Chủ tịch Hạ viện Johnson kêu gọi Tối cao Pháp viện lật ngược bản án có tội ‘đầy nguy hiểm’ dành cho ông Trump

Ông Johnson bày tỏ kỳ vọng của mình để bản án phải được lật ngược: ‘Tôi nghĩ họ sẽ làm sáng tỏ vấn đề này, nhưng sẽ mất một thời gian.’

Chủ tịch Hạ viện Johnson kêu gọi Tối cao Pháp viện lật ngược bản án có tội ‘đầy nguy hiểm’ dành cho ông Trump

(Trái) Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/02/2024. (Phải) Cựu Tổng thống Donald Trump nói tại một buổi tiếp xúc cử tri của Fox News ở Greenville, South Carolina, hôm 20/02/2024. (Ảnh: Kevin Dietsch, Justin Sullivan/Getty Images)

Tom Ozimek

Thứ bảy, 01/6/2024

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nói rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nên vào cuộc và lật ngược bản án có tội dành cho cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tòa xét xử về cáo buộc giả mạo hồ sơ kinh doanh của ông ở New York. Ông Johnson lập luận rằng các tình tiết của vụ kiện này đã dẫn đến sự xói mòn niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp Mỹ quốc.

“Vẫn còn rất nhiều diễn biến sắp xảy ra, nhưng tôi tin rằng Tối cao Pháp viện nên vào cuộc, rõ ràng, đây là điều chưa từng có tiền lệ — và đầy nguy hiểm cho hệ thống tư pháp của chúng ta,” ông Johnson cho biết trong lần xuất hiện hôm 31/05 trên Fox and Friends.

Bản án có tội đã khiến cựu Tổng thống Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị kết tội, với việc cựu tổng thống thông báo sẽ kháng cáo bản án và gọi phiên tòa này là “rất bất công.”

Một số chuyên gia pháp lý đã đặt câu hỏi liệu những chỉ dẫn của Thẩm phán Juan Merchan cho bồi thẩm đoàn có thiên vị một cách không công bằng đối với việc kết án hay không.

Mặc dù nhận xét của ông Johnson cho thấy ông đang kêu gọi Tối cao Pháp viện vào cuộc trước khi tòa phúc thẩm New York có cơ hội cân nhắc vấn đề này, nhưng việc đó có vẻ là một viễn cảnh khó xảy ra.

Ông Hans von Spakovsky, chuyên gia pháp lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Tư pháp Edwin Meese III của Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times rằng ông hiểu và có cùng sự thất vọng giống ông Johnson trước điều mà ông nhận định là một “phiên tòa xét xử oan sai” rõ ràng xảy ra ở phòng xử án Manhattan.

Tuy nhiên, ông von Spakovsky cho rằng viễn cảnh Tối cao Pháp viện vào cuộc trước khi tiến trình kháng cáo diễn ra tại các tòa án tiểu bang New York là không thực tế.

“Chắc chắn có những vấn đề trao cho Tối cao Pháp viện thẩm quyền đối với bản kết án của tòa án tiểu bang, do có vi phạm căn bản đối với các quyền tố tụng công bằng theo Hiến pháp Hoa Kỳ của ông Donald Trump theo cách thẩm phán xét xử và phía công tố đã giải quyết sai vụ án,” ông cho biết. “Nhưng tôi không tin Tối cao pháp viện sẽ thụ lý vụ việc này cho đến khi tiến trình kháng cáo của tiểu bang kết thúc.”

Ông Jonathan Emord, một chuyên gia về luật Hiến Pháp và kiện tụng, nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng phiên tòa đã vi phạm các quyền tố tụng công bằng của cựu Tổng thống Trump và “có sự thiên vị” nhưng ông cũng thấy không có mấy hy vọng rằng Tối cao Pháp viện sẽ can thiệp cho đến khi tòa án kháng cáo xem xét xong.

Trong lần xuất hiện trên Fox and Friends, ông Johnson cho biết con đường kháng cáo lên tòa án tối cao sẽ mất một thời gian nhưng ông thể hiện sự tin tưởng rằng bản án này cuối cùng sẽ bị hủy bỏ.

“Tôi nghĩ họ sẽ làm sáng tỏ vấn đề này, nhưng sẽ mất một thời gian,” ông Johnson nói. “Tiến trình này cần một thời gian để diễn ra. Tất nhiên, Đảng Dân Chủ biết điều đó, và họ đang kéo dài ra. Đó chính là toàn bộ mục tiêu. Họ muốn cố gắng làm ông Donald Trump phá sản.”

Ông Johnson, từng là luật sư bào chữa trong 20 năm, nói rằng những gì ông chứng kiến trong phiên tòa xét xử ông Trump là “thái quá.”

“Người dân Mỹ nhìn thấy điều đó,” ông nói trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu. “Đây là một hoạt động chính trị thuần túy, không phải là hoạt động pháp lý. Và mọi người đều biết điều đó. Qua trực giác, họ biết rằng điều đó là sai. Và người dân đang phẫn nộ.”

Ông Johnson lập luận rằng cách tiến hành phiên tòa và bản thân bản án có tội đang “làm suy giảm niềm tin của người dân Mỹ và chính hệ thống tư pháp của chúng ta.”

“Và để duy trì một nền cộng hòa … người dân phải tin rằng công lý là công bằng và có sự thực thi công lý bình đẳng trước pháp luật. Ngay lúc này họ không thấy được điều đó,” ông nói thêm.

Cẩm An lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment