- Tác giả,Yogita Limaye
- Vai trò,BBC News
Quân nổi dậy ở Myanmar đang giành được nhiều chiến thắng quan trọng trước quân đội của chính quyền quân sự. Để làm được điều đó, họ cũng phải hy sinh nhiều nhân mạng.
Một doanh trại quân đội bỏ hoang nằm trên ngọn đồi đầy cây cối, nhìn xuống một hồ nước tuyệt đẹp nổi tiếng vì có hình trái tim độc nhất vô nhị.
Khu đất xung quanh vương vãi những hộp mìn và vỏ đạn.
Những bông hoa dại vàng vươn mình xuyên qua đống tôn rỉ sét nằm rải rác ở nơi từng là một trại lính.
Ở một phía của khu trại vẫn còn những chiến hào được đào vội vàng.
Cảnh báo: Một số chi tiết trong bài viết có thể gây khó chịu.
Dưới bầu trời ảm đạm, một lá cờ có họa tiết sọc ngang trắng, đỏ và xanh với hình chim trĩ ở giữa lật phật trong gió
Đây là lá cờ của Quân Giải phóng Quốc gia Chin (CNA), một nhóm dân quân ở bang Chin (miền tây Myanmar) chiến đấu chống lại chính quyền quân sự nước này.
Bảy tháng trước, CNA và các nhóm dân quân địa phương đã đẩy lùi quân đội Myanmar ra khỏi trại lính ở thị trấn Rihkhawdar – một thị trấn giao thương miền biên giới giáp Ấn Độ – và các khu vực khác của bang Chin.
Đó là một bước tiến lớn chưa từng có của CNA trong cuộc chiến chống lại quân đội Myanmar độc tài, chế độ đã giẫm nát nền dân chủ mong manh của đất nước bằng cuộc đảo chính vào năm 2021.
Đây là lần đầu tiên quân đội Myanmar mất kiểm soát các khu vực này.
Và trong một dịp hiếm hoi, BBC đã được tiếp cận khu vực này để chứng kiến đà tiến công của các nhóm quân nổi dậy ở khu vực miền tây đất nước.
Chiến thắng ở thị trấn Rihkhawdar không tới một cách dễ dàng, mà là thành quả của hàng loạt cuộc tấn công suốt hơn một năm.
Đối với một số gia đình, chiến thắng đi liền với cái giá rất đắt.
Lalnunpuii, 17 tuổi, là một người rất yêu nhảy múa.
Tài khoản mạng xã hội của Lalnunpuii đầy những video cô bắt chước các trào lưu trên mạng.
“Chỗ nào nó cũng nhảy được. Nhưng nó lại không thích ăn diện lắm. Nó thần tượng quân đội và thường xuyên nghe những bài hát về những người lính cống hiến cuộc đời cho đất nước. Nó dũng cảm, mạnh mẽ và chẳng sợ gì cả,” bà Lalthantluangi , mẹ của Lalnunpuii, chia sẻ.
Sau cuộc đảo chính, Lalnunpuii đã thuyết phục cha mẹ cho phép cô tham gia phong trào dân quân vũ trang ở làng Haimual nơi họ sinh sống.
Trong một bài luận bằng tiếng Anh ở trường, Lalnunpuii đã giải thích lý do tại sao cô muốn như vậy.
“Myanmar tan nát mất rồi… Quân đội Myanmar là kẻ thù của tôi bởi chúng rất tàn ác… Tương lai của tôi là ở Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) và tôi thích điều đó,” bài luận viết.
Tháng 8/2022, dân quân từ làng Haimual và các nhóm khác đã tấn công trại lính ở Rihkhawdar.
“Chúng tôi đã dùng máy bay không người lái tấn công chúng suốt 13 ngày liên tục. Bom chủ yếu là do tôi làm, bởi tôi là thợ hàn chính của đơn vị,” ông Lalzidinga, cha của Lalnunpuii, kể lại.
Từng là tài xế xe tải trước cuộc đảo chính, ông Lalzidinga đã trở thành một trong những nhà tổ chức của PDF ở Haimual.
Lần này, cả hai bên đều có thương vong, nhưng PDF đã không chiếm được trại lính Rihkhawdar.
Ngày 14/8/2022, để trả đũa cuộc tấn công, quân đội Myanmar đã tràn vào làng Haimual.
Theo lời kể của dân làng, quân đội đã phóng hỏa nhiều ngôi nhà. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những gì còn lại của những ngôi nhà ấy.
Quân đội Myanmar bị cáo buộc đã phóng hỏa hàng chục ngàn ngôi nhà của người dân ở khu vực miền bắc và miền tây đất nước với mục đích dập tắt sự phản kháng.
Ở làng Haimual, Lalnunpuii và em trai Lalruatmawia là hai trong số 17 người bị quân đội Myanmar bắt làm con tin.
Ngoài hai chị em, tất cả những người khác sau đó đã được trả tự do.
Gia đình họ tin rằng đây là hành động trả thù ông Lalzidinga.
