Ngày 13/06/2024, bên lề thượng đỉnh G7 tại Ý, nguyên thủ Mỹ và Ukraina đã ký thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm. Tổng thống Joe Biden đánh giá thỏa thuận là « một dấu hiệu mạnh mẽ cho sự ủng hộ (của Mỹ) đối với Ukraina », còn tổng thống Volodymyr Zelensky hoan ngênh « một ngày lịch sử » mở đường cho Ukraina gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.
Đăng ngày: 14/06/2024
Toàn bộ thỏa thuận, gồm 11 điều, được đăng trên trang web của tổng thống Ukraina. Theo điều II, liên quan đến hợp tác an ninh và quốc phòng, Hoa Kỳ cam kết giúp Kiev củng cố quân đội, đào tạo quân nhân và hợp tác với với tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraina. Ngoài ra, hai bên cam kết hợp tác về tái thiết kinh tế và cải cách (điều III), cải cách thể chế để thúc đẩy tiến trình hội nhập vào Liên Âu – Đại Tây Dương (điều IV)…
Trong buổi họp báo chung với tổng thống Joe Biden sau lễ ký kết, tổng thống Zelensky phát biểu thỏa thuận « cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ Ukraina gia nhập NATO trong tương lai và công nhận rằng thỏa