Tăng cường xây dựng một nền phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là một trong các chủ đề chính của cuộc tranh cử Nghị Viện Châu Âu, đang bước vào giai đoạn chót. Nhiều đảng phái chính trị lớn tại Liên Âu và tại Pháp ủng hộ việc Liên Âu lập ra chức vụ ủy viên quốc phòng của khối, điều mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm Ursula von der Leyen và một số quốc gia thúc đẩy trong những tháng gần đây.
Đăng ngày: 03/06/2024
Đài Pháp France 24, ngày 17/05/2024, có bài tổng thuật đáng chú ý về vấn đề xây dựng nền quốc phòng chung của Liên Âu, một lĩnh vực từ chỗ hoàn toàn vắng mặt trong dự án xây dựng châu Âu đầu tiên trong những năm 1950, đến chỗ dần dần trở thành một trụ cột trong chính sách của khối 27 nước. Trên France 24, chuyên gia về luật châu Âu và các vấn đề phòng thủ châu Âu, bà Elsa Bernard, giáo sư Đại học Lille, nhận định : ‘‘Chiến tranh tại Ukraina là một bước ngoặt, một thay đổi triệt để trong quan niệm về nền phòng vệ châu Âu. Kể từ cuộc xâm lăng của Nga các quyết định siết chặt hợp tác đã được đưa ra rất nhanh chóng’’.
Vấn đề quốc phòng châu Âu hoàn toàn vắng mặt trong giai đoạn đầu
Chuyên gia Elsa Bernard điểm lại lịch sử vấn đề quốc phòng trong quá trình hình thành dự án xây dựng châu Âu. Vào thời điểm những năm 50, mục tiêu chủ yếu của các quốc gia thành viên đầu tiên của cộng đồng châu Âu là kinh tế. Quốc phòng hoàn toàn được coi như lĩnh vực thuần túy thuộc thẩm quyền quốc gia, đặc biệt sau thất bại của dự án xây dựng ‘‘Cộng đồng phòng vệ châu Âu’’ hồi 1954. Vào thời điểm đó, tình hình là rất không phù hợp với việc xây dựng nền phòng thủ chung của châu Âu, bởi các hồi ức đau thương về Thế Chiến Hai vẫn còn rất nặng nề và một số quốc gia châu Âu, như Pháp, đang phải đối mặt với ‘‘chiến tranh chống thực dân’’ bùng lên tại các thuộc địa.
Chuyên gia Elsa Bernard nhấn mạnh là phải đến Hiệp định Maastrich năm 1992, Liên Hiệp Châu Âu mới xác định được Chính sách châu Âu về An ninh và Phòng vệ (gọi tắt là PESD), là một bộ phận của Chính sách Đối ngoại và An ninh chung của khối (gọi tắt là PESC). Cụ thể là, với chính sách này, các thành viên Liên Âu đã đưa ra các quyết định mang tính tập thể, như việc điều động một số lực lượng quân đội chung của EU. Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, các nước Liên Âu điều động các đơn vị quân đội tới Bắc Macedonia.
Maastrich và Lisboa mở đường cho hợp tác phòng vệ ‘‘liên quốc gia’’
Năm 2007, Chính sách châu Âu về An ninh và Phòng thủ được đổi tên thành Chính sách An ninh và Phòng vệ Chung (gọi tắt là PSDC), theo Hiệp định Lisboa. Trong Hiệp định này, có một điều khoản riêng dành cho ‘‘phòng vệ chung’’, cho phép các quốc gia thành viên châu Âu có thể tiến hành nhiều hơn các hoạt động phối hợp, cho dù chưa đi đến chỗ đặt ra mục tiêu thành lập ‘‘một quân đội chung của châu Âu’’.
Hai hiệp định Maastrich và Lisboa được đánh giá là đã ‘‘mở rộng cửa’’ cho việc tăng cường phối hợp và khả năng xác lập một chính sách phòng vệ chung của khối. Theo Hiệp định Maastrich, việc xây dựng một nền quốc phòng chung của khối sẽ được thực thi, một khi Hội Đồng Châu Âu, tức định chế bao gồm lãnh đạo các quốc gia thành viên, thống nhất đưa ra quyết định.
Xác lập các quỹ cho ‘‘quốc phòng chung’’ của Liên Hiệp : Bước ngoặt 2016
Cuộc chiến của Nga chống Ukraina, khởi đầu từ năm 2014 tại vùng Donbass và việc Matxcơva cưỡng chiếm bán đảo Crimée, và một số biến động lớn về an ninh, là các tác nhân đầu tiên làm tăng tốc tiến trình này. Hai năm sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina, trong bối cảnh nhiều vụ khủng bố của Hồi giáo thánh chiến diễn ra tại Pháp, Đức và Bỉ, chiến tranh tại Syria và Libya, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thời điểm đó, chính trị gia người Luxembourg Jean-Claude Juncker (2014 – 2019), đã đưa ra một loạt sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực này. Trong bài diễn văn về tình hình Liên Hiệp Châu Âu năm 2016, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu xác định các mục tiêu ‘‘xây dựng nền quốc phòng châu Âu vững chắc’’, đồng thời đề xuất lập ra một Quỹ Quốc phòng châu Âu, để thúc đẩy các nghiên cứu và cách tân trong ngành công nghiệp quân sự của khối.