Hai ngày sau, xác của hai chị em được dân làng tìm thấy trong một ngôi mộ được đào rất cạn tại khu rừng gần làng Haimual.
Cả hai đã bị tra tấn dã man và đánh đập tới chết bằng báng súng.
Lalnunpuii đã bị cưỡng hiếp. Ngực, tay, và bộ phận sinh dục của Lalruatmawia có những vết bỏng do nước sôi.
BBC đã xem báo cáo xét nghiệm tử thi và các bức ảnh chụp chi tiết thi thể của hai chị em.
Quân đội Myanmar chưa lên tiếng phản những hồi câu hỏi của BBC về các cáo buộc nói trên.
“Tôi không đủ can đảm để nghĩ về những gì đã xảy ra với hai con của mình,” ông Lalzidinga nói, đoạn ngưng lại để tìm từ ngữ thích hợp. “Các con tôi đã hy sinh. Tôi không xứng đáng làm cha chúng.”
Một lát sau, ông nói tiếp, với giọng của một người cha tự hào kể về những đứa con của mình.
“Con trai tôi cao hơn nửa tấc. Nó là đứa lắm lời và chẳng bao giờ nề hà việc nhà,” ông Lalzidinga kể.
“Hai chúng nó dính lấy nhau suốt. Con gái tôi thì luôn mang lại niềm vui và tiếng cười cho mọi người.”
Bà Lalthantluangi lau nước mắt, trong tay ôm đứa con gái út bốn tuổi Hadaci.
“Tôi bảo chồng rằng đừng có nản lòng sau cái chết của các con. Hy sinh này đâu phải chỉ riêng chúng ta. Các thế hệ sau cũng cần tự do.
“Sống trong một đất nước mà không có quyền gì và số phận thì hoàn toàn phụ thuộc vào quân đội, đó là điều không đúng.
“Đây là cuộc chiến đáng để hy sinh tính mạng. Tôi rất tự hào về những đứa con của mình,” bà nói.
Trong suốt thời gian ở Myanmar, chúng tôi đã gặp rất nhiều người mặc quân phục mang súng trường và các loại súng khác.
Họ không phải lính chính quy, mà là nông dân, học sinh, là những người bình thường với sự kiên cường đáng nể trong bối cảnh xung đột tàn khốc.
Chỉ tay về phía thung lũng bên dưới làng Haimual, chỉ huy Vala của PDF cười và nói với chúng tôi rằng quân đội Myanmar đã bị đánh bật ra khỏi khu vực này.
Theo ông, căn cứ gần nhất của quân đội Myanmar cách nơi này hơn 48km, tính theo đường chim bay.
Tại nghĩa trang địa phương, ông chỉ tay vào những ngôi mộ mới, phủ đầy hoa nhựa hồng và trắng.
“Đây là những người đã hy sinh khi chiến đấu chống lại chính quyền quân sự,” ông Vala nói khi đang chỉnh lại một lẵng hoa bị đổ gần mộ một người anh em bên vợ.
Chúng tôi cũng nhìn thấy mộ của Lalnunpuii và Lalruatmawia.
Hầu hết những người dân chúng tôi gặp đều được huấn luyện tại căn cứ Victoria của CNA, nằm ở phía nam làng Haimual.
Để tới căn cứ, chúng tôi lái xe trên những con đường quanh co, gập ghềnh, xuyên qua những khu rừng rậm rạp và đồi núi hiểm trở.
Tới nơi, chúng tôi thấy hàng trăm thanh niên và tân binh mặc đồng phục diễu hành giữa một thao trường rộng.
“Tổ quốc, mảnh đất dấu yêu, chúng con sẽ bảo vệ bằng máu và tính mạng của mình,” họ đồng thanh cất tiếng khi bài tập kết thúc.
Tiếp đó là bài huấn luyện sử dụng vũ khí. Chúng tôi đã nghe những tiếng súng không lâu sau đó.
Người ta nói với chúng tôi rằng tất cả đều đã trên 18 tuổi, nhưng nhiều người trông trẻ hơn thế.
Từng nếm trải mùi vị của tự do khi Myanmar tiến tới chế độ dân chủ vào năm 2011, nhiều thanh thiếu thiên cảm thấy chế độ quân chủ là không thể chấp nhận được.
Họ đã gác lại giấc mơ riêng tư để tham gia lực lượng nổi dậy.
Cô Than Dar Lin, 19 tuổi, từng ước mở trở thành giáo viên.
“Mọi việc không quá tệ trong năm đầu tiên sau cuộc đảo chính. Nhưng sau đó quân đội đã bắt đầu bắn phá làng của chúng tôi. Họ phá hủy nhà cửa của chúng tôi. Quân lính ập vào các ngôi làng, đốt phá nhà cửa, giết người và cả động vật. Rất nhiều người trong chúng tôi đã phải trốn vào rừng, nhiều tới mức chính khu rừng đã trở thành một ngôi làng,” cô kể lại.
