Bản tin sáng ngày 4/6 của Reuters thông tin rằng nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng – Đạt Lai Lạt Ma – sẽ đến Mỹ trong tháng 6/2024 để điều trị đầu gối. Chính phủ lưu vong Tây Tạng vào hôm 3/6 thông báo sẽ tạm dừng tổ chức các buổi tiếp công chúng kể từ ngày 20/6.
Vào tháng 10/2023, nhà sư 88 tuổi được khuyên không nên du hành do bị cảm cúm. Nhưng sau khi khỏi bệnh, vào tháng 1/2024, ông đã đi tới Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), một trong những địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất nằm ở miền đông Ấn Độ.
Chính phủ lưu vong Tây Tạng thông báo hôm 3/6: “Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ tới Hoa Kỳ để điều trị bệnh đầu gối. Khi Ngài trở về, các hoạt động giao lưu thường xuyên sẽ tiếp tục diễn ra.”
Tuy nhiên, thông báo không đề cập đến việc bao giờ ông quay lại Dharamsala, một thị trấn thuộc dãy Himalaya ở miền bắc Ấn Độ, nơi ông sinh sống trong khu nhà cạnh một ngôi chùa, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh và những ngọn núi tuyết.
Đạt Lai Lạt Ma lưu vong sang Ấn Độ vào năm 1959 sau cuộc nổi dậy thất bại chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng và bị Bắc Kinh coi là một kẻ ly khai nguy hiểm.
Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc khó chịu trước bất kỳ sự tương tác nào của ông với các quan chức nước ngoài.
Đạt Lai Lạt Ma, người được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1989, đã nỗ lực trong hàng chục năm trời để thu hút sự ủng hộ toàn cầu cho quyền tự chủ ngôn ngữ và văn hóa ở quê hương miền núi xa xôi của mình.
Ông đã gặp gỡ nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả một số cựu tổng thống Mỹ, trong những chuyến đi trước đây. Tuy nhiên, hiện Washington vẫn chưa phản hồi về việc liệu có cuộc gặp mặt nào được ấn định trong chuyến đi của ông vào tháng 6 năm nay hay không.
“Mặc dù có tiền lệ lâu đời về những cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và các nhà lãnh đạo tôn giáo được kính trọng, trong đó có Đạt Lai Lạt Ma, nhưng chúng tôi hiện chưa thể xác nhận,” một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung?
Kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm 2021, ông Joe Biden vẫn chưa gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma.
Khi còn là ứng viên vào năm 2020, ông Biden từng chỉ trích ông Donald Trump là vị tổng thống duy nhất trong ba thập kỷ không gặp hoặc nói chuyện với nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng và gọi đó là điều “đáng hổ thẹn”.
Tạp chí The Atlantic cho biết ông Biden vào tháng 9/2020 đã khẳng đình sẽ gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma. Trước đó, ông đã hứa rằng nếu đắc cử, ông sẽ tập trung vào các giá trị đang bị xem nhẹ và coi đó là trọng tâm cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thế nhưng, hơn ba năm qua, vị tổng thống vẫn chưa thực hiện lời hứa. Tờ The Atlantic nói rằng ông có lý do chính đáng: nhà sư Tây Tạng đã 88 tuổi, sức khỏe giảm sút đáng kể và ít khi nào rời khỏi Dharamsala.
Việc Đạt Lai Lạt Ma đến Mỹ chữa bệnh vào tháng 6 này là cơ hội để ông Biden hoàn thành lời hứa.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá bất kỳ cuộc gặp như thế cũng sẽ khiến Bắc Kinh bất bình, đặc biệt trong thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ rạn nứt.
Tờ The Atlantic cho biết chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma sẽ diễn ra sau chuyến thăm Dharamsala của Dân biểu Mỹ Nancy Pelosi cũng trong tháng 6/2024.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đã lao dốc sau chuyến công du của bà Pelosi đến Đài Loan vào năm 2022. Khi đấy bà đương chức chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Ian Krager, người phát ngôn của bà Pelosi, từ chối bình luận về bất kỳ “chuyến công du nước ngoài nào trong thời gian sắp đến hoặc có thể diễn ra” vì lý do an ninh.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ khẳng định Trung Quốc “kiên quyết phản đối mọi hoạt động ly khai chống Trung Quốc” do Đạt Lai Lạt Ma thực hiện “dưới bất kỳ tư cách hoặc danh nghĩa nào ở bất kỳ quốc gia nào và phản đối mọi hình thức liên hệ của quan chức thuộc bất kỳ quốc gia nào với ông ta”.
The Atlantic cho rằng đối với các tổng thống Mỹ, việc gặp Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có thể dẫn đến căng thẳng và bất hòa.
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh coi Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Họ xem bất kỳ sự công nhận nào đối với Đạt Lai Lạt Ma đều là sự xúc phạm khủng khiếp đối với Trung Quốc.
Theo đức tin của Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma hiện tại là một hóa thân của một vị lạt ma trong quá khứ, người đã quyết định tái sinh một lần nữa để tiếp tục công việc quan trọng của mình.
Tên gọi ‘Đạt Lai Lạt Ma’ có nghĩa là “đại dương trí tuệ”.
Sau khi một Đạt Lai Lạt Ma qua đời, theo truyền thống, các vị Cao tăng Lạt Ma Phái Gelugpa và chính quyền Tây Tạng sẽ đi tìm người mà Đạt Lai Lạt Ma hóa thân vào.
Các Cao tăng Lạt Ma sẽ đi tìm kiếm một cậu bé được sinh ra vào khoảng cùng thời điểm qua đời của Đạt Lai Lạt Ma.
Có thể mất khoảng hai hoặc ba năm để tìm đúng được Đạt Lai Lạt Ma.
Trước đây, người ta đã mất đến bốn năm mới tìm thấy vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay.