Tu như Thích Minh Tuệ thì được lợi ích gì?

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.05.29

Tu như Thích Minh Tuệ thì được lợi ích gì?

Sư Thích Minh Tuệ bộ hành

Facebook Thinh Nguyen

Tôi nói với ba tôi:

-Nếu ba mẹ còn khỏe, tự lo được cho bản thân, chắc con sẽ đi theo thầy Minh Tuệ một thời gian. Có lẽ con sẽ xin không đắp y, không xuống tóc mà chỉ xin gia nhập vào đoàn như một người dân thường chuộng Đạo muốn cùng đồng hành.

Tôi cũng nói với vợ tôi như vậy. Chúng tôi đều thích cuộc sống có nhiều trải nghiệm, muốn được tự mình tham gia vào những sự kiện có nhiều chiều suy nghĩ, nên vợ tôi cũng hăm hở hệt như tôi.

Nhưng chúng tôi còn cha mẹ già hai bên phải chăm sóc hàng ngày và tụi nhỏ đang còn ở cái tuổi chưa thể xa ba mẹ một thời gian dài.

Chứ một cuộc sống tự do như thầy Minh Tuệ, trời ơi…

Tôi nghĩ đó là ao ước của rất nhiều người

Tất nhiên là trừ những đoạn khổ hạnh đến mức cực đoan (và theo cá nhân tôi, nó không còn phù hợp với đời sống tôn giáo hiện tại nữa), như ít nhất 15 ngày mới được tắm như đã nói ở trên, cộng với đi chân trần, đầu trần, ngủ ngồi. Không được tắm rửa thường xuyên, cơ thể sẽ ngứa ngáy khó chịu. Đầu trần đi dưới nắng dễ bị ung thư da, sinh nhiều bệnh. Chân trần dễ đạp phải mảnh sành, mảnh chai, chẳng may bị uốn ván thì rồi đời. Thân không còn thì chẳng còn cơ hội tu học gì nữa. Ngủ ngồi cũng không cần thiết vì cơ thể không được nghỉ ngơi đúng và đủ sẽ dễ sinh bệnh tật cả tâm trí và cơ thể.

Thầy Minh Tuệ cũng thừa nhận từ khi thực hành 13 hạnh đầu đà thì bệnh tật kéo đến rất nhiều. Là do cách sinh hoạt thiếu thốn khổ hạnh mà ra chứ đâu, nhưng với thầy thì đó lại là những phép thử thách chí nguyện tu hành. Tôi thì cho rằng nên để tâm trí rỗng rang mà quán sát những vấn đề lớn hơn của bản thân và xã hội thì có lợi lạc hơn là vượt qua những nỗi khổ thế xác không cần thiết đó.

Ngoài sự khác nhau đó ra, tất cả những điều cấm còn lại tôi cho rằng nhiều người đều có thể thực hiện được; nó cũng không khác lắm với kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, lại còn an toàn hơn rất nhiều.

Tự do như một linh hồn

Mà nhẹ nhõm vô cùng. Sư Minh Tuệ không có nhà cửa để phải lo trả tiền nợ ngân hàng hay sửa sang nó hàng năm khi mùa mưa bão ngập lụt tới. Không có công việc chuyên môn nào để phải chạy deadline đến đau dạ dày và thiếu ngủ phờ phạc. Không có con cái mè nheo hay ẩm ương để lo đứng lo ngồi sợ nó chậm lớn hay chơi với bạn hư. Thậm chí ông không còn có cả cha mẹ để chăm sóc, phụng dưỡng khi tuổi già (trong nhiều video, Thích Minh Tuệ nói rằng từ khi xuất gia là ông đã “bỏ” cha mẹ, không về thăm. Và vì giới hạnh của ông là không dùng điện thoại nên dù cha mẹ có gọi điện thoại ông cũng không nhận). Ngay cả cái ăn, cái điều khiến gần như tất cả mọi người trên thế giới này đều phải quần quật đánh đổi bằng sức lao động, thậm chí bán từng mẩu não để đổi lấy, ông cũng không phải lo nốt; luôn có người cho ông bữa ăn, nước uống và một số thứ cần thiết hàng ngày.

