1 tháng 6 2024
Sau khi loay hoay với đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển sang biện pháp để bốn ngân hàng quốc doanh bán vàng trực tiếp cho người dân từ ngày 3/6.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn bán vàng cho người dân thông qua bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank sau khi không thể kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới.
Các ngân hàng này đang chuẩn bị địa điểm để bán vàng cho người dân vào tuần sau.
Ngân hàng VietinBank hôm 31/5 tuyên bố chủ trương “3 Không”, gồm không vì mục đích lợi nhuận, không giới hạn khách hàng cá nhân và không giới hạn số lượng mua.
Ngân hàng BIDV và Agribank cũng tuyên bố “không đặt ra mục tiêu lợi nhuận” mà nhằm mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank tuyên bố chỉ bán và không mua vàng miếng SJC từ khách hàng.
Maika Elan/Bloomberg/Getty Images
Tình hình đấu thầu vàng từ ngày 22/4 đến 23/5
- 9 phiênđấu thầu được tổ chức
- 6 phiênthành công
- 3 phiênbị hủy vì không đủ đơn vị nộp phiếu dự thầu
- 16.800lượng vàng đấu thầu mỗi lần
- 48.500lượng vàng trúng thầu
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trước đó, phát biểu trước các cơ quan báo chí hôm 29/5, ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết sau 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới “vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%”.
Ông Phạm Quang Dũng khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường […]. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.”
Nếu như năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức 76 phiên đấu vàng thì sau 11 năm, con số này chỉ còn 9 phiên, trong đó chỉ có 6 phiên thành công.
Có 3 lần đấu thầu bị hủy do không đủ đơn vị tham gia, đó là vào các ngày 22/4, 25/4 và 3/5.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều “ế ẩm” bởi giá cao và khối lượng đấu thầu lớn.
Báo Tiền Phong ngày 30/5 dẫn ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, về nguyên nhân đấu thầu thất bại:
“Ngân hàng Nhà nước để giá tham chiếu ngang bằng giá thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp sau khi mua với giá trúng thầu, phải bán với giá cao hơn để có lãi. Đó là vấn đề không hợp lý và bất cập.”
‘Phải công khai biên độ chênh lệch’
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ bán vàng miếng cho 4 ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank để 4 ngân hàng này phân phối vàng cho người dân “theo giá chỉ định”.
Đây là các ngân hàng do nhà nước nắm hoàn toàn hoặc nắm trên 50% cổ phần.
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định “căn cứ theo giá thế giới”.
Các chuyên gia đã đặt ra liên tiếp những câu hỏi trước biện pháp bình ổn giá vàng mới nhất này, cụ thể như: Tại sao chỉ có 4 ngân hàng này được phép tham gia mà không phải những ngân hàng khác? Giá ấn định của Ngân hàng nhà nước là bao nhiêu? Chênh lệch bao nhiêu so với giá vàng thế giới? Lợi nhuận của các ngân hàng này sẽ là bao nhiêu?
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 30/5, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Úc), nêu quan sát từ đầu năm 2000 tới nay, giá vàng trên thị trường có xu hướng chung là tăng và biến động nhiều hơn giai đoạn trước đó.
Ông cho rằng việc chọn 4 ngân hàng quốc doanh bán vàng trực tiếp cho người dân nhằm “bình ổn” thị trường thì giá bán ra phải không quá cao so với giá quốc tế cũng như số lượng vàng bán ra phải đủ lớn để đáp ứng nhu cầu.
“Giá quá cao so với quốc tế sẽ ngăn cản thị trường vàng nội địa cân chỉnh gần với thị trường vàng quốc tế.”
Trả lời báo VnExpress ngày 29/5, đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết họ “dự kiến bán ra thị trường theo mức giá nằm trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép”.
Cụ thể, giá vàng Ngân hàng Nhà nước bán cho các ngân hàng này sẽ được cộng biên độ chênh lệch nhất định để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Hiện chưa rõ biên độ này sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định như thế nào.
Tiến sĩ Công Phạm nhấn mạnh đến tầm quan trọng về việc phải công khai mức biên độ này.
Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải công khai biên độ áp dụng cho chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới để tăng tính công khai và minh bạch trong chính sách ổn định thị trường vàng của Việt Nam.
“Sự can thiệp của các ngân hàng sẽ tự động diễn ra khi giá vượt khỏi biên độ. Công khai biên độ có nhiều tác dụng tốt.”
Tiến sĩ Công Phạm đưa ra 4 lý do chính tại sao khi bán vàng cho những ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải công khai biên độ giá:
- Thứ nhất là tăng cường niềm tin thị trường. Việc công bố biên độ có thể tăng cường tính minh bạch. Từ đó có thể xây dựng niềm tin và sự tin cậy từ các thành phần tham gia thị trường gồm các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
- Thứ hai là khi biên độ đã biết trước có thể làm cho thị trường ổn định và dễ đoán hơn. Khi đó các doanh nghiệp và cá nhân có thể đưa ra các quyết định đầu tư vào vàng tốt hơn.
