7 tháng 6 2024
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, trong bối cảnh tình trạng “sợ trách nhiệm” được đánh giá là đã trở thành “nạn dịch”.
Theo Quy định 148, những cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm có thể bị đình chỉ công tác.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp này là không quá 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, thời hạn này có thể được gia hạn, tối đa không quá 15 ngày làm việc.
Những cán bộ vi phạm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng có thể bị đình chỉ công tác.
Việc tạm đình chỉ công tác không được coi là hình thức kỷ luật.
Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (người đứng đầu cơ quan); cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập (cán bộ).
Việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
Một số trường hợp có thể bị đình chỉ công tác khác bao gồm:
- Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
- Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
- Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
- Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
- Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.
- Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Guồng máy trì trệ
Quy định 148 được ban hành trong bối cảnh tình trạng quan liêu, trì trệ trong bộ máy nhà nước đang ở mức báo động và đã có tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, bao gồm cả đầu tư nước ngoài.
Ngày 16/5, Reuters trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam nêu rõ Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do sự trì trệ của bộ máy hành chính.
Theo Reuters, các cuộc đấu đá nội bộ ở chính trường Việt Nam đã “làm chậm lại một cách đáng kể các hoạt động của chính quyền, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và khiến hàng tỷ đô la từ nguồn vốn công và từ nước ngoài bị đình trệ, gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng sở hữu chứng khoán có giá trị khoảng gần 2 tỷ USD, dù có những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, Reuters cho biết.
Một bài viết đăng ngày 22/5 trên Nikkei Asia cũng nhắc tới khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam.
Theo bài viết, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại.
“Dự án phát triển theo của chúng tôi tại Hà Nội có khả năng bị trì hoãn ít nhất một đến hai năm,” giám đốc cấp cao của một công ty thương mại Nhật Bản cho biết.
Trong cuộc họp ngày 31/5 của chính quyền, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết giải ngân vốn đầu tư công ở thành phố lớn nhất nước đang ở mức rất thấp.
“Giải ngân của chúng ta rất đáng lo. Tháng 4, tháng 5 chúng ta xác định mỗi tuần giải ngân từ 3.500 đến 4.000 tỉ đồng nhưng hiện mỗi tuần chỉ giải ngân khoảng 200 tỉ, rất thấp so với nhiệm vụ. Phải tạo sự chuyển biến trong tháng 6 để có thanh toán,” ông Mãi nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân thấp, bao gồm cả sự trì trệ của bộ máy quan liêu, sự né tránh của quan chức.
Tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, dẫn đến sự trì trệ của cả bộ máy đã được phản ánh sinh động trên nghị trường Quốc hội.
Ngày 25/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, phát biểu trước Quốc hội rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh.
“Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn,” ông nói.
Nhằm khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm”, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp, quy định, có thể kể tới như Kết luận 14 năm 2021 của Bộ Chính trị hoặc Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, có những ý kiến nói rằng hai văn bản nói trên là chưa đủ để khuyến khích cán bộ.
Ngày 29/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh, nhận định rằng Nghị định 73 cần “cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ”.
“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành một thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ Tư pháp để hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Thông tư liên bộ này cần phải sâu sát với tình hình tâm tư, tình hình bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước,” ông Nghĩa nêu.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn Kon Tum, nói rằng cần có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong một bài viết ngày 4/5 trên báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, cựu Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, có nhắc tới việc thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị bằng nghị định.
Theo ông Dĩnh, điều quan trọng và khó nhất trong nghị định là nhận diện được “lợi ích chung” là gì, bởi trong thực tiễn không thiếu người lợi dụng vì lợi ích chung để cài cắm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Cũng trong bài viết này, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, chia sẻ:
“Có cán bộ rất có năng lực, trí tuệ nhưng khi tôi hỏi vì sao không dám làm đã thẳng thắn trả lời rằng ‘nếu làm chẳng may sau này sai dù không tư lợi, đều vì cái chung nhưng sẽ chẳng có ai bảo vệ, có thể bị kỷ luật, đi tù’.
“Cho nên ‘sếp bảo gì làm đấy, cứ đều đều, cầm chừng cho an toàn’.”
‘Nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù?’
Tại Quốc hội, trong buổi thảo luận tại tổ ngày 23/5 về báo cáo kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn Điện Biên, đã bày tỏ ý kiến cho rằng việc “cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” cần được nhìn nhận và phân tích thêm.
Theo bà Luyến, nhiều luật và quy định ở Việt Nam vẫn “còn nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất”, do đó khiến cán bộ không dám làm những việc mà pháp luật quy định không rõ ràng.
“Nếu anh nào liều, cứ quyết mà làm thì nhắm mắt làm, nhưng đến khi có sự việc xảy ra, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào thì chỉ áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ.
“Chẳng lẽ cứ nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù?”, bà Luyến chia sẻ.
Tuy đã tồn tại lâu nay, tình trạng luật và nghị định vênh nhau vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cũng trong buổi thảo luận tại tổ nói trên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rằng việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật và thẳng tay xử lý vi phạm của cán bộ đã dẫn đến có một số cán bộ có tâm lý e dè, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Theo bà Trà, ở đâu trách nhiệm người đứng đầu tốt thì ở đó phát triển tốt.
Câu hỏi đặt ra là liệu Quy định 148 vừa được Bộ Chính trị ban hành có khiến cán bộ “dám làm” hơn hay càng e dè như đánh giá của bà Trà, trong bối cảnh có nhiều quy định mâu thuẫn, mơ hồ trong khi chiến dịch “đốt lò” gay gắt và cuộc cạnh tranh quyền lực trước Đại hội 14 ngày càng quyết liệt?