Áo quần thì nhặt vải người ta bỏ đi, lọc sạch, may tay lại. Chỉ tốn thời gian (kim chỉ kéo… cũng được cúng dường) nhưng lại được thực hành một thú vui sáng tạo và sang trọng. Vì thời buổi này áo quần may sẵn vừa nhiều vừa rẻ, nhưng thời gian thì đắt. Ngoài các nhà thời trang, chẳng mấy ai có thời gian hay khả năng tự tay thiết kế và may y phục cho mình. Hoạt động may khâu đều đều của các ngón tay lại khiến cho tâm trí tập trung và thư thái, cũng là một hình thức thiền. Các bộ y phấn tảo của Thích Minh Tuệ đều đẹp mắt và đặc sắc, đó cũng có thể do ông đã vô tình bộc lộ khả năng phối màu của mình.

Hạnh đầu đà cũng nói người hành giả có thể ngủ ở bất cứ đâu. Ngủ ở nghĩa địa như các hành giả khổ hạnh là trải nghiệm không dễ gì trên đời mấy người có, nó khiến người ta gan dạ hơn và có cơ hội nhìn thấu lẽ sinh tử.

Trong khi chúng ta từ sáng sớm đã quay cuồng với các trách nhiệm của người làm con/làm cha/mẹ/vợ/chồng/nhân viên/sếp…, đang đi làm đã phải nghĩ đến bữa tối sẽ mua gì nấu ăn cho gia đình, chủ nhật ngày nghỉ phải lo dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, phơi phóng…  thì ông chẳng hề phải gánh bất cứ trách nhiệm gì. Chúng ta phải chờ vài tháng để có một kỳ nghỉ, sung sướng quăng hết công việc ra sau đầu để kéo nhau đi, đi gần như bất cứ đâu, miễn là ra khỏi nhà trong vài ngày, không phải chợ búa, nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp. Thì Thích Minh Tuệ thích ở thì ở, thích đi là đi. Cũng không phải sợ kẹt xe, tiền xăng, tiền tài xế, giá vé cao. Hai bàn chân ông đưa ông đến bất cứ đâu ông muốn đến.

Trời ơi một đời sống như thế, tự do như một linh hồn. Toàn bộ thời gian là của mình, không phải lo toan về bất cứ việc gì, không phải lo toan cho bất cứ người nào cả. 24/24, ta chỉ việc nghĩ đến bất cứ điều gì mình thích nghĩ. Không có đứa nào dạy dỗ hay đòi hỏi ta phải dậy sớm để thành công. Không đứa nào đánh giá ta thiếu cần mẫn, hay mơ mộng. Không chi bộ nào yêu cầu ta phải thanh liêm, đạo đức, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Ta chỉ có một ông sếp duy nhất, mà ông ấy thì bao giờ cũng hiền từ, thấu hiểu, bao dung và tỏ sáng mọi điều. Ta chỉ việc làm đúng những gì ông ấy dạy bảo, thậm chí không cần phản biện lại vì sao phải làm đúng như thế.

Sư Minh Tuệ đã làm đúng như thế. Ông có đạt được an lạc hay không thì chỉ mình ông biết rõ, và sáu năm có lẽ chưa đủ dài để kết luận ông sẽ tu học thành công, thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Nhưng ít nhất cuộc sống của ông trong sáu năm qua, lòng tin chất phác và chân thành của ông đã giúp ông khiến rất nhiều người khác có dịp nhìn lại cuộc sống của mình và bớt được không ít lo âu. 

Khía cạnh nổi bật khác của đời tu khổ hạnh Thích Minh Tuệ mà chính ông không hề nghĩ tới nhưng rất nhiều người đồng tình, là trở thành kính chiếu yêu đánh rớt mặt nạ một đám trọc tham lam và dối trá trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đã rõ.

Sẽ đạt những gì?

Rất nhiều người trong chúng ta từng đi từ thiện thường xuyên.

Hẳn quý vị còn nhớ lần đầu tiên mình mang một món quà gói cẩn thận đẹp mắt, đi tìm những người ăn mày, người vô gia cư đang nằm vùi nơi đầu đường xó chợ, dưới một mái hiên vắng, để tận tay trao cho họ và chúc một lời may mắn.

Hay lần đầu tiên cầm bàn tay cụt mất vài ngón của người bệnh nhân phong, vuốt ve và cắt móng tay cho họ.

