Dân chủ hóa ở Việt Nam: Tiếng kêu trên hoang mạc?

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
2024.06.05

Dân chủ hóa ở Việt Nam: Tiếng kêu trên hoang mạc?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

 RFA edit

Với sự xuất hiện tân Chủ tịch nước – Đại tướng Tô Lâm có bàn tay sắt và ‘cơ sở hạ tầng’ bao gồm các tướng lĩnh Công an được bố trí tại các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước, dân chủ hóa ở Việt Nam ngày càng u ám…

Ngày 4/6, mạng xã hội rộ tin Bộ Công an (BCA) đã tiến hành điều tra ông Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng ban Nội chính. Ông Yên bị mời về trụ sở công an hôm 2/6 và bị câu lưu cho đến nay, theo thông tin từ mạng xã hội và chưa thể kiểm chứng. Tin này lại dấy lên đồn đoán rằng hai phe đang đánh nhau to để giành quyền lực (1). Trước đó, ngày 3/6/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa trao Quyết định của Bộ Chính trị (BCT) điều động Thứ trưởng BCA Nguyễn Duy Ngọc (quê Hưng Yên), giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (VPTWĐ) (2). Theo nguồn tin nội bộ, chiều ngày 28/5, BCA đã có phiên họp ‘đặc biệt’ để lấy phiếu tín nhiệm, đề nghị BCT cử Thứ trưởng Lương Tam Quang (cũng quê Hưng Yên), giữ chức Bộ trưởng BCA. Như vậy, cuộc họp này đã ‘vô hiệu hóa’ Quyết định trước đây cử Thứ trưởng Trận Quốc Tỏ điều hành hoạt động của BCA. Giới phân tích đánh giá đây thực chất là ‘cuộc đảo chính mềm’ của băng Hưng Yên tái xác lập trật tự tại BCA (3). BCT từng có kế hoạch bố trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú thay vị trí ông Tô Lâm ở BCA, nhưng đã không đạt được đồng thuận.

Đại tướng Tô Lâm tiếm quyền và lộng hành gần hai năm qua khiến cho guồng máy bên Đảng chao đảo. Các Ủy viên BCT từ ‘Bộ tứ’, ‘Bộ ngũ’ ngã ngựa từ đầu năm 2024 là các minh chứng. Những sự kiện liên tiếp xẩy ra tuần qua càng chứng tỏ hiệu năng quyền bính của ‘bàn tay sắt’ từ tân CTN. Sự kiện nhà báo thành danh, nhà phản biện xã hội sắc sảo Huy Đức bị Công an bắt ‘nóng’ hôm 1/6 có thể đánh giá là Đại tướng Tô Lâm quyết tâm kiểm soát thông tin và ‘khóa miệng’ những tiếng nói bất đồng quan điểm. Hiện thông tin bắt giữ nhà báo này chưa được chính quyền công bố. Những bài viết của Huy Đức trên FB cá nhân đã trực diện đánh vào quyền uy của Tô Đại tướng cũng như những chính sách ‘sắt máu’ tân CTN vừa trình bày ở Quốc hội (4). Hôm nay là ngày thứ tư, kể từ khi tác giả ‘Bên Thắng Cuôc’ biến mất giữa thủ đô Hà Nội mà bạn bè, gia đình và toàn thể xã hội không hề biết, Huy Đức ‘bốc hơi’ bằng cách nào? Cùng ngày Huy Đức “biến mất”, cũng có tin trên mạng xã hội là Công an cũng đã cho “bốc hơi” Luật sư Trần Đình Triển. Trên mạng xã hội, cái bóng của Huy Đức quá lớn nên nhiều người quên đi một người có tầm ảnh hưởng khác là Luật sư Triển, từng nhiều năm lăn lộn với những người dân ở tận đáy xã hội. Huy Đức và Trần Đình Triển đều được cho là ‘túi khôn’ của phe Nghệ Tĩnh.

Một cuộc bố ráp khác, cuộc ‘đánh úp’ tăng đoàn khất thực của nhà sư Thích Minh Tuệ vào đêm 3/6/2024 có thể được hiểu là quyết tâm của BCA nhằm bóp nghẹt tự do tôn giáo nếu không tu tập theo đường lối của nhà nước. Ban Tuyên giáo chỉ đạo báo chí quốc doanh đưa tin là nhà sư Thích Minh Tuệ ‘đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực’. Chẳng mấy ai tin bộ máy truyền thông ‘nói dối hơn Cuội’ ấy, khi nhiều thông tin trên mạng cho biết, sư Minh Tuệ đột nhiên ‘biến mất’, sau khi ngài đến địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế vào buổi chiều hôm trước (2/6), không ai rõ tung tích… (5) Trái ngược với tuyên bố của các cơ quan Nhà nước, sư Minh Nhuận, người đi theo tăng đoàn của sư Minh Tuệ kể lại trong video được đăng tải lên TikTok vào trưa 3/6, cho biết vào khoảng 1 – 2 giờ sáng cùng ngày khi đang nghỉ ở đỉnh đèo Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế, thì có hơn mười chiếc xe 16 chỗ mang biển xanh 75 (biển số xe của tỉnh Thừa Thiên – Huế) và một chiếc xe 24 chỗ (biển số xe tỉnh Gia Lai) chở người đến khống chế các sư. Khi các sư đang ngủ, thì công an ào vào, cứ hai công an xốc nách một nhà sư lôi đi (6). Không biết do ngẫu nhiên, hay có tính trước, sư Thích Minh Tuệ cũng có bản quán là Hà Tĩnh!

