13 tháng 6 2024
Việt Nam có nên gia nhập khối BRICS khi đã và đang hưởng lợi từ các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với khối G7?
Khối BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn đầu được nhiều nhà quan sát và chính trị gia xem là một đối thủ địa chính trị lớn nhất của G7, tập hợp bảy nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Đây là điều luôn bị các nhà lãnh đạo BRICS bác bỏ.
Việt Nam đã cử đại diện tham dự hội nghị Ngoại trưởng khối BRICS năm 2024 diễn ra từ 10 đến 11/6 tại thành phố Nizhny Novgorod, Liên bang Nga.
Theo tường thuật từ báo chí trong nước, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng, trưởng đoàn Việt Nam dự phiên “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” tại Nga, đã “đề xuất BRICS tiếp tục phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy ba trọng tâm, gồm tăng cường hợp tác đa phương, nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị và thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu và tăng cường tính tự cường, khả năng thích ứng và năng lực của các nước đang phát triển trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu”.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, đây là cuộc họp ngoại trưởng đầu tiên của BRICS kể từ sau khi khối này tăng quốc gia thành viên vào năm 2023.
Xét trong khối ASEAN, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên gia nhập BRICS, nhóm do Nga, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc khởi xướng.
Việt Nam đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về ý định gia nhập BRICS, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/5 đã chính thức “bày tỏ sự quan tâm” tới việc mở rộng của khối này với tuyên bố:
“Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi theo dõi thảo luận về tiến trình mở rộng thành viên của BRICS.”
Tương quan tổ chức giữa G7 và BRICS
Ra đời vào năm 2009, BRICS gồm năm thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc.
Tới năm 2024, BRICS có thêm 6 thành viên mới, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Như vậy, hiện có 11 nước tham gia BRICS.
Ngoài mục tiêu thúc đẩy thương mại và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nội bộ khối, các nước trong BRICS muốn phối hợp để có tiếng nói mạnh hơn trên các diễn đàn quốc tế và đưa ra các chương trình nghị sự phù hợp với lợi ích các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Getty Images
Khối G7
- 7quốc gia thành viên
- 30%GDP toàn cầu
- 1/10dân số thế giới
- 2014Nga bị đình chỉ tư cách thành viên do sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine
Nguồn: Nghiên cứu của BBC
Trong khi đó, G7 là tổ chức gồm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế, gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Nga gia nhập G7 hồi năm 1998, để thành lập G8, nhưng sau đó bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2014 sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 11/6, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Úc), đã đưa ra sự so sánh giữa BRICS và G7 và phân tích Việt Nam đang và sẽ hưởng lợi từ bên nào hơn.
Trước hết, ông so sánh về G7 và BRICS xét về mặt tổ chức.
“Về mặt tổ chức, nhóm G7 có các chương trình nghị sự cụ thể, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng thường xuyên. Trong khi cơ cấu tổ chức của BRICS chưa phát triển như nhóm G7 và con đang trong quá trình định hình.”
Ngoài cơ cấu tổ chức đang định hình, theo ông, BRICS đứng trước một loạt thách thức khi so với G7, với ba thách thức chính bao gồm:
- Thứ nhất, BRICS bao gồm 11 quốc gia thành viên có khác biệt lớn về thể chế chính trị và trình độ phát triển. Nếu so với G7 gồm các thành viên thuộc nhóm phát triển nhất với mô hình chính trị dân chủ thì nhóm BRICS bao gồm các nền kinh tế mới nổi với thể chế chính trị khác biệt, từ chuyên chế (Trung Quốc, Nga, Iran, UAE, Ai Cập và Ethiopia) tới dân chủ (Brazil, Ấn Độ, Nam Phi).
- Thứ hai, giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai thành viên sáng lập và quan trọng của BRICS, còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn về lợi ích liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và địa chính trị.