“Chú tôi bị bắn chết một cách dã man. Tôi căm thù quân đội. Vì thế, tôi đã gia nhập CNA để bảo vệ đất nước và nhân dân,” cô chia sẻ.
Dường như thanh niên Myanmar khắp nơi đều bị cuốn vào làn sóng cách mạng.
Hàng ngàn người từng làm việc cho chính quyền Myanmar cũng đã đổi phe.
Anh Vanlalpekthara, 22 tuổi, từng là một cảnh sát.
“Nó từng có mức lương khá tốt. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy. Nhưng sau đó chính phủ đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và nó quyết định gia nhập lực lượng kháng chiến,” bà Molly Khiang, mẹ Vanlalpekthara, nói trong khi lấy ra ba bức ảnh cũ chụp hình người con trai thời còn đang huấn luyện trong lực lượng cảnh sát.
Nói về tuổi trẻ của mình dưới thời quân đội cai trị, bà Molly kể:
“Hồi đó, chẳng có nổi một ngày vui vẻ. Chúng tôi rất sợ quân đội. Đó là lý do tại sao tôi lại ủng hộ quyết định của con trai.”
Sáu ngày sau khi gia nhập lực lượng nổi dậy hồi tháng 3/2022, anh Vanlalpekthara đã bị giết.
“Con trai tôi bị đâm vào chỗ này và chỗ này,” bà Molly nói và lấy tay chỉ vào ngực và lưng mình.
“Nó bị đánh đập dã man. Bàn chân của nó bị chặt đứt,” bà nghẹn ngào.
“Thật khó để nói về điều này.”
Vợ của Vanlalpekthara đang mang thai con đầu lòng khi anh qua đời.
Con trai của họ, giờ đã gần 18 tháng tuổi, đang sống trong một trại tị nạn xa xôi.
Bà Molly giơ nắm đấm lên khi chúng tôi hỏi về cảm xúc của bà khi thấy quân đội Myanmar bị đánh bật ra khỏi làng.
“Tôi rất vui, nhưng tôi muốn nhìn thấy một chiến thắng toàn diện.”
Người con thứ của bà cũng tham gia PDF.
Chính sự ủng hộ của nhiều người dân lành đã giúp các lực lượng quân nổi dậy yếu thế xoay chuyển cục diện và đẩy lùi quân đội Myanmar hùng hậu với đầy đủ trang thiết bị vào thế bị động.
“Lúc đầu họ dường như sẽ thắng. Nhưng thiếu đi sự ủng hộ của nhân dân, không ai có thể chiến thắng, bất kể là trong chính trị hay chiến tranh.
“Họ có vũ khí mạnh hơn, nhưng không có sự ủng hộ của nhân dân,” ông Pa Thang, chính trị gia được phong làm “thủ tướng” của chính phủ do các nhóm nổi loạn ở bang Chin lập ra, chia sẻ.
Ông cũng là thành viên Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, người đã bị quân đội bắt giam sau cuộc đảo chính.
Chính phủ này tuyên bố kiểm soát khoảng 80% lãnh thổ của bang Chin, dù quân đội Myanmar vẫn kiểm soát hầu hết các thị trấn chiến lược, bao gồm cả thủ phủ.
Tuy nhiên, quân nổi dậy đang trên đà chiến thắng. Đầu tuần này, họ đã chiếm thêm được thị trấn Tonzang.
“Đây là đất của chúng tôi, không phải của quân đội Myanmar. Chúng tôi thắng vì chúng tôi đã quá quen thuộc với từng tấc đất nơi đây,” ông Htet ni, người phát ngôn của CNA, cho biết.
Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới thành công của họ là sự liên kết giữa các nhóm phiến quân trên khắp đất nước.
Việc này đã buộc quân đội Myanmar phải lựa chọn khu vực để tập trung lực lượng.
CNA cho biết họ đã liên minh với Quân Độc lập Kachin, Quân Giải phóng Dân tộc Karen và Quân đội Karenni.
Thách thức lớn nhất của quân nổi dậy là sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm.
Chỉ riêng tại bang Chin đã có hàng loạt phe phái, trong đó nhiều phe có thù hằn với nhau.
Ông Pa Thang khẳng định rằng họ có thể duy trì sự đoàn kết, đồng thời cho biết họ có kế hoạch trong tương lai sẽ hoạt động dưới trướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG) – chính phủ dân sự do bà Suu Kyi lãnh đạo.
“Chúng tôi đang cẩn thận soạn thảo luật và hiến pháp. Chúng tôi sẽ có hai bộ trưởng và một thứ trưởng từ bang Chin trong NUG. Chúng tôi đang chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho thời điểm quân đội Myanmar thừa nhận thất bại,” ông nói.
Những người chúng tôi gặp đều có niềm tin rằng họ sẽ chiến thắng.
“Sẽ không lâu nữa đâu,” ông Pa Thang nói.
“Sẽ không hay nếu đưa ra dự đoán về điều này, nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ chỉ phải chiến đấu trong khoảng hơn hai năm cho đến ba năm nữa.”