Pháp : Một số điều cần biết về việc giải tán Hạ Viện

Kể từ khi bắt đầu nền Đệ Ngũ Cộng Hòa 1958, đây là lần thứ sáu tổng thống Pháp giải tán Hạ Viện, chấm dứt nhiệm kỳ của các dân biểu và cho tổ chức bầu cử trước thời hạn. Ba vị tổng thống từng giải tán Hạ Viện là Jacques Chirac (1997), François Mitterrand (1981 và 1988) và tướng De Gaulle (1962 và 1966). Tính cả lần này, tổng cộng, trong hơn 100 năm qua, nước Pháp trải qua 8 lần giải tán Hạ Viện.

Đăng ngày: 10/06/2024

Lawmakers gather at the National Assembly, Tuesday, Jan. 30, 2024 in Paris. French President Emanuel Macron on Sunday June 9, 2024 announced he dissolves the National Assembly, and calls new legislat
Một phiên họp tại Quốc Hội Pháp ngày 30/01/2024, Paris, Pháp. AP – Michel Euler

Thùy Dương

Giải tán Hạ Viện là gì ? Chiểu theo điều 12 của Hiến Pháp, « tổng thống Cộng Hòa Pháp có thể, sau khi tham vấn thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội Lưỡng Viện, thông báo giải tán Hạ Viện », trong tình huống xảy ra « sự việc hoặc khủng hoảng nghiêm trọng ». Cũng theo Hiến Pháp, « bầu cử phải được tổ chức sớm nhất là 20 ngày và muộn nhất là 40 ngày sau khi giải tán » Hạ Viện.

Mọi dự luật đang được thảo luận tại Hạ Viện đều phải ngừng lại và mọi thủ tục phải được bắt đầu lại từ đầu khi có Hạ Viện mới. Tạm thời chính phủ của thủ tướng Gabriel Attal vẫn hoạt động và xử lý các hồ sơ thông thường. Sau khi Hạ Viện mới được thành lập, chính phủ sẽ phải giải tán, tổng thống Macron sẽ chỉ định thủ tướng mới.

Quyết định giải tán Quốc Hội của tổng thống Macron đã nhận được các bình luận khác nhau. Nhiều chính trị gia ủng hộ, xem đó là quyết định dũng cảm, cần thiết nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyết định của ông Macron là mạo hiểm, gây nhiều rủi ro… Bầu cử Hạ Viện thường được xem là « kỳ bầu cử tổng thống vòng 3 ».

Nếu đảng hoặc liên minh đối lập chiếm đa số tại Quốc Hội mới, thì tổng thống sẽ phải chỉ định thủ tướng thuộc đảng này và đó là tình trạng được gọi « chung sống » chính trị (cohabitation). Chuyện này từng xảy ra ở thời tổng thống François Mitterrand, hồi năm 1986. Tổng thống François Mitterrand, dù thuộc cánh tả, nhưng buộc phải chọn một thủ tướng thuộc cánh hữu – ông Jacques Chirac. Tương tự, vào năm 1997, ông Jacques Chirac là tổng thống và đã giải tán Quốc Hội, khi bầu cử lại, đa số Hạ Viện lại rơi vào tay cánh tả. Ông Lionel Jospin, cánh tả, được tổng thống Jacques Chirac, cánh hữu, chọn làm thủ tướng. Việc « chung sống » có thể dẫn đến những căng thẳng chính trị, khiến việc điều hành đất nước, những cải cách cơ cấu, chính sách trở nên phức tạp hơn.

Trong trường hợp kết quả bầu cử Hạ Viện mới không theo đúng ý của tổng thống, ông Macron cũng sẽ không thể giải tán ngay Hạ Viện, bởi theo điều 12 của Hiến Pháp, tổng thống không thể giải tán Hạ Viện trong vòng 1 năm sau bầu cử, theo trích dẫn của France 24. Ít nhất là đến ngày 08/07/2025 trở đi, Hạ Viện mới có thể bị tổng thống giải tán một lần nữa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment