- Tác giả,Myles Burke
- Vai trò,BBC Culture
- 14 tháng 6 2024
Năm 1961, nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro trò chuyện với BBC về cuộc cải cách ruộng đất của ông – được thông qua vào năm 1959 – và về việc ông mong muốn hòa bình như thế nào. Nhưng chính khởi đầu của mối quan hệ ngày càng đi xuống giữa Mỹ và Cuba đã đẩy thế giới vào bờ vực thảm họa.
Ngày 26/6/1961, trong một trang trại ở ngoại ô Havana, phóng viên Robin Day của BBC Panorama đã phỏng vấn ông Fidel Castro, 34 tuổi, về những thay đổi diễn ra ở hòn đảo này kể từ khi ông lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista.
Ông Castro là một người trả lời phỏng vấn niềm nở, dù đôi khi lảng tránh, muốn gây ấn tượng với nhà báo của BBC về việc chính sách cải cách nông nghiệp – mà ông ký hơn hai năm trước – đã cải thiện đời sống của người dân Cuba như thế nào, và mong muốn của ông về một mối quan hệ hòa bình với Mỹ.
Cuộc phỏng vấn có vẻ chân thành này chỉ tiết lộ rất ít về mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã trở nên nguy hiểm và căng thẳng như thế nào.
Day là một trong số các phóng viên được mời tham gia cuộc phỏng vấn, và nhà lãnh đạo cách mạng có tâm trạng hứng khởi khi họ đi thăm một số ngôi làng ở Cuba.
“Ông ấy là một người hoạt ngôn với vốn từ rất dồi dào,” Day thuật lại, thừa nhận rằng Fidel Castro đã gây ấn tượng khi ông nhiệt thành nói với cả nhóm phóng viên về tầm nhìn của ông đối với đất nước.
“Không nên coi ông ấy là một kẻ lập dị hay một gã hề. Ông ấy gây ấn tượng thậm chí với cả phóng viên New York Times bằng sự hóm hỉnh, uyên bác và khéo léo. Ở bất cứ nơi nào ông ấy đến, ông ấy đều là người thu hút.”
Fidel Castro muốn cho các phóng viên thấy sự hỗ trợ của ông đối với người dân Cuba, và trước đó đã đưa họ tới một nông trường quốc doanh mới, nơi các nông dân tập trung để trò truyện với ông và ông đã khuyến khích các phóng viên đặt câu hỏi cho họ.
Đối với nhà lãnh đạo Cuba này, trao quyền cho người nghèo trên đảo và cải thiện điều kiện sống của họ là mục tiêu chính của cuộc cách mạng.
Khát vọng này được thể hiện rõ nét trong Đạo luật Cải cách Nông nghiệp mà ông Castro đã ký thành luật vào tháng 5/1959, lật đổ mô hình bóc lột đã kéo dài hàng thế kỷ ở Cuba.
Trước cách mạng, phần lớn đất đai ở Cuba nằm trong tay một vài gia đình giàu có và các công ty đa quốc gia nước ngoài, như Coca-Cola và United Fruit.
Hầu hết dân nông thôn Cuba làm việc cho các công ty này, thường trong các điều kiện bị áp bức, hoặc phải vật lộn để sống sót như những nông dân quê mùa ít học trên những mảnh đất cằn cỗi, là đối tượng bị trục xuât bất hợp pháp.
“Tại sao bạn lại nghĩ đến chiến tranh? Tôi nghĩ điều tốt nhất cho hòa bình là nghĩ đến hòa bình. Tôi ủng hộ hòa bình” – Fidel Castro
Sự bất bình đẳng rõ rệt này đã định hình tình trạng nghèo đói cố hữu trên đảo và tạo điều kiện cho những lý tưởng đằng sau cuộc cách mạng của Castro bén rễ. Luật Cải cách Nông nghiệp cấm người nước ngoài sở hữu đất đai và ai sở hữu đất đai trên 1.000 mẫu Anh đều bị tịch thu.
Những vùng đất này đã được phân phối lại, một số trở thành công xã nông nghiệp do nhà nước điều hành, số khác được trao cho khoảng 200.000 công nhân nông thôn, những người đã được nhận quyền sở hữu đất đai. Ông Castro rõ ràng thậm chí còn chọc giận mẹ mình khi tịch thu một số tài sản của gia đình ông tại Finca Las Manacas.
Ông Castro muốn cho báo chí thấy rằng luật đó, cho đến nay vẫn là nền tảng của mô hình nông nghiệp của Cuba, đã thay đổi cuộc sống của thường dân Cuba theo hướng tốt đẹp hơn như thế nào.
