Hội nghị không chính thức các ngoại trưởng khối NATO, bàn về việc hỗ trợ Ukraina, họp tại Praha, trong hai ngày, 30 và 31/05/2024, đã có một số bước tiến đáng chú ý. Theo AFP, nhiều quốc gia còn lưỡng lự với việc cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tấn công sang lãnh thổ Nga, như Đức, rút cục đã điều chỉnh lập trường, sau khi Washington thay đổi quan điểm.
Đăng ngày: 01/06/2024
Các thành viên NATO cũng thảo luận về việc duy trì mức độ hỗ trợ tối thiểu 40 tỉ đô la hàng năm, như hiện nay, chừng nào Kiev còn cần cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược Nga. Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
‘‘Một bước tiến quan trọng đối với các ngoại trưởng NATO là tuyên bố của đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken về việc vũ khí Mỹ có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga đối diện với vùng Kharkiv của Ukraina. Quyết định nói trên mở đường cho một số nước châu Âu, như Đức, dỡ bỏ quy định cấm dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Đối với tổng thư ký NATO, Nga sẽ không thể làm nhụt chí các đồng minh của Ukraina trong việc hậu thuẫn quốc gia này chừng nào mà việc này còn là cần thiết. Ông nói :
‘‘Tổng thống Putin đã đe dọa các quốc gia thành viên NATO từ đầu chiến tranh, và ông ta sẽ tiếp tục làm như vậy. Trên thực tế, trước khi xâm lược Ukraina, Putin đã từng đe dọa tất cả các nước có ý định hậu thuẫn Ukraina. Ông ta đã cố gắng ngăn cản chúng ta giúp Ukraina về quân sự. Tiếp theo đó, ông ta đã tìm cách ngăn cản chúng ta cung cấp xe thiết giáp, các hệ thống tên lửa tân tiến, phi cơ chiến đấu… Chúng ta đã điều chỉnh và tăng cường hậu thuẫn Ukraina, bởi chúng ta tin tưởng vững chắc là Ukraina có quyền tự vệ. Tự vệ là quyền căn bản của một quốc gia, đã được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.’’
Về dài hạn, để củng cố hậu thuẫn quân sự cho Ukraina , tổng thư ký Jens Stoltenberg đã yêu cầu các quốc gia thành viên NATO duy trì mức đóng góp 40 tỉ euro hàng năm’’.
Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ NATO can dự vào chiến tranh tại Ukraina
Cũng tại hội nghị này, tổng thư ký NATO đề nghị NATO cần có ‘‘vai trò lớn hơn’’ trong việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraina. Theo AFP, nhiều quốc gia NATO lo ngại, nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, việc viện trợ cho Kiev, do Washington điều phối hiện nay sẽ bị đình chỉ.
Về vấn đề này, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara không ủng hộ việc NATO ‘‘tham gia’’ vào cuộc chiến tranh tại Ukraina, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ trương trợ giúp quân sự cho Kiev chống xâm lược, ‘‘khôi phục lãnh thổ’’.
Trong lúc hội nghị ngoại trưởng NATO đang diễn ra, điện Kremlin, hôm 30/05, một lần nữa cáo buộc NATO ‘‘kích động’’ Ukraina để kéo dài chiến tranh, và đe dọa ‘‘các hậu quả nghiêm trọng’’, nếu các nước NATO cho phép Ukraina dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.