơ quan lập pháp,” tòa án nêu.
Hong Kong 47, họ là ai?
Hong Kong 47, gồm 8 phụ nữ và 39 đàn ông, là những nhà hoạt động và người biểu tình cho dân chủ ở Hong Kong.
Trong số này có những người nổi tiếng, chẳng hạn các nhà lập pháp phe đối lập, gồm bà Claudia Mo (Mao Mạnh Tĩnh), bà Helena Wong (Huỳnh Bích Vân) và ông Kwok Ka-ki (Quách Gia Kỳ), hay những cá nhân tiêu biểu của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong vào năm 2014, như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và ông Benny Tai (Đới Diệu Đình).
Bên cạnh đó cũng có nhiều người đại diện cho một thế hệ mới của Hong Kong và đấu tranh cho dân chủ. Ông Ventus Lau (Lưu Dĩnh Khuông) và ông Owen Chow (Trâu Gia Thành) là hai trong số hàng trăm người đã xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong và phun sơn lên biểu tượng của thành phố.
Ngoài ra còn có những người không tham gia vào chính trị nhưng bị thôi thúc bởi các cuộc biểu tình năm 2019.
Những nhân vật nổi bật khác như Nathan Law (La Quán Thông) và Ted Hui (Hứa Trí Phong), từng là một nhà lập pháp, cũng tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ.
Tuy nhiên, hai người này đã rời Hong Kong.
Một số cá nhân nổi bật:
- Giáo sư luật Benny Tai (Đới Diệu Đình): Trung Quốc gọi ông Đới là “kẻ gây rối cứng đầu” ủng hộ độc lập của Hong Kong. Ông Đới mô tả sự cai trị của Đảng Cộng sản là “chế độ độc tài”. Ông Đới và hai người khác đã khởi xướng Phong trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” vào năm 2013. Phong trào này kêu gọi cho phép tổ chức bầu cử công bằng và tự do ở Hong Kong.
- Sinh viên Joshua Wong (Hoàng Chi Phong): Hoàng Chi Phong được cho là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng nhất ở Hong Kong. Năm 2014, Hoàng Chi Phong trở thành biểu tượng của Phong trào Dù vàng – một cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên vào năm 2014.
- Nhà cách mạng “Tóc dài” Leung Kwok-hung (Lương Quốc Hùng): Ông Lương đã từng tự nhận là một “nhà cách mạng Marxist”. Người đàn ông 68 tuổi nổi tiếng với những màn kịch chính trị – đơn cử là việc ném chuối để bày tỏ sự phản đối. Khi tuyên thệ nhậm chức vào lập pháp viện của Hong Kong vào năm 2016, ông đã thả một quả bóng bay có biểu ngữ chính trị và cầm một chiếc ô vàng với tuyên bố “Phong trào Dù vàng sẽ không bao giờ kết thúc”. Hành động này đã khiến ông Lương bị loại khỏi hội đồng lập pháp.
- Nhà hoạt động kì cựu Claudia Mo (Mao Mạnh Tĩnh): Bà Mao Mạnh Tĩnh, thường được người dân Hong Kong gọi một cách trìu mến là Dì Mao, là một nhà lập pháp đối lập nổi tiếng. Bà từng là phóng viên của hãng thông tấn AFP đưa tin về vụ thảm sát Thiên An Môn. Bà Mao là một trong số 15 nhà lập pháp đồng loạt từ chức khỏi Hội đồng Lập pháp vào năm 2020, sau khi bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ bị cách chức. “Chúng ta cần phản đối những gì có thể là đòn quyết định của Bắc Kinh giáng xuống Hong Kong nhằm bịt miệng những tiếng nói đối lập cuối cùng của thành phố.”
- Nhà báo Gwyneth Ho (Hà Quế Lam): Hà Quế Lam, 33 tuổi, từng làm việc cho nhiều cơ quan báo chí, bao gồm BBC Tiếng Trung, đài truyền hình RHTK của chính quyền Hong Kong và hãng tin độc lập Stand News. Cô đã tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 và giành được số phiếu cao ở khu vực bầu cử của mình. Chưa đầy một năm sau, Hà Quế Lam bị bắt.