- Tác giả,Hugh Schofield
- Vai trò,BBC News
- 1 tháng 6 2024
Nữ y tá người Pháp được mệnh danh là “thiên thần Điện Biên Phủ” vì đã chăm sóc thương bệnh binh trong Chiến tranh Đông Dương vừa qua đời ở tuổi 99.
Bà Geneviève de Galard đã trở thành nhân vật nổi tiếng cách đây đúng 70 năm khi là nữ y tá duy nhất chăm sóc cho quân Pháp giữa cảnh chết chóc tại Điện Biên Phủ ở miền bắc Việt Nam.
Bà đã giành được sự yêu mến của binh lính Pháp vì sự cống hiến tận tâm trong hơn một tháng giao tranh đẫm máu trước khi Pháp thất thủ vào ngày 7/5/1954.
Bị lực lượng Việt Minh bắt rồi trả tự do, bà đã xuất hiện trên trang nhất của tạp chí Paris-Match. Sau đó, bà được mời sang Mỹ và được đón tiếp long trọng bằng một cuộc diễu hành tung hoa giấy ở New York và được Tổng thống Dwight D. Eisenhower trao tặng Huân chương Tự do.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết trên mạng xã hội X rằng: “Trong thời khắc tồi tệ nhất của Chiến tranh Đông Dương, bà Geneviève de Galard đã thể hiện lòng dũng cảm và sự tận tâm mẫu mực đối với 15.000 binh sĩ Pháp.”
Sinh năm 1925 trong một gia đình quý tộc ở Paris và lớn lên là một người Công giáo ngoan đạo, bà de Galard được đào tạo thành y tá sau Thế chiến II và gia nhập quân y với tư cách là y tá không vận.
Sau nhiều chuyến sơ tán thương binh, chiếc máy bay của bà bị rò rỉ dầu, khiến bà bị kẹt lại ở Điện Biên Phủ vào cuối tháng 3/1954.
Những ngày tiếp theo, các đợt pháo kích của Việt Minh khiến đường băng không hoạt động.
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm của Pháp ở Đông Dương, quân đội Pháp được lệnh phải giữ vững Điện Biên Phủ bằng mọi giá, mặc dù đây là một khu doanh trại ở vùng xa xôi hẻo lánh khiến hoạt động quân sự bị hạn chế.
Nhưng sau khi kéo pháo qua địa hình rừng núi, bộ binh Việt Minh dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bao vây đồn lũy của Pháp, và trong 50 ngày pháo kích và tấn công, họ đã đánh bại được quân Pháp.
Trong cái nóng ngột ngạt và điều kiện vệ sinh thô sơ, bà de Galard đã giúp các bác sĩ quân đội thực hiện nhiều ca phẫu thuật cắt cụt chi và các hoạt động cấp cứu. Bà an ủi những người lính sắp chết và hứa sẽ gửi lời nhắn cuối cùng đến những người thân yêu của họ.
Bà không hề nhận ra rằng giữa cảnh u ám của cuộc chiến tranh đang tiếp diễn, báo chí thế giới đã viết một tin tích cực về “thiên thần Điện Biên Phủ”, người đã tận tình cứu chữa thương binh.
Điển hình trong số đó là một bài viết của tạp chí Time lúc bấy giờ: “Trong bệnh viện dưới lòng đất ở Điện Biên Phủ, giữa mùi xác chết, thuốc sát trùng và vết thương thối rữa, y tá de Galard đã sụt 18 pound (hơn 8kg) vì làm việc và lo lắng.”
“Cô ấy đã cắt tóc rất ngắn; cuối cùng cô ấy đã chuyển sang mặc bộ quần áo màu xanh lá cây, đôi khi mặc quần và áo sơ mi của lính dù. Cô ấy có một căn hầm riêng với những tấm vải lụa, làm từ những chiếc dù… nhưng cô ấy thường ngủ trên một chiếc giường cũi bên cạnh những người bị thương”.
“May mà tôi kẹt lại ở đây. Tôi tự hào được ở đây,” bà từng nói với Sở chỉ huy.
Trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, bà de Galard được phong tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương Chiến công, đồng thời bà được phong làm thành viên danh dự của Binh đoàn Lê dương Pháp.
Trong hồi ký của mình, bà viết: “Ở Điện Biên Phủ, tôi có chút gì đó như là người mẹ, chút gì đó như là người chị và một chút là người bạn. Do tôi là phụ nữ, nên chỉ việc tôi có mặt ở đó thôi cũng khiến địa ngục ấy bớt đi chút vô nhân tính.”
Sau chiến tranh, bà de Galard đã kết hôn với một người lính và cuối cùng trở về sống ở Paris. Bà luôn nói rằng rất ngạc nhiên trước những ồn ào xảy ra với mình, bởi vì bà chỉ đơn thuần thực hiện nghĩa vụ của mình.