“Ông đã đi khắp Cuba, ông đã thấy những gì trong chuyến đi này? Ai cũng làm việc, ai cũng vui vẻ. Ông có thấy khó khăn về kinh tế không?” ông nói với Day.
Một thời căng thẳng
Nhưng bên dưới sự thân thiện trên bề mặt của chuyến đi, tình hình có thể đã căng thẳng hơn bao giờ hết.
Luật Cải cách Nông nghiệp đặt chính phủ của Fidel Castro vào thế bất đồng với Washington và chuyến đi này của cánh báo chí được tổ chức như một phần của nỗ lực đảo ngược tình hình đang trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng giữa hai quốc gia.
Việc ông Castro thình lình lên nắm quyền đã gây ra hậu quả sâu sắc ở bình diện quốc tế đối với hòn đảo Caribe nhỏ bé này. Đặc biệt là chính phủ Mỹ đã kịch liệt phản đối thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đang chớm nở của Cuba. Chế độ độc tài quân đội của Batista, dù tham nhũng, tàn bạo và không được người dân Cuba ủng hộ, lại đặc biệt thân Mỹ và chế độ này được nhìn nhận như một đồng minh của các doanh nghiệp Mỹ vốn sở hữu phần lớn nền công nghiệp Cuba.
“Batista được coi là người của Mỹ ở Cuba, người thực sự thực thi luật có lợi cho các công ty của Mỹ,” nhà ngoại giao và học giả Cuba, ông Carlos Alzugaray, nói với BBC Witness History năm 2016.
“Chẳng hạn, ông ta và nội các của ông ta nhận 2.000 đô la mỗi tháng từ mafia và cho chúng làm bất cứ thứ gì chúng muốn ở Cuba, về sòng bài, về mại dâm.”
Khi chính phủ cách mạng mới lên nắm quyền, họ đã quốc hữu hóa các doanh nghiệp này của Mỹ mà không đền bù, xóa bỏ sự kìm kẹp đối với nền kinh tế. Đáp lại, năm 1960, Mỹ đã áp lệnh cấm vận thương mại – một lệnh vẫn còn hiệu lực cho đến nay – với hi vọng rằng sự thiếu thốn và nạn đói sẽ gây bất ổn cho chế độ mới.
Nhưng khi Mỹ đóng cửa thương mại với Cuba, chính phủ của Fidel Castro đã bù đắp bằng cách quay sang một đối tác thương mại mới, một siêu cường đối thủ của Mỹ, đó là Liên Xô. Và rồi vào đầu năm 1961, sáu tháng trước cuộc phỏng vấn của BBC, Mỹ đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Havana.
Khi các biện pháp này không thể lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa mới, CIA đã thực hiện một kế hoạch mà họ đã thực hiện từ đầu năm 1960.
Được Tổng thống Dwight D. Eisenhower thông qua, CIA đã đào tạo và cung cấp tài chính cho khoảng 1.400 người Cuba đã phải rời quê hương khi Fidel Castro lên nắm quyền. CIA có kế hoạch đưa lực lượng xâm lược này đến Vịnh Con Lợn, nằm cách Havana 161 km về phía đông nam, tin rằng đây sẽ là bước khởi động cho một cuộc nổi dậy chống lại Castro. Tổng thống mới của Mỹ, John F Kennedy, đã cẩn trọng đồng ý cho thông qua dự án này.
Việc này sau đó cho thấy là một tính toán sai lầm nghiêm trọng, cuộc tấn công là một thất bại thảm hại, và những người xâm nhập đã đầu hàng chỉ sau chưa đầy 72 giờ; hơn 1.000 người bị bỏ tù.
Hơn hai tháng sau, ông Castro khi đó đang ngồi nói chuyện với một nhóm nhà báo bao gồm các nhà báo Mỹ, với ý thức được rõ rằng chính phủ của họ đang cố gắng lật đổ ông.
Và mọi chuyện không hề suôn sẻ đối với các nhà báo Mỹ ở đó. Ông Castro đã yêu cầu họ tham gia một cuộc họp báo vào lúc nửa đêm. Cuộc này kéo dài đến 3 giờ 15 sáng, trước chuyến thực địa vào 6 sáng. Chuyến đi, một cách có chủ ý, bao gồm đưa nhà báo tới các địa điểm của vụ tấn công thảm khốc ở Vịnh Con Lợn – cho họ xem các mảnh vỡ của một chiếc B26 bị bắn hạ. Đây là chiếc máy bay Mỹ cung cấp cho những người xâm nhập, và một ngôi nhà đổ nát bị bom phá hủy, những thứ mà ông Castro cam kết bảo tồn như một đài tưởng niệm.