Như vậy, kể từ giờ, Liên Âu có một chính sách xây dựng nền quốc phòng chung của khối bên ngoài Chính sách An ninh và Phòng vệ Chung (PSDC), vốn được dùng để xác lập các hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực phòng vệ. Trong lúc Chính sách An ninh và Phòng vệ Chung (PSDC) thuộc thẩm quyền của các quốc gia tham gia vào các dự án phối hợp, việc xây dựng nền quốc phòng chung thuộc thẩm quyền của Ủy Ban Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu thông qua các lĩnh vực công nghiệp, nghiên cứu, thị trường nội địa và các dự án công.
Quỹ quốc phòng giúp EU đoàn kết trong hỗ trợ quân sự Ukraina
Theo chính sách này, Quỹ Quốc phòng Châu Âu (FED) đã được thành lập vào năm 2021, tức ít tháng trước khi Nga tấn công Nga, với ngân sách 7,9 tỉ euro trong thời gian từ 2021 đến 2027, được bổ sung thêm 1,5 tỉ euro vào năm 2024. Quỹ này gồm hai vế, nghiên cứu và công nghiệp, với mục tiêu chính là thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Ủy Ban Châu Âu đã đặt Quỹ này dưới sự quản lý của một tổng giám đốc về công nghiệp quốc phòng và không gian (DEFIS), trực thuộc ủy viên thị trường nội địa Liên Âu, chính trị gia Pháp Thierry Breton.
Song song với Quỹ Quốc phòng Châu Âu, cũng trong năm 2021, Liên Âu đã lập ra một quỹ khác mang tên Cơ chế châu Âu vì Hòa bình (FEP), với 5,6 tỉ euro, phụ trách tài trợ cho các hoạt động phòng vệ bên ngoài lãnh thổ châu Âu. Chính với Quỹ nói trên, Liên Âu sẽ huy động tài chính để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Ukraina trong cuộc chiến chống xâm lược Nga.
Hướng đến một nền công nghiệp quốc phòng chung
Cuộc xâm lược Ukraina quy mô lớn của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2/2022, được coi là tác nhân trực tiếp thúc đẩy Liên Âu tăng tốc thêm một nấc để siết chặt hợp tác về phòng thủ. Ngày 28/02/2022, tức chỉ bốn ngày sau khi điện Kremlin mở màn cuộc tấn công Ukraina, Liên Âu quyết định sử dụng tiền của quỹ FEP để hỗ trợ Ukraina. Khởi đầu với 5,6 tỉ euro, ngân sách của FEP đã nhanh chóng tăng lên thành 17 tỉ euro. Việc quỹ được huy động cho Ukraina cho thấy tinh thần đoàn kết về quốc phòng của Liên Âu tăng thêm một nấc với việc các quốc gia thành viên không trực tiếp hỗ trợ Ukraina về quân sự, có thể gián tiếp tham gia khi đóng góp vào quỹ này.
Sau đó ít tuần, một cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu tại Versailles, Pháp, tháng 3/2022, đã chính thức yêu cầu Ủy Ban Châu Âu có ‘‘sáng kiến bổ sung cần thiết’’ để củng cố sức mạnh quốc phòng chung của khối. Mục tiêu là nhằm vượt qua tình trạng phân tán và cạnh tranh trong các đầu tư cho quốc phòng tại châu Âu, cụ thể như Hoa Kỳ có thể tập trung phát triển một loại xe tăng, trong lúc ở châu Âu có đến 17 dự án. Đầu năm 2022, Liên Âu khẳng định nhu cầu của việc xác lập một nền quốc phòng chung để ‘‘tăng cường sự tự chủ về chiến lược’’ của khối 27 nước.
Vai trò quyết định của Ngân sách 2028 – 2023 với ‘‘Tự chủ chiến lược’’ của EU
Đến tháng 3/2024 vừa qua, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất Chiến lược Xây dựng nền Quốc phòng châu Âu (gọi tắt là EDIS). Việc xác lập Chiến lược Xây dựng nền Quốc phòng châu Âu và ngân sách cho nhiệm kỳ 2028 – 2023 sẽ là vấn đề có ý nghĩa quyết định với tương lai của nền quốc phòng Liên Âu, mà trọng trách được đặt lên vai Ủy Ban Châu Âu mới, được lập ra sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đầu tháng 6 này.
Việc Liên Âu hướng đến tự chủ về quốc phòng, và chiến lược không phải nhằm mục tiêu cạnh tranh hay tách rời với nền quốc phòng của Mỹ. ‘‘Nền quốc phòng tự chủ’’ của Liên Âu được coi là một trụ cột của hệ thống phòng thủ chung của phương Tây, và là một bộ phận của các hợp tác quân sự Âu – Mỹ, phối hợp mật thiết với NATO – Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương.