Việt Nam nằm trong số không nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, bao gồm cả quy định trong luật lẫn áp dụng thực tiễn, theo báo cáo năm 2023 vừa được Tổ chức Ân Xá Quốc tế công bố.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, cũng giống như Trung Quốc, hiện không có được số liệu chính thức từ Bắc Hàn, Việt Nam, Syria, Palestine và Afghanistan vì số liệu này được xem là bí mật quốc gia hoặc không được công bố.
Số vụ thi hành án tử hình trên toàn cầu trong năm 2023 là 1.153 vụ, tăng 31% nếu so với con số 883 được công bố vào năm 2022, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Đây cũng là con số cao nhất được ghi nhận từ năm 2015 cho đến nay. Vào năm 2015, số vụ thi hành án tử hình là 1.634.
Theo báo cáo này, 5 nước có số vụ thi hành án tử hình cao nhất trong năm 2023 là Trung Quốc, Iran, Ả Rập Xê Út, Somalia và Mỹ.
Riêng Iran chiếm đến 74% tổng số vụ tử hình trên toàn cầu, trong khi Ả Rập Xê Út chiếm 15%.
Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, bà Agnès Callamard, bình luận: “Số án tử hình tăng vọt phần lớn là từ Iran. Giới chức Iran đã cho thấy sự khinh thường mạng sống con người và gia tăng hình phạt tử hình đối với các tội liên quan đến ma túy, ngày càng cho thấy rõ ràng những hệ lụy mang tính phân biệt rõ nét đối với các cộng đồng nghèo khó và bị gạt ra rìa xã hội.”
Mặc dù báo cáo cho thấy Iran có số vụ thi hành án tử hình nhiều nhất với 853 người bị xử tử, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng Trung Quốc mới là nước có số vụ thi hành án nhiều nhất.
Tuy không có số liệu chính thức từ Trung Quốc nhưng Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính hàng ngàn người bị thi hành án tử hình tại quốc gia này hồi năm ngoái.
Việt Nam hiện vẫn duy trì hình phạt tử hình trong luật, các bản án tử hình vẫn được tuyên và việc thi hành án vẫn được thực hiện.
Trong báo cáo về công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao Việt Nam từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024, Viện trưởng VKSND Tối cao ông Lê Minh Trí cho biết “số lượng người bị kết án tử hình năm 2023 tăng so với cùng kỳ”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam cho biết “khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao”, theo tường thuật của báo Pháp luật TP HCM.
Vấn đề xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam hay không đã được nói đến từ nhiều năm nay.
Đã có nhiều lời kêu gọi và áp lực để Việt Nam xóa bỏ án tử hình, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa có một tiến trình lập pháp cụ thể nào được triển khai.
Điều 3 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 nêu mọi người đều có “quyền được sống, tự do và an toàn thân thể”.
Khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm1966 nêu: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện.”
Việt Nam gia nhập ICCPR vào năm 1982.
Việc tuyên án tử hình một người sau phiên tòa được cho là không xét xử công bằng và đúng thủ tục tố tụng hình sự cũng là đi ngược lại với tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng được quy định tại Điều 14 của ICCPR.
Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và đang tái ứng cử cho nhiệm kỳ 2026-2028.
Hiện ở Việt Nam, án tử được thực hiện bằng hình thức tiêm thuốc độc và ân giảm án tử hình là thẩm quyền của chủ tịch nước.
Theo Nghị định 43/2020/NĐ-CP, một liều thuốc gồm ba loại: thuốc làm mất tri giác, thuốc làm liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Trong thời gian qua, ông Lê Văn Mạnh, ông Hồ Duy Hải và ông Nguyễn Văn Chưởng là ba trong số những tử tù mà vụ án của họ có dấu hiệu sai sót về tố tụng, thậm chí oan sai, gây chú ý trong dư luận trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi phản đối án tử hình trong mọi trường hợp, nhưng thật đau lòng khi chính quyền Việt Nam vẫn muốn tiếp tục thi hành án tử, dù họ nhận thức được những lo ngại này,” bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về vấn đề án tử hình từ Tổ chức Ân xá Quốc tế nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 23/9/2023 sau khi tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án vào sáng ngày 22/9/2023.
Mới đây, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, tại phiên tòa sơ thẩm, nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan đã lãnh án tử hình.
Bà Lan là một trong số ít nữ doanh nhân bị tuyên mức án tử hình về tội kinh tế trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Quốc gia nào đã bỏ hình phạt tử hình?