Nhưng ông Castro, trong cuộc phỏng vấn, háo hức muốn giảm sự căng thẳng đang leo thang với Mỹ và bình thường hóa mối quan hệ hai nước. Khi được hỏi có phải ông là người trung lập trong Chiến tranh Lạnh hoặc có phải ông có mối quan hệ với các cường quốc cộng sản hay không, ông trả lời: “Tại sao bạn nghĩ về chiến tranh? Tôi nghĩa điều tốt nhất để có hòa bình là nghĩ về hòa bình. Tôi ủng hộ hòa bình.”
Ông trở nên ít cam kết hơn khi Day hỏi ông về việc khi nào Cuba sẽ có bầu cử dân chủ. Ông nói: “Tôi đã hỏi người dân và người dân nói chúng tôi không muốn chính trị lúc này bởi vì chúng tôi đang làm việc.”
Trước đó, ông nói với BBC News, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/1959, rằng ông nghĩ bầu cử sẽ diễn ra “trong 18 tháng tới, khoảng chừng đó, chúng tôi sẽ có bầu cử tự do – trong vòng chưa đầy một năm tới.”
Lúc bấy giờ ông đã định nghĩa lại về dân chủ, từ khái niệm chỉ có quyền chỉ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử chính phủ, tới việc người lao động có quyền làm chủ cuộc sống và công việc hằng ngày của họ.
“Quý vị có tin là không có dân chủ ở đây? Tôi đảm bảo với quý vị ở đây dân chủ còn hơn ở Mỹ,” ông nói. “Bởi vì ở đây, người lao động từng là, nông dân từng là những người bị áp bức bởi chính quyền, bởi các chủ đất. Bây giờ họ tổ chức lao động, họ tổ chức hợp tác xã của họ. Người tự do nhất mà quý vị có thể tìm thấy trên toàn châu Mỹ là một người Cuba.”
Nhưng bất chấp các lời hứa của Castro, bầu cử tự do và công bằng chưa bao giờ được thực hiện ở Cuba.
Khi đó, ông Castro đã áp đặt hệ thống độc đảng, bỏ tù hàng trăm tù nhân chính trị. Trong suốt những năm 1960, Castro ngày càng đàn áp và không khoan dung với bất cứ ý kiến nào được cho là chỉ trích, và xóa bỏ tự do báo chí, với hàng ngàn người đồng tính, bất đồng chính kiến và các đối tượng khác được xem như “không được chào đón” và bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức.
Những tiến bộ mà ông Castro mang lại trong tự do giáo dục và chăm sóc sức khỏa cho toàn dân Cuba bị lu mờ bởi sự đàn áp có hệ thống các quyền cơ bản của họ.
“Quyền được tiếp cận với các dịch vụ công như y tế và giáo dục cho người dân Cuba được cải thiện đáng kể bởi cuộc cách mạng Cuba, và vì thế, vai trò lãnh đạo của ông cần được biểu dương. Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu trong lĩnh vực chính sách xã hội, sự cai trị kéo dài 49 năm của Fidel Castro được định hình bở sự đàn áp tàn nhẫn quyền tự do biểu đạt,” Erika Guevara-Rosas, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói sau sự kiện Fidel Castro qua đời hồi năm 2016.
Cuối cùng, chuyến thực địa của các nhà báo dường như không làm thay đổi đáng kể quỹ đạo mà hai nước đang mắc kẹt.
Sau thất bại của chiến dịch Vịnh Con Lợn, năm tháng sau cuộc phỏng vấn của BBC, Tổng thống Mỹ Kennedy đã thông qua Chiến dịch Mongoose, một chiến dịch bí mật trong đó các đặc vụ CIA và những người Cuba lưu vong thực hiện một loạt hoạt động phá hoại nền công nghiệp và nông nghiệp của Cuba, cũng như các nỗ lực ám sát Castro và các quan chức chính phủ.
Điều này đã thuyết phục nhà lãnh đạo Cuba rằng ông cần sự hỗ trợ của Xô Viết, và tin rằng Mỹ sẽ thực hiện thêm cuộc xâm lược nữa, ông đã đồng ý cho phép Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân trên hòn đảo này – chỉ cách Florida 145 km.
Quyết định này sau đó đã gây ra xung đột giữa hai siêu cường về vấn đề Cuba, dẫn đến Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, mà như cựu nhà báo BBC tại Moscow, Allan Little, nói năm 2002, là “đã đưa thế giới tiến gần hơn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ trong vài ngày.”