Thứ Tư, 12 Tháng Sáu 2024
Trước cái chết đột ngột của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, giới quan sát quốc tế đặt ra câu hỏi liệu ai sẽ thay ông Raisi trở thành tổng thống tiếp theo, cũng như vận mệnh quốc gia rồi sẽ đi về đâu.
Điều 131 trong Hiến pháp Iran quy định nếu tổng thống qua đời trong lúc tại nhiệm, phó tổng thống thứ nhất sẽ đảm nhiệm vị trí thay thế.
Do đó, dựa trên Hiến pháp, người tạm thay thế ông Raisi sẽ là Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, cựu sĩ quan Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tuy nhiên, kể cả Hiến pháp Iran có chỉ định ông Mokhber tạm thời thay thế Tổng thống Raisi, kết quả cuối cùng vẫn phải thông qua Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei – người sẽ quyết định liệu ông Mokhber có thể giữ vị trí thay thế ông Raisi hay không.
Đại giáo chủ Ali Khamenei là ai?
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei (85 tuổi) là người lãnh đạo Hồi giáo nước này trong nhiều thập kỷ qua.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bước vào giai đoạn kết thúc trong những năm cuối của thập niên 1980, Iran cũng trải qua những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Sau cái chết của cựu lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini năm 1989, ông Ali Khamenei đảm nhận vị trí thay thế, trở thành lãnh tụ mới của quốc gia Hồi giáo này.
Bất chấp sự tranh cãi gay gắt và phản đối trong chính quyền và nhân dân, tờ Wall Street Journal khẳng định không có một nhân vật nào ở Iran có quyền lực và tầm vóc như ông Ali Khamenei.
Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các quốc gia khác hay vụ trả đũa Israel hồi tháng 4 năm nay đều phải thông qua quyết định của vị lãnh tụ tối cao này.
Quyền lực tối thượng, trên cả tổng thống Iran
Lãnh tụ tối cao là chức vụ có từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979. Người giữ vị trí này đồng thời cũng là nguyên thủ quốc gia kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran.
Tại quốc gia Hồi giáo Iran, chỉ có nam giới được giữ vị trí lãnh tụ tối cao. Theo luật Hồi giáo hiện hành tại nước này, lãnh tụ tối cao phải được trao cho một nhà thần học Shia (còn gọi là Shiite) cấp cao. Dòng Shia là một nhánh lớn của Hồi giáo (sau Sunni), với đa số dân Iran theo dòng này.
Trong khi đó, tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp của Iran. Tổng thống sẽ được bầu theo quy trình bầu cử nghiêm ngặt cứ 4 năm/lần. Tổng thống kiểm soát hoạt động của chính phủ và đôi khi có thể tác động đến nền kinh tế và chính sách quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, các chức vụ được lựa chọn không theo cơ chế bầu cử như lãnh tụ tối cao hay các vị trí trong IRGC sẽ nắm giữ nhiều quyền lực hơn các chức vụ và vị trí được lựa chọn theo kết quả bầu cử như tổng thống, theo The Iran Primer.
Đại giáo chủ Ali Khamenei là người có quyền lực cao nhất Iran. Ông Khamenei có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với ba nhánh tam quyền phân lập bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp, cũng như quân đội và truyền thông.
Theo Hiến pháp Iran, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei có trách nhiệm giám sát “các chính sách chung của Cộng hòa Hồi giáo Iran”, hoạch định toàn bộ các chính sách đối nội và đối ngoại của nước này.
Nói cách khác, bất cứ thay đổi về chính sách đối nội và đối ngoại nào đều phải thông qua Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ông Khamenei gần như có khả năng sử dụng quyền lực vô hạn mà không cần phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cũng là tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang, chỉ huy cao nhất của IRGC, kiểm soát toàn bộ hoạt động tình báo và an ninh quốc gia. Thậm chí ông Khamenei có quyền phát động chiến tranh hoặc ngừng chiến.
Ông Ali Khamenei cũng có thẩm quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm lãnh đạo của các cơ quan tư pháp, mạng lưới phát thanh và truyền hình nhà nước.
Phạm vi quyền lực của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei còn được thể hiện thông qua các đại diện của ông, với khoảng 2.000 người tại các cơ quan thuộc chính phủ.
Ở một số khía cạnh, các đại diện của vị đại giáo chủ này thậm chí còn quyền lực hơn các bộ trưởng của tổng thống và có quyền đại diện cho ông Ali Khamenei can thiệp vào mọi vấn đề quốc gia.