Đăng ngày: 10/06/2024
“Tứ Trụ” Việt Nam tạm ổn sau những bất ngờ liên tiếp về nhân sự, đặc biệt với việc hai chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc Hội lần lượt từ chức. Giới quan sát quốc tế lưu ý là những xáo trộn trong thượng tầng lãnh đạo không phải là chuyện lạ trước mỗi kỳ Đại Hội đảng nhưng lần này là “chuyện chưa từng có trong lịch sử”, công khai hơn và chưa có dấu hiệu chấm dứt vì còn 19 tháng nữa mới tới Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIV với việc bầu tổng bí thư mới.
Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị tổng bí thư đảng ? Câu hỏi này được truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt kể từ khi Quốc Hội phê chuẩn thay đổi nhân sự vào tháng 05/2024 : ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc Hội, bộ trưởng Công An Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, bà Trương Thị Mai được cho thôi làm đại biểu Quốc Hội và các chức ủy viên bộ Chính Trị, ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bà Mai là ủy viên bộ Chính Trị thứ 6 phải từ chức từ năm 2022 trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng.
Tiêu chí ứng viên : Hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ trong bộ Chính Trị
Bộ Chính Trị hiện nay có 16 ủy viên, thay vì 18 như đầu Đại Hội lần thứ XIII của Đảng năm 2019, với 4 ủy viên mới được bầu bổ sung trong tháng 05/2024. Trong số này chỉ có 12 ủy viên có thể đáp ứng được yêu cầu tiên quyết là hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm trong bộ Chính Trị để được đề cử làm tổng bí thư.
Trong số này, hai vị trí trong “Tứ Trụ” được đề cấp nhiều nhất, gồm chủ tịch nước Tô Lâm, thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai “ứng viên nổi bật” này đều sẽ quá tuổi nghỉ hưu theo quy định là 65 khi diễn ra Đại Hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dự kiến vào tháng 1/2026 nên sẽ cần được coi là “trường hợp đặc biệt”.
Ông Tô Lâm được các nhà quan sát về chính trị Việt Nam cho là “đang trên đường hướng tới chiếc ghế tổng bí thư”, đặc biệt là vị trí bộ trưởng Công An đã được giao cho cộng sự thân tín của ông là thứ trưởng Lương Tam Quang, theo ghi nhận của trang The Diplomat ngày 07/06. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Futaba Ishizuka, Viện Kinh tế Phát triển JETRO, lưu ý trên trang Nikkei ngày 22/05 : “Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong bộ Công An sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành tổng bí thư hay không”.
Trong loạt bài tổng hợp về “Sự thay đổi lãnh đạo ở Việt Nam” (Leadership change in Vietnam), giáo sư danh dự Carl Thayer, Đại học New South Wales, cho rằng “việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước có thể được hiểu theo hai cách : ông được đưa lên vị trí chủ yếu mang tính hình thức và giữ chức đến cuối nhiệm kỳ vào tháng 05/2026. Hoặc chức chủ tịch nước có thể được coi là bàn đạp cho vị trí tổng bí thư”. Tuy nhiên, ông Tô Lâm “phải vượt qua được 5 cửa ải” :
“Thứ nhất, thông thường tổng bí thư hiện tại đề cử người kế nhiệm. Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV, hiện do tổng bí thư Trọng đứng đầu, phải cân nhắc và phê chuẩn ông Tô Lâm làm ứng viên. Ông cũng phải được coi là “trường hợp đặc biệt” vì sẽ quá 65 tuổi theo quy định nghỉ hưu.
Chặng thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) hiện nay phải phê chuẩn đề xuất của tiểu ban nhân sự hoặc đạt được đồng thuận về người kế nhiệm. Tiến trình này thường kéo theo nhiều cuộc thăm dò ngẫu nhiên trước khi bỏ phiếu chính thức. Ví dụ, năm 2020, tổng bí thư Trọng đề cử ông Trần Quốc Vượng nhưng ông Vượng đã không nhận được đa số phiếu và cuối cùng là đạt được đồng thuận để ông Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Tóm lại, ông Tô Lâm có hai hướng để đi đến thành công ở chặng hai. Hoặc việc đề cử ông được chấp nhận hoặc ông trở thành một ứng viên được đồng thuận.
Chặng thứ ba, ông Tô Lâm phải nhận được đa số phiếu từ hơn 1.500 đại biểu Đại hội XIV để được bầu vào BCHTƯ mới. Chặng thứ tư, BCHTƯ mới phải bầu ông Tô Lâm vào bộ Chính Trị. Và khi lựa chọn xong bộ Chính Trị, BCHTƯ mới phải bầu ông Tô Lâm làm tổng bí thư”. (1)
Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Carl Thayer, hành trình sẽ không hoàn toàn thuận lợi cho ông Tô Lâm vì ông không được ủng hộ cao, bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc Hội bầu và phê chuẩn năm 2023, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp. Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên đồng thuận nội bộ, trong khi ông Lâm lại là một ứng viên gây chia rẽ.
Ứng viên nặng ký thứ hai cho chức tổng bí thư đảng là thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong “Tứ Trụ” hiện vẫn đứng vững. Giáo sư Zachary Abuza, trường National War College (Mỹ), nhận định trên trang Al Jazeera ngày 22/05 rằng sau khi rời ghế bộ trưởng Công An, ông Lâm “khó có thể hạ được ông Phạm Minh Chính”.