- Thứ ba, Trung Quốc và Nga có quan điểm khác các nước như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi về sự mở rộng và phát triến của BRICS. Trong khi Trung Quốc và Nga có chủ trương mở rộng tổ chức, các nước Brazil, Ấn Độ và Nam Phi quan tâm hơn đến phối hợp hành động giữa các thành viên để nâng cao tiếng nói của nhóm và các nền kinh tế mới nổi trong các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)…”
Khối BRICS được cho đang muốn bãi bỏ sự thống trị của đồng đô la Mỹ thông qua sử dụng một loại tiền tệ chung.
Hãng tin Sputnik tại Ấn Độ ngày 6/6 đã đăng trên mạng xã hội X video phỏng vấn ông Binod Singh Ajatshatru, Giám đốc viện BRICS tại thủ đô New Delhi, về khả năng đồng tiền chung của khối này sẽ được công bố trước năm 2027.
Việt Nam hưởng lợi từ BRICS hay G7?
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Công Phạm đã so sánh Việt Nam đang hưởng lợi từ BRICS hay G7 trong những lĩnh vực gồm thương mại, đầu tư, công nghệ và an ninh quốc phòng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Nga với Việt Nam lần lượt là gần 172 tỷ USD, 14,36 tỷ USD và 6 tỷ USD.
Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá đã có sự chệnh lệch rất lớn trong thương mại của Việt Nam với các nước BRICS.
“Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào trao đổi thương mại với láng giềng khổng lồ phương Bắc. Một đặc điểm nổi bật nữa là Việt Nam bị thậm hụt thương mại nặng với Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2023 là khoảng 61,2 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 110,6 tỷ USD từ Trung Quốc.”
“Trong khi đó, nếu so sánh với G7, thì trong năm 2023, năm nước đứng đầu trong kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp lần lượt là gần 111 tỷ USD, 44,95 tỷ USD, 11,1 tỷ USD, 7,1 tỷ USD và 4,81 tỷ USD.”
“So với nhóm BRICS, thương mại của Việt nam với các nước trong G7 ít hơn nhưng cân đối hơn. Ngoài ra, Việt Nam có thặng dư thương mại với đa số các nước thuộc nhóm G7,” chuyên gia kinh tế từ Úc kết luận.
Xét về nguồn FDI, Tiến sĩ Công Phạm đánh giá thêm các nước trong G7 đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nhóm BRICS, đặc biệt phải kể tới Hàn Quốc, không thuộc G7 nhưng là một đồng minh của Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Công Phạm cho rằng các nước G7 và Hàn Quốc là những đối tác công nghệ quan trọng hơn nhóm các nước BRICS so với Việt Nam.
“G7 và Hàn Quốc đi đầu về trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ sinh học, hạ tầng kỹ thuật số, điện tử, máy móc công nghiệp, hàng không, dược phẩm… Các nước trong nhóm BRICS như Trung Quốc có vai trò là đối tác quan trọng liên quan tới các lĩnh vực như 5G, năng lượng tái tạo, công nghệ liên quan tới phát triển hạ tầng.”
“Tuy nhiên, về tổng thể thì các nước G7 và Hàn Quốc quan trọng về công nghệ và chuyển giao công nghệ đối với Việt Nam hơn các nước thuộc BRICS. Đặc biệt liên quan tới ngành sản xuất chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các thành viên G7 và Hàn Quốc, Đài Loan là những bên nắm đa số các công nghệ mũi nhọn liên quan.”
Đối với Nga, một thành viên trong BRICS, Việt Nam có truyền thống quan hệ về quân sự và vũ khí lâu đời, nhưng Hà Nội cũng đang nỗ lực đa dạng hóa kho vũ khí của mình, hướng đến vũ khí của Mỹ, Hàn Quốc.
