June 14, 2024
Công đức không phải ở nải chuối, không phải ở mệnh giá của đồng tiền mà ở trong tâm người cúng dường, thì dẫu cúng một hạt vừng, một chén nước lã vẫn có thể (và có quyền) phát nguyện hồi hướng, cho tất cả mọi chúng sinh. Các phật tử (và cả chúng ta nữa) nên nhớ kỹ điều này, chớ nghe bọn ma tăng Thích cúng tiền, Thích cúng nhà, Thích Múc Chúng Sinh… lừa bịp.
Một ni cô trẻ trung, mặt tròn trĩnh, nhẵn nhụi như… tượng sống, giảng về cúng dường: “Đem đến chùa cúng dường có một nải chuối, mà xin quá trời lun. Há há há há…”
Một chức sắc khá cao trong Giáo hội, một mình “trụ trì” mấy ngôi chùa, lộng lẫy như cung điện, có bằng tiến sĩ Phật học là thượng tọa Thích Nhật Từ. Vị này thích lòe người, “ngôn” nhiều điều bất cập chánh pháp, ví dụ chê Sư Minh Tuệ là mới “thực tập khổ hạnh”, chưa “thực tập Giới”, thì mới đi được 1/3 quãng đường.
Nhưng không muốn mất thì giờ nhiều, chỉ xin bàn một câu, giảng về cúng dường và hồi hướng của ông ta: “Cúng dường có một nải chuối, mà hồi hướng công đức cho tất cả mọi chúng sinh (?)…”.
Rồi ngài tiến sĩ tính toán: “Thế giới có 8 tỷ chúng sinh, đem một nải chuối chia cho 8 tỷ người, thì mỗi người chỉ được tí xíu”. Ý ông ta chê ít, nhẽ ra phải cúng cả buồng, cả vườn chuối…
Khỏi cần bàn về tri kiến thế gian nghe đã thô thiển, đến mức cười không nổi, nói ngay về kiến thức Phật học, vì ông ta là “tiến sĩ Phật học”:
Khái niệm “chúng sinh” trong nhà Phật là bao gồm cả tam giới, gồm 25 “cõi hữu”, từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đến người, Atula, Trời… trải suốt ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai chứ không phải chỉ 8 tỷ người hiện đang sống trên quả địa cầu này.
Ông tiến sĩ Phật học đã coi “công đức hồi hướng” là phụ thuộc vào số lượng và giá trị của vật phẩm cúng dường…
Bài kệ “hồi hướng” truyền hàng ngàn năm nay trong nhà Phật, mỗi khi kết thúc một “Phật sự” nào đó như sau:
“Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo”.
Chắc ông tiến sĩ thường xuyên tụng hàng ngày mà không hiểu, hoặc chỉ nghĩ đến chuyện đếm công đức qua những tiếng “ting ting”, khi tiền cúng dường chui vào tài khoản, hoặc đếm công đức như đếm… chuối, đếm gạo?
Vậy công đức ở đâu ra? Lớn đến cỡ nào mà ngày nào cũng phát nguyện, hồi hướng cho khắp tất cả “đệ tử và chúng sinh”?
Công đức ở đâu ra? Ở trong mỗi mỗi chúng sinh. Nó bình đẳng tuyệt đối, ở Phật cũng không tăng, ở chúng sinh cũng không giảm. Là cái mà Trúc Lâm Đại sĩ (Phật hoàng Trần Nhân tông) gọi là “gia trung hữu bảo” (trong nhà có của báu).
Lớn đến cỡ nào? Lớn vô tận, đến nỗi cúng hoài cũng không bớt, mà nhận mãi cũng chẳng thêm. Giống như cái giếng (Thủy Phong Tỉnh), nước trong giếng thì múc lên không cạn bớt, rót xuống chẳng đầy thêm.
Công đức ấy là cái gì mà kỳ diệu như vậy? Giáo lý Đại thừa chỉ ra rằng, công đức chính là trí tuệ. Duy Thức luận nói: “A Lại Da thức (thức thứ chứa đầy đủ mọi công đức”, thì công đức chính là trí tuệ, là tính Viên Giác tròn đầy. Nghĩa là công đức cũng chính là Phật tính, là Như Lai tạng…
Chương Thập hồi hướng trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “Vô tận công đức tạng”, thì “Vô tận công đức tạng” là “tự tính” bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm của mỗi mỗi chúng sinh. Đem “Vô tận công đức tạng” ra hồi hướng, dẫu cho khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, thì cũng không bao giờ cạn.
Nghĩa là công đức không phải ở nải chuối, không phải ở mệnh giá của đồng tiền mà ở trong tâm người cúng dường, thì dẫu cúng một hạt vừng, một chén nước lã vẫn có thể (và có quyền) phát nguyện hồi hướng, cho tất cả mọi chúng sinh. Các phật tử (và cả chúng ta nữa) nên nhớ kỹ điều này, chớ nghe bọn ma tăng Thích cúng tiền, Thích cúng nhà, Thích Múc Chúng Sinh… lừa bịp.
Hiểu được như thế, và ai cũng làm như thế, thì bọn ma tăng sẽ có nguy cơ bị đói, phải đi lao động lấy mà ăn. Nhưng các phật tử chớ lo, vì chính các ma tăng cũng nằm trong số chúng sinh được “hồi hướng công đức”, thì tất có ngày, họ cũng sẽ được “trọn thành Phật đạo”.
Nguyện hồi hướng công đức cho vị ni sư kia, và cho đích danh tiến sĩ Thích Nhật Từ, cùng khắp tất cả đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo.
Phạm Lưu Vũ