- Thứ ba là việc công khai biên độ can thiệp có thể ngăn các hoạt động đầu cơ. Khi thị trường mất ổn định và chênh lệch giá lớn, đầu cơ có xu hướng tăng.
- Thứ tư là việc công bố công khai biên độ có thể cho thấy cam kết mạnh của chính phủ trong việc duy trì sự ổn định của giá cả, tăng độ tin cậy vào chính sách về thị trường vàng và chính sách tiền tệ của chính phủ.
Ngoài ra, Tiến sĩ Công Phạm đánh giá việc công khai biên độ cũng giúp giảm quan ngại của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam về khả năng quốc gia này thao túng tiền tệ.
“Quan ngại này là thực tế nhất là đối với các nước như Mỹ có thậm hụt cao và tăng đều trong thương mại với Hà Nội,” ông nhận định.
Trong số các nước và tổ chức mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thì Việt Nam hiện xếp thứ tư, chỉ thấp hơn Trung Quốc, Mexico, EU, theo dữ liệu của Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá lại trạng thái kinh tế phi thị trường của Việt Nam và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ vào khoảng giữa tháng 7 tới đây.
Vào ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về việc có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không.
Xóa bỏ độc quyền mới là ‘thuốc đặc trị’?
Một số chuyên gia đánh giá đấu thầu vàng hay cho ngân hàng nhà nước trực tiếp bán cho dân chỉ là giải pháp tình thế.
Biện pháp căn cơ được cho là phải sửa đổi Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực từ năm 2012, cụ thể là xóa bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng .
Chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới trong thời gian qua được cho là xuất phát từ việc nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và vị thế độc quyền của vàng miếng SJC, vốn được coi là thương hiệu quốc gia theo Nghị định 24.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24 nêu:
“Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.”
Đã có nhiều ý kiến cho rằng chỉ có xóa bỏ độc quyền để có thêm doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu cùng tham gia vào việc sản xuất mới giúp giá vàng thực chất hạ nhiệt.
Ngoài ra, chênh lệch cao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã kéo theo nạn buôn lậu vàng trong nhiều năm qua.
Vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong những năm qua đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại nghị trường, chuyên gia phân tích và người dân thắc mắc về khả năng nảy sinh tham nhũng, lợi ích nhóm.
Vào tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước “khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế” Nghị định 24.
Ngày 29/5, phát biểu trong kỳ họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nói: “Để thu hẹp chênh lệch giá vàng là nhiệm vụ rất thách thức, bởi chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế liên tục biến động cao và rất phức tạp”.
Báo chí Việt Nam ngày 30/5 dẫn ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng “Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC”.
Trong lúc chờ đợi Nghị định 24 được sửa đổi, bổ sung hay thay thế, ông Nguyễn Thế Hùng nêu ý kiến Ngân hàng Nhà nước bán vàng cho các ngân hàng phải với mức giá thấp hơn giá thị trường.
“Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước nhập vàng về, cùng với các chi phí thì có mức giá là 75 triệu đồng/lượng, thì chỉ cần bán 76-78 triệu đồng/lượng. Còn các ngân hàng bán ra không quá 78,5 triệu đồng/lượng. Như thế mới thu hẹp khoảng cách, giảm chênh lệch giá.”
Vấn đề Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng đã làm nóng nghị trường tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Vào ngày 23/5, ông Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nói:
“Tôi đề nghị, đến thời điểm này nên chăng Ngân hàng Nhà nước không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa. Nên mở rộng cho doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Có những doanh nghiệp đủ khả năng để nhập và sản xuất vàng miếng nhưng chúng ta lại không cho.”
Ngày 16/5, Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng nói rằng nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng.
Hồi tháng 7/2022, bà Lê Thị Thúy Hằng đã khẳng định SJC không phải là đơn vị thao túng hay làm giá vì giá vàng do cung – cầu của thị trường quyết định.
Từ góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Công Phạm luôn nhấn mạnh phải xóa bỏ độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng mới giải quyết được vấn đề xuyên suốt trong các cuộc trả lời phỏng vấn từ BBC News Tiếng Việt:
“Việc ngân hàng trung ương điều tiết thị trường vàng như một phần trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, với Nghị định 24, thị trường vàng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước nắm độc quyền điều tiết thuộc mức chặt chẽ nhất so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không chỉ quản lý mà còn tham gia kinh doanh vàng thông qua Công ty SJC.”
“Trong giai đoạn từ sau 2012 khi nghị định 24 được áp dụng, giá vàng trong nước đều cao hơn giá vàng thế giới. Đặc biệt là trong những năm từ 2020 trở lại đây.”
“Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khá lớn, có hệ thống và có chiều hướng tăng đều từ 2012 tới nay đã làm cho quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC cho rằng không có sự làm giá và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định rất khó thuyết phục.”