Nhiều nguyên thủ không gửi điện mừng

Việt Nam đang bị phân biệt đối xử ngay trong những giao dịch quốc tế bình thường. Từ khi tân CTN Tô Lâm nhậm chức đến nay đã hơn nửa tháng mà vỏn vẹn chỉ khoảng chục quốc gia ‘cất công’ gửi điện mừng (7). Việt Nam một thời tự xưng là ‘lương tâm của thời đại’, nay một tướng công an bốn sao lên ngôi CTN, mà dẫn đầu vẫn chỉ là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Campuchia… chúc mừng, thì đó là điềm báo không hay ho. Riêng Tập Chủ tịch còn nhắc nhở ông Tô Lâm đừng quên cam kết của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng với ông Tập cuối năm ngoái, phải ‘xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với  Trung Quốc (8). ‘Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’, chẳng phải ngẫu nhiên, không mấy quốc gia dân chủ bỏ công làm một động thái lễ tân nhỏ nhoi, chúc mừng tân Nguyên thủ quốc gia của một đối tác mà mình có bang giao bình thường, cho dù không ở mức đối tác ấy là gần gũi hay đồng minh. Đại tướng Tô Lâm mới ngồi vào ghế ‘Nguyên thủ quốc gia’ chưa ‘nóng đít’ nhưng đã hiện nguyên hình là một nhà độc tài có hạng. Điều này, ắt sẽ dẫn đến những hệ lụy về đối ngoại cho Việt Nam.

Các nước châu Âu như Đức hay Slovakia càng nhậy cảm đối với Tô đại tướng. Mấy nước này đã và đang tiến hành xác minh khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm từng sử dụng chuyến thăm của mình tháng 8/2017 để làm bình phong cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các nước này, do đó, có lý do để chưa thật ‘mặn mà’ chúc mừng Đại tướng Tô Lâm (9). Ngay đến cả Nhật Bản là một đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, và đứng về phương diện an ninh, đang tích cực giúp Hà Nội ‘đối trọng’ với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự trên Biển Đông, mà đến nay vẫn chưa gửi điện mừng. Khi tìm hiểu, các nguồn tin nội bộ cho biết, Nhật Bản là nước phản đối mọi hoạt động bắt cóc công dân mình. Các vụ bắt cóc công dân Nhật từ các điệp viên Bắc Triều Tiên đã xảy ra trong khoảng thời gian sáu năm từ 1977 tới 1983. Mặc dù chỉ có 17 người Nhật được chính thức công nhận đã bị bắt cóc, song con số thực có thể lên đến hàng trăm (10). Có thể suy luận, đó là lý do tại sao Nhật Bản chậm trễ gửi thư chúc mừng tân CTN?

Tiêu ngữ nước Việt Nam sau năm 1945 có cặp giá trị ‘dân chủ’ và ‘tự do’. Đến năm 1976, dù đổi tên nước (và đây là quyết định sai lầm, duy ý chí cho đến nay chưa sửa được), Đảng vẫn lưu lại hai khái niệm ấy. Tuy nhiên, có lẽ không có ‘cặp đôi’ nào, ĐCSVN vừa căm ghét, vừa sợ hãi, đi cùng với nó là sự thù hận đối với hai giá trị phổ quát này của nhân loại! Tại sao? Tại vì, những ngày nay, nếu tân CTN làm một cuộc một cuộc trưng cầu dân ý như Hiến Pháp quy định, đa số người dân xứ Đông Lào chắc chắn sẽ không chọn cái thể chế đang kìm hãm đất nước và dân tộc, một thể chế đang làm tổn hại đến tính chính danh của quốc gia và kềm giữ cả trăm triệu con người dưới cái ‘bóng đè’ của ĐCSTQ – được cho là điểm tựa vững chãi của ĐCSVN. Những cuộc sát phạt nhau giữa các phe phái trong nội bộ ĐCSVN đang được quốc tế theo dõi. Riêng Trung Quốc gần đây đã lợi dụng lúc nội bộ Việt Nam có vấn đề, đã lấn thêm một bước trên Biển Đông. Bắc Kinh vừa ban hành một quy định mới cho phép Cảnh sát biển bắt và giam giữ người nước ngoài ‘xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm’ với thời gian lên tới 60 ngày. Việt Nam có lên tiếng nhưng dường như không nêu rõ lập trường về quy định trên (11).

*

Tân Chủ tịch nước từ nay là một Đại tướng Công an. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Cuộc hội luận cuối tuần trước của Đài VOA tiếng Việt đã đề cập đến một chủ đề không thể nóng hơn: ‘Liệu Việt Nam có thể chủ động đi trước Trung Quốc về dân chủ hóa’ (12). Không ngẫu nhiên mà buổi hội luận này được bản đài đưa ra vào thời điểm ông Tô Lâm vừa nhậm chức. Trong bối cảnh hiện nay mà những người tham gia cuộc thảo luận vẫn có một buổi ‘DEMO’ thật sáng giá, đi từ các lý thuyết về dân chủ hóa đến hệ ưu tiên những việc cần làm trước mắt để chủ động cuốn hút các tầng lớp xã hội cũng như mọi đối tượng công dân có trách nhiệm trước thời cuộc. Buổi hội luận gần như đi đến một nhận thức chung là, con đường dẫn đến dân chủ hóa ở Việt Nam sẽ còn lắm gian nan, còn phải vượt qua nhiều chướng ngại về lịch sử, văn hóa và tư tưởng. Nếu không chuẩn bị một lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận từ các bên liên quan, quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến xung đột nội bộ, gây ra bất ổn chính trị và kinh tế. Trường hợp xấu nhất, sự thất bại trong quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến sự trở lại của một chế độ độc tài mới, có thể còn tồi tệ hơn chế độ hiện nay.

Bài Liên Quan

Leave a Comment