Việt Nam và Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế thảo luận hợp tác đề án một triệu ha lúa chất lượng cao

2024.06.10

Việt Nam và Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế thảo luận hợp tác đề án một triệu ha lúa chất lượng cao

Hình chụp từ trên cao ngày 28/2/2023 cho thấy cánh đồng lúa ở Cần Thơ

 Nhac NGUYEN / AFP

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam mong muốn Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế hỗ trợ thực hiện đề án một triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là đề án sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới mà Việt Nam đang kêu gọi sự trợ giúp của quốc tế bao gồm cả vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.

Truyền thông Nhà nước cho biết, vào chiều ngày 6/6, tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có buổi tiếp và làm việc với bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và các thành viên đoàn.

Tại cuộc gặp, hai bên thảo luận về hợp tác sản xuất lúa gạo trong thời gian tới, bao gồm đề án phát triển một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải gấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2023, IRRI đã hỗ trợ các chuyên gia Việt Nam trong việc triển khai đề án này. Trong chuyến thăm lần này, IRRI hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lấy ý kiến các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về một số hướng dẫn kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia vào đề án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đây là dự án đầu tiên dạng này trên thế giới nên còn gặp nhiều khó khăn và cần sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Tổng Giám đốc IRRI nghiên cứu một số nội dung để IRRI tiếp tục phối hợp và hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam.

Các nội dungbao gồm: hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp để đưa ra thị trường quốc tế, hỗ trợ chia sẻ kết quả nghiên cứu các nguồn gene để phát triển các giống lúa thích ứng hạn mặn, giảm phát thải và các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp tại Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam với 2.575.000 ha đất dùng cho nông nghiệp. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Việt Nam hy vọng thí điểm thành công đề án tại đồng bằng sông Cửu Long và sau đó sẽ mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Bộ NN&PTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Theo Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới đồng ý sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu đô la để thực hiện đề án này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment