Nhà báo Huy Đức đã đi đâu, có thể bị ‘tạm giữ’ trong bao lâu?

Nhà báo Huy Đức vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày xuất hiện tin đồn ông bị bắt
Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Huy Đức vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày xuất hiện thông tin ông bị bắt

Nhà báo Huy Đức vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày kể từ khi có thông tin ông bị bắt. Bạn bè và người thân của ông vẫn chưa nhận được thông tin gì. Nhà báo Huy Đức đang ở đâu? Ông có thể bị tạm giữ trong bao lâu?

Ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, còn được biết đến với bút danh Osin ở trên mạng xã hội.

Ông là một cây viết chính luận nổi tiếng, tác giả của bộ sách Bên thắng cuộc.

Gần đây, ông Huy Đức đã có nhiều bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Như BBC đã đưa tin, vào thứ Bảy ngày 1/6, nhà báo Huy Đức đột ngột “biến mất” giữa lúc mạng xã hội rộ lên tin đồn ông bị bắt. Cùng ngày, ông vắng mặt trong một sự kiện mà ông là diễn giả chính.

Trang Facebook mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 350.000 người theo dõi, đã đóng vào ngày 2/6.

Một người bạn của ông Huy Đức nói với BBC rằng tới hôm nay ngày 4/6, gia đình và bạn bè ông vẫn không có thêm thông tin gì về việc ông đã đi đâu và ra sao.

“Anh Huy Đức đã chuyển hẳn ra Hà Nội ở mấy năm nay và sống ở khu Long Biên. Họ bắt và khám nhà ở tại nơi ở và nhà cũ trong TP HCM cũng bị khám. Anh ấy ở một mình và chắc là cũng đã chuẩn bị cho ngày này,” người bạn giấu tên của ông Huy Đức nói với BBC ngày 4/6.

Ngoài ra, người này còn thông tin thêm rằng, gia đình của ông Huy Đức hiện đang ở Việt Nam nhưng không ai nhận được tin gì và không biết chuyện gì xảy ra với người thân của mình, chỉ có thể “bình tĩnh chờ đợi”.

‘Có thể bị tạm giữ đến 10 ngày’

BBC News Tiếng Việt chưa thể xác minh được thông tin nhà báo Huy Đức bị bắt. Tuy nhiên, một số người gần gũi với ông đã không thể liên lạc với ông từ sáng thứ Bảy ngày 1/6.

Cho tới nay đã ba ngày, bạn bè nhà báo Huy Đức cho biết vẫn không có tin tức gì từ ông. Một số người nói với BBC rằng, ông Huy Đức đã bị công an đưa đi vào ngày 1/6. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có thông tin chính thức về vụ việc liên quan đến ông.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 4/6, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích ở góc độ luật pháp rằng hệ thống pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam hiện nay không tồn tại khái niệm “câu lưu”. Thuật ngữ này chỉ được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ nghiệp vụ của lực lượng công an.

Theo quy định hiện hành, chỉ có hai hình thức tạm giữ người là tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự. Thời hạn tối đa đối với tạm giữ hành chính là 24 giờ, còn hình sự thì dài hơn, có thể lên tới 9 ngày:

“Về tạm giữ hình sự, thời hạn tối đa ban đầu là 3 ngày kể từ khi cơ quan chức năng tiếp nhận đối tượng. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được gia hạn thêm 3 ngày.”

“Đặc biệt, thời hạn tạm giữ có thể được gia hạn lần hai với tối đa 3 ngày nữa. Tuy nhiên, mọi trường hợp gia hạn đều phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị.”

“Đồng thời, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo cho người thân, chính quyền địa phương nơi người bị tạm giữ sinh sống, làm việc biết về quyết định tạm giữ trong vòng 24h. Nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài, thì cơ quan ngoại giao Việt Nam cũng cần được thông báo để chuyển tới cơ quan đại diện nước ngoài liên quan,” luật sư Sơn nói.

Luật sư Phùng Thanh Sơn còn lưu ý thêm rằng, pháp luật hiện hành không cấm việc chuyển một người từ diện tạm giữ hành chính sang tạm giữ hình sự.

Vì vậy, điều này có thể dẫn đến việc một người bị tạm giữ trên thực tế lên đến 10 ngày, chưa kể thời gian chờ đợi cơ quan chức năng tiếp nhận người bị tạm giữ và ra quyết định chính thức.

“Sự im lặng của báo chí chính thống cho thấy đây là một sự kiện phức tạp, không đơn giản như việc bắt giữ một ‘tội phạm’ thông thường. Điều này đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ lưỡng và thông tin một cách khách quan, trung thực từ phía các cơ quan truyền thông để tránh gây hoang mang dư luận.”

“Trong mọi trường hợp, quyền tự do và an toàn cá nhân của công dân, bao gồm cả ông Trương Huy San, cần phải được tôn trọng và bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần sớm công bố thông tin chính thức về vụ việc để đảm bảo tính minh bạch và sự giám sát của xã hội,” luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định.

Mạng xã hội nói gì?

Trước thông tin ông Huy Đức biến mất, nhiều người đặt câu hỏi về quy trình làm việc của cơ quan chức năng.

Facebook tên Nguyễn Quang Lập, được cho là của nhà văn Nguyễn Quang Lập, chất vấn rằng nếu đúng là nhà báo Huy Đức bị bắt thì phải có lệnh bắt, nhưng khi hỏi đến thì mọi người đều không biết:

“Tội nhất là người nhà Huy Đức, không biết cha mình, em mình, anh mình bị đem đi đâu, lại không biết hỏi ai. Vào những lúc đen tối này người ta hay nghĩ đến cái chết của người thân, tội lắm,” Facebook Nguyễn Quang Lập viết.