Một nhân vật mới cũng gây chú ý là đại tướng Lương Cường, vừa được bổ nhiệm tham gia Ban Bí thư và chức vụ Thường trực Ban Bí thư. Dường như ông Tô Lâm đã không gây được sức ép để trợ lý thân cận của ông là thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thay thế vị trí của bà Trương Thị Mai. Theo giáo sư Carl Thayer, việc bổ nhiệm tướng Lương Cường “nên được xem như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của một liên minh chống lại sự trỗi dậy của ông Tô Lâm hơn là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
“Ông Lương Cường là ủy viên BCHTƯ từ Đại hội XI. Ông đã hoàn thành nhiệm kỳ đầu ở bộ Chính Trị, đây là điều kiện tiên quyết cho vị trí tổng bí thư. Ông Cường sinh năm 1957 ở tỉnh Phú Thọ, miền bắc Việt Nam, cũng là một lợi thế chính trị. Tuy nhiên, ông sẽ 69 tuổi khi diễn ra Đại hội XIV, có nghĩa là nhiều hơn 4 tuổi theo quy định nghỉ hưu. Cho nên ông cũng cần được coi là “trường hợp đặc biệt”.
Về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành tổng bí thư tương lai. Nhiều tin đồn cho rằng quân đội đang gây sức ép để thanh tra tập đoàn Xuân Cầu (CTCP Xuân Cầu Holdings với công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand)) do em trai của ông Tô Lâm điều hành”. (2)
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yosof Ishak Institute, Singapore), cũng cho rằng tướng Lương Cường có thể là một một ứng viên đáng chú ý, nhất là khi ông được “lịch sử ủng hộ”, ý muốn nói đến trường hợp ông Lê Khả Phiêu nhậm chức tổng bí thư từ vị trí thường trực bộ Chính Trị – tương đương với vị trí thường trực ban bí thư hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam chưa từng có tổng bí thư nào xuất thân từ ngành công an.
Ngoài ra, theo giáo sư Carl Thayer, căn cứ vào việc bổ nhiệm nhân sự mới đây, có thể có thêm hai ứng viên tiềm năng khác là Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn.
“Cả hai sẽ chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định và đều có một nhiệm kỳ 5 năm bắt buộc ở bộ Chính Trị. Ông Mẫn vừa được bầu làm chủ tịch Quốc Hội. Vị trí này từng là bàn đạp cho cả hai nhà lãnh đạo đảng là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Ông Tú, thuộc nhánh Nghệ An, là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng”. (3)
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer cũng lưu ý đến một tiêu chí “ngầm” khác là nguyên quán của ứng viên cho chức tổng bí thư, thường là người miền Bắc.
Tổng bí thư đương nhiệm đề cử ứng viên thay thế
Thông thường, tổng bí thư đương nhiệm là người đề cử tên người kế nhiệm. Giám đốc nghiên cứu Benoit de Tréglodé, trường Quân sự Pháp, nhận định với RFI Tiếng Việt rằng có lẽ ông Trọng chưa tìm ra được người kế nhiệm vì đích thân ông làm trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại Hội XIV. Tuy nhiên, tổng bí thư không phải là người toàn quyền quyết định vì đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc tập thể. Thêm vào đó, việc ông Thưởng bị buộc từ chức chủ tịch nước, trong khi ông được coi là người được tổng bí thư che chở, cho thấy ảnh hưởng của ông Trọng đã bị suy giảm phần nào. Giáo sư Carl Thayer nhận định :
“Cần nhớ lại rằng ông Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đảng XIII vào đầu năm 2021 và đề cử ông Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm. Nhưng trong cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương tháng 11/2020, ông Vượng đã không hội đủ được đa số ủng hộ và đã bỏ cuộc. Do đó, ông Trọng không phải là người có quyền lực không thể tranh cãi trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái (2023), kế hoạch cho Đại hội đảng lần tới đã được triển khai. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban nhân sự, phụ trách lựa chọn và bổ nhiệm những ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội XIV vào đầu năm 2026. Ông Trọng đã chịu nhiều phản ứng tiêu cực vì cách tiếp cận mang tính độc đoán hoặc thiếu đồng thuận.
Vấn đề sức khỏe của ông hiện nay cũng đánh dấu chấm dứt thời kỳ giữ chức tổng bí thư của ông. Những người được lợi hoặc những người đã tận sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, hiện rất chú ý đến việc duy trì ảnh hưởng của họ trong những tháng tới. Bàn tay của ông Trọng suy yếu vì ông Thưởng phải từ chức. Nếu ông Trọng muốn bảo vệ di sản chống tham nhũng và xây dựng đảng, từ giờ ông sẽ phải mặc cả với những “nhóm lợi ích” khác”. (4)
Những nỗ lực chống tham nhũng của tổng bí thư Trọng đáng được hoan nghênh nhưng giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng ông Trọng phải cáng đáng trách nhiệm trong việc giám sát tiến trình lựa chọn nhà lãnh đạo sau này bị phát hiện là “giống như những trái táo thối”. Việc ông đứng đầu tiểu ban nhân sự cũng có thể được hiểu là ông muốn chuộc lỗi để lựa chọn khắt khe ứng viên cho các vị trí lãnh đạo sắp tới. Gần 20 tháng trước kỳ Đại Hội có thể được coi là giai đoạn hỗn loạn nếu ông Tô Lâm tìm cách lãnh đạo Đảng nhưng lại bị những người không muốn ông thăng tiến phản đối. Cuộc đấu tranh nội bộ chưa có hồi kết, rất có thể sẽ tiếp tục cho tới Đại Hội lần thứ XIV của Đảng.