Từ ngày 06-09/06/2024, hơn 370 triệu cử tri tại 27 nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ đi bầu ra 720 nghị sĩ châu Âu. Pháp tổ chức bỏ phiếu ngày 09/06 để bầu ra 81 nghị sĩ. Cùng với nông nghiệp và chiến tranh Ukraina, vấn đề di dân tiếp tục là chủ đề chính từ đầu đến lúc kết thúc vận động tranh cử.
Đăng ngày: 07/06/2024
Theo tổng hợp của trang France 24 ngày 07/06, chủ đề di dân tạo ưu thế cho phe cực hữu với chủ trương biến châu Âu thành một pháo đài chống di dân bất hợp pháp, trong khi một số đảng khác muốn di dân được tiếp đón nhân đạo hơn.
Tại Pháp, với hơn 30% số phiếu có thể thu được, theo thẩm định của các viện thăm dò, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) do Jordan Bardella dẫn đầu hy vọng đạt kết quả tốt hơn so với năm 2019 (23,3%) để khẳng định là đảng hàng đầu ở Pháp. Theo Reuters, di dân và suy thoái kinh tế và xã hội là hai chủ đề được đảng Tập Hợp Dân Tộc khai thác triệt để, đồng thời biến kỳ bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý « ủng hộ » hay « chống » tổng thống Emmanuel Macron, trong khi đảng Phục Sinh (Renaissance) của ông do ứng viên Valérie Hayer đứng đầu, chỉ có thể nhận được 15-16% số phiếu (so với 22,4% năm 2019).
Tại Đức, thủ tướng Olaz Scholz cũng muốn tăng cường quy định trục xuất người nước ngoài ủng hộ khủng bố, phạm tội ác hoặc bị coi là nguy hiểm sau hàng loạt vụ tấn công tại Đức. Quyết định trục xuất « dù họ đến từ Afghanistan hay Syria » đánh dấu một bước ngoặt lớn vì Berlin hiện vẫn chủ trương không trục xuất về những nước mà người nhập cư bị đe dọa đến tính mạng. Thông báo được thủ tướng Scholz nêu trước Hạ Viện ngày 06/06 chỉ vài ngày trước khi Đức tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu với khả năng đảng cực hữu AfD có thể trở thành đảng thu được nhiều phiếu thứ hai.
Tại Hà Lan, cũng như Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vấn đề di dân gây chia rẽ và chiếm phần lớn nội dung trong các cuộc vận động tranh cử châu Âu.