Xu hướng bãi bỏ án tử hình là khá rõ rệt trên phạm vi toàn cầu.
Hiện có khoảng 50 quốc gia còn giữ án tử hình ở trong luật, nhưng chỉ còn hơn 10 nước là còn áp dụng án tử hình và thi hành án tử hình trên thực tế (tính trong khoảng thời gian từ 2019-2023).
Một số nước khác thì dù vẫn còn quy định mức án tử hình trong luật nhưng đã không tuyên án tử hình từ nhiều năm qua.
Số quốc gia bãi bỏ án tử hình đã tăng từ 48 nước vào năm 1991 lên 112 nước vào năm 2023.
Có 9 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình cho những người phạm các tội nghiêm trọng nhất (như giết người hàng loạt), trong khi 23 quốc gia vẫn có quy định áp dụng án tử hình nhưng đã không sử dụng (tức không tuyên án) trong ít nhất 10 năm qua.
Có bốn hình thức tử hình trong năm 2023, trong đó hình thức chặt đầu chỉ còn được áp dụng tại Ả Rập Xê Út.
Có 7 quốc gia áp dụng hình thức treo cổ, 6 quốc gia sử dụng hình thức xử bắn và 3 quốc gia áp dụng tiêm thuốc độc.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk vào tháng 1/2024 nói: “Việc thực thi hình phạt tử hình đi ngược lại một cách nghiêm trọng với nhân phẩm con người, quyền căn bản được sống và quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.”
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho biết các quốc gia duy trì án tử hình là “bởi vì quan niệm sai lầm rằng tử hình có thể ngăn chặn được tội phạm”.
Các nhà khoa học xã hội cho rằng hiệu quả ngăn chặn tội phạm của án tử hình là chưa được chứng minh đầy đủ.
Một số nhà khoa học cho rằng yếu tố ngăn chặn đáng kể nhất đó chính là khả năng bị bắt giữ và trừng phạt.
Tử hình để lại hệ lụy nào cho con trẻ?
Vào năm 2010, 14 nước bao gồm Algeria, Argentina, Kazakhstan, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng lập nên Ủy ban Quốc tế Chống Tử hình.
Ủy ban này hiện có 24 quốc gia thành viên, trong đó có Anh, Canada, Úc, Đức và Togo.
“Không giống bất kỳ cách trừng phạt tội phạm nào khác, chuyện một người cha hay mẹ bị xử tử đã tước đoạt vĩnh viễn cơ hội được có cha mẹ của một đứa trẻ,” Ủy ban Quốc tế Chống Tử hình nhấn mạnh.
Trong khi đó, cho đến nay Việt Nam chưa có đánh giá đầy đủ về hệ lụy đối với những đứa trẻ bị mất cha hay mẹ do án tử hình.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam vào ngày 1/8/2023, tác giả Phạm Minh Đô từ Tòa án Quân sự Quân khu 7 nêu quan điểm về việc Việt Nam có nên bãi bỏ hình phạt tử hình này hay không.
Tác giả viết: “Cho đến khi nào còn được sống, cho dù bị kết án tù chung thân, một người tù vẫn còn có hy vọng được tái hòa nhập cộng đồng, được giảm án, ân xá hay được giải tội. Việc thi hành án tử hình sẽ triệt tiêu những cơ hội này của họ. Thêm vào đó, hình phạt tử hình không chỉ gây đau đớn cho phạm nhân về thể chất khi bị hành quyết, mà còn khiến họ bị khủng hoảng tinh thần vô cùng nặng nề trong thời gian chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, không thể nói là so với hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình có tính nhân đạo hơn.”
Tác giả đặt câu hỏi: Tại sao không sử dụng hình phạt chung thân không được phép hưởng khoan hồng?
“Thay vì tước đoạt mạng sống, chúng ta bắt phạm nhân phải lao động suốt đời để biết thế nào là giá trị của lao động, bù đắp cho những mất mát của người bị hại, làm ra của cải vật chất để bù đắp lại,” tác giả viết.
“Hiện nay đang là xu thế hội nhập, và việc hợp tác về mọi mặt giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đã trở thành yêu cầu mang tính tất yếu khách quan. Để hòa nhập với tiến trình phát triển chung đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự điều chỉnh về chính sách, pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng cho phù hợp, trong đó có sự tương thích các quy định về hình phạt tử hình.”