Đó là cảm giác bật mở trong ý thức rằng chúng ta-tất cả đều là anh em; chúng ta-tất cả đều bình đẳng; chúng ta chủ yếu nhờ may mắn nên có được đời sống tốt hơn những người anh em này, vì thế đừng khinh miệt họ. Và trong sức của mình hãy giúp đỡ tha nhân, làm điều có ích cho xã hội để trả phần phước mà ta được nhận.

Đó là cảm giác của một dòng nước nhỏ len lỏi nhiều ngày qua các bãi khô và sỏi đá, cô đơn và hoang mang, rồi khoảnh khắc òa ra nhập vào biển bao la, từng tế bào trong thân đều ngỡ ngàng mừng vui trong sự giác ngộ rằng mỗi chúng ta thực ra đều là những giọt nước trong cùng biển nước, là những chiếc lá trên một thân cây.

Cũng như thế, có lẽ với đa số người chưa bao giờ xuất gia tu tập giống như tôi, cảm giác của lần đầu tiên đứng yên lặng trước một ngôi nhà chờ người ta bố thí bữa ăn, và đói no của mình trong suốt ngày đó phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Là cơ hội cho ta quán sát sự khiêm cung tận cùng, đồng thời cũng là sự thản nhiên tận cùng của chính bản thân. Đơn giản nhất: nhà này không cho thì mình đi tiếp xin nhà khác. Ta cần họ giúp, nhưng không phụ thuộc vào bất cứ ai.

Trên con đường du hành, chúng ta sẽ đi qua vô số nơi, gặp vô số con người, chứng kiến vô số cảnh đời và sự vật. Kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Gần như mỗi khoảnh khắc đều là những hạnh ngộ chỉ có thể ước, không có thể cầu. Những hạnh ngộ đó như những cánh cửa mở dần trên con đường tìm hiểu về bản thể, về con người, về cõi đời. Một cánh cửa mở ra rồi là trí và tâm đều tiến lên một bước mới, mãi mãi rời xa những tư duy, cảm thức cũ.

Một đời sống như thế, chao ôi, bao nhiêu người ước mơ mà không thể thực hiện.

Không thể nói việc tự tu thân của Thích Minh Tuệ sẽ không có ích cho ai, hay ai cũng như ông ấy thì ai trồng lúa, ai dệt vải, ai giữ bình yên trên con đường du hành. Nếu quan sát và quán sát tốt, ông sẽ như một người bạn lớn có vô vàn điều hay ho về cuộc sống, về con người, về phong cảnh, về rất nhiều điều mà những người không có cơ hội trải nghiệm như ông không thể có được. Ông có sự bình tĩnh và bao dung sau nhiều năm du hành chạm mặt với đủ loại người, đủ loại trạng thái cảm xúc. Chỉ cần sự bình tĩnh và bao dung đó, ta đã có thể chia sẻ với ông nhiều điều thuộc về cảm xúc của một con người bình thường. Vì câu trả lời đúng thì nhiều người biết, nhưng tạo ra trạng thái đúng để thực hiện câu trả lời đó thì thậm khó, khó vô cùng. Người tạo ra trạng thái ấy cho nhiều người để họ tự tìm được giải pháp cho mình được gọi là Phật, là Chúa, là Allah…

À, tôi còn nói thêm với ba tôi câu này:

-Có lẽ con sẽ trải nghiệm việc khất thực, ăn ngày một bữa, du hành ban ngày và ngủ đêm cùng địa điểm, nhưng con sẽ vào nhà nghỉ tắm rửa và thay áo quần vì con sẽ không thể chịu đựng được việc ít nhất 15 ngày không tắm và không thay quần áo sạch. Con cũng có thể không dùng điện thoại nhưng đọc sách và dùng giấy bút ghi chép những điều con trông thấy và cảm nghĩ thì chắc Phật đồng ý mà. Nếu thế, con nghĩ con có thể cùng du hành như vậy ít nhất là một vòng Bắc-Nam. Rồi con về, tiếp tục chăm sóc cha mẹ và con cái. Thỉnh thoảng khi điều kiện thuận lợi, con lại đi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Bài Liên Quan

Leave a Comment