“Với việc nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất với Nhật Bản và Mỹ, Việt Nam có thể khai thác những mối quan hệ được nâng cấp với G7 để có thể cân bằng nguồn cấp vũ khí cho mình từ nhóm G7 và các nước thuộc G7 mở rộng như Hàn Quốc và Úc,” ông cho biết thêm.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá nếu như mối quan hệ với Nga giúp Việt Nam tăng cường an ninh và sức mạnh quân sự thông qua mua bán vũ khí và khí tài, quan hệ quân sự của Việt Nam với các nước trong nhóm G7 và Hàn Quốc tập trung vào hợp tác để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và ổn định an ninh khu vực.
“Mối quan hệ của Việt Nam với các thành viên G7 rất quan trọng để đối trọng với Trung Quốc”, ông nhận định.
Tất nhiên, các mối quan hệ truyền thống như với Nga vẫn sẽ được Việt Nam củng cố. Theo báo Vedomosi của Nga hôm 10/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn vào tuần tới.
Một nguồn tin cho Reuters hay chuyến thăm Việt Nam của ông Putin dự kiến sẽ diễn ra vào 19-20/6 nhưng vẫn chưa được ấn định.
Thách thức nào cho Việt Nam nếu BRICS và G7 đối đầu?
Xét về thành viên khối G7, Việt Nam hiện có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ (2023) và Nhật Bản (2023).
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá dù có lợi ích trong việc phát triển quan hệ đối ngoại với cả BRICS và G7 theo chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng Việt Nam sẽ đối mặt với các áp lực khi quá trình cạnh tranh và phân tách giảm phụ thuộc giữa BRICS và G7 ngày càng gia tăng.
Tiến sĩ Công Phạm đánh giá:
“Việc tăng cường quan hệ với một nhóm nước sẽ gây khó khăn cho Việt Nam phát triển quan hệ với nhóm kia. Điều này buộc Việt Nam đánh giá đúng ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh của mình, trên cơ sở đó mà linh hoạt đưa ra những lựa chọn thích hợp.”
“Theo ý kiến của tôi, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có lợi ích thúc đẩy và tăng cường quan hệ với nhóm G7 liên quan tới thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi ích duy trì quan hệ ổn định với BRICS.”
“Điều không dễ dàng đối với Việt Nam là phải có chính sách linh hoạt duy trì quan hệ ổn định với BRICS nhưng không làm ảnh hưởng tới việc tăng cường quan hệ với các nước thuộc G7 và các đồng minh thân thiết của G7 gồm Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và Hà Lan để thúc đẩy quan hệ đầu tư và chuyển giao công nghệ, vốn là thế mạnh của các nước này.”
Xét về bất lợi nếu Việt Nam gia nhập BRICS, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland (Úc) đánh giá với BBCvào ngày 14/5 rằng Việt Nam sẽ phải chuẩn bị tâm thế, dù không muốn, “là đi theo một nhóm muốn tạo lập một trật tự quốc tế mới, đứng về một phe chống lại sự ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây”.
“Đây là điều không phù hợp với chính chủ trương và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhìn vào các thành viên hiện nay của BRICS, bao gồm cả thành viên mới là Iran, có thể thấy rõ ràng BRICS là một câu lạc bộ của những quốc gia ‘không thân thiện’ với Mỹ và phương Tây. Giả sử tới đây, Triều Tiên đặt vấn đề gia nhập BRICS, liệu Nga và Trung Quốc có từ chối? Trong bối cảnh đó, việc gia nhập BRICS sẽ ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ và các nước phương Tây khác khi Việt Nam đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ và nhiều hơn nữa với những nước này để thực hiện được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của mình.”
Trong khi đó, vào ngày 11/6, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ khả năng phân cực khi BRICS ngày càng mở rộng.
“BRICS không tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới. Trái lại BRICS trỗi dậy như một nhóm các quốc gia quan tâm đến công lý trên trường quốc tế. BRICS không tìm kiếm một cực riêng rẽ. Sẽ có thêm nhiều cực trong một thế giới đa cực,” ông nói.