Ông Lập còn chia sẻ thêm trải nghiệm của mình:

“Ngày tôi bị bắt, hơn chục người đến nhà, ông trung tá đọc lệnh bắt rõ ràng từng chữ. Khám xét cả buổi sáng, lập biên bản ký tá đàng hoàng mới đem đi về 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó báo công an, ti vi đều đưa tin rất rõ ràng. Vậy mà với nhà báo Huy Đức lại, im lặng là sao nhỉ?”

Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng từng bị cơ quan an ninh bắt tại TP HCM vào cuối năm 2014 liên quan đến những gì ông viết trên mạng xã hội.

Facebook tên Nguyen Pham Xuan, được cho là của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chia sẻ hình ảnh của nhà báo Huy Đức được chụp ngày 26/5/2024 tại Hà Nội và kèm lời bình:

“Cho đến lúc này đã là ngày thứ ba Huy Đức bị biến mất. Điện thoại bị tắt. Facebook bị khóa. Người nhà người thân không biết. Bạn bè không biết. Mọi người không biết. Nhưng có điều này thì biết: Huy Đức đã đi vào lịch sử thời nay như một nhà báo phản biện độc lập mạnh mẽ cho dân nước Việt Nam. Tư cách ấy không ai xóa nhòa của anh được, dù đồng tình hay phản đối, yêu hay ghét anh,” ông viết.

Facebook mang tên Lao Ta, được cho là của nhà văn Tạ Duy Anh, viết rằng câu chuyện Huy Đức Trương Huy San mất tích chắc chắn sẽ còn thu hút mối quan tâm của xã hội.

“Khi nghe tin ông gặp chuyện gì đó, sức khỏe của tôi đang ở mức tệ hại. Tôi nghe theo lời khuyên của nhiều người bạn khác, bình tĩnh chờ đợi thêm thông tin.

“Mong ông bình an. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, một dân tộc thiếu vắng những nhà phản biện lớn là một dân tộc vô phúc và không có tương lai.”

Nhà báo Huy Đức
Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Huy Đức, tác giả Bên thắng cuộc

Luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên Facebook của mình rằng, dù chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can được chính thức công bố nhưng khả năng nhà báo Trương Huy San được cho về là “rất thấp”.

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì đánh giá rằng Huy Đức đã là cây viết gần đúng với thiên chức nhà báo nhất.

“Cho dù chúng ta không hài lòng hoặc có quan điểm trái ngược với những vấn đề mà nhà báo Huy Đức đã từng viết, đề cập, thì việc chế độ đàn áp anh ấy chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm chính trị của một người thì cũng vẫn là bất công. Vì lẽ, thế giới văn minh không ai cầm tù những người có quan điểm, nhận thức và viết trái với chính sách, quan điểm của chính quyền cả.”

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, một người bạn của ông Trương Huy San, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 2/6 rằng ông chỉ biết hy vọng rằng sau khi các cơ quan chức năng đã làm việc, đã trao đổi với nhà báo Huy Đức, và thấy được bản chất của vấn đề thì “chúng ta sẽ lại thấy Huy Đức sớm xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và cả ngoài đời”.

Ông Cảnh cũng nói với BBC rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa hai người, cả hai đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức “có thể sẽ bị bắt”.

Những bài viết gai góc

Trước khi “biến mất”, trên Facebook mang tên Truong Huy San có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết này có đoạn:

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Một bài viết khác gần đây có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước:

“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.”

“Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…”

“Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” bài viết nêu.

Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng viết về việc phải chăng ủy ban thường vụ Quốc hội đang giải thích Hiến pháp. Cụ thể là việc một người chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng bộ Công an mà có thể được bầu làm chủ tịch nước. Ở đây nói đến ông Tô Lâm.

Vào thời điểm đó, Quốc hội chưa có nội dung miễn nhiệm chức bộ trưởng của ông Tô Lâm nhưng có lịch bầu chủ tịch nước.

Tuy nhiên, tới ngày 21/5, Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình nghị sự việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Bên cạnh những bài viết nói trên, Facebook Truong Huy San cũng nói đến rất nhiều các vấn đề khác như các cuộc chiến mà lịch sử chính thống Việt Nam ít nhắc đến hoặc nhắc không đầy đủ như Chiến tranh Biên giới 1979, Gạc Ma 1988…

Chụp lại video,Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước – Dọn đường cho chức Tổng bí thư?

Nhà báo Huy Đức là ai?

Nhà báo Huy Đức tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.

Ông từng tham gia trong quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.

Bút danh Huy Đức được công chúng biết đến nhiều trong thời gian ông làm báo Tuổi Trẻ.

Ông cũng từng làm cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết “Bức tường Berlin”.

Sau khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.

Năm 2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Viện Đại học Harvard.

Là tác giả sách, ông được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc ra mắt độc giả vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ năm 1975 đến cuối những năm 1990.

Vào năm 2022, kỷ niệm 10 năm sách Bên thắng cuộc ra mắt, Ben Kerkvliet, một giáo sư hưu trí của Đại học Quốc gia Úc, viết cho BBC và khen ngợi rằng Bên thắng cuộc “tự nó là một thành tựu đáng khâm phục và sẽ vẫn là một đóng góp vô giá cho học thuật trong thời gian dài”.

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng bộ sách Bên thắng cuộc đã “bất tử cùng với lịch sử hiện đại của nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.

“Những đóng góp của Huy Đức là vô giá cho văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam,” ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Bên cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động xã hội.

Ông tham gia điều hành chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, thương binh Trường Sa.

Gần đây, ông tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.

Bài Liên Quan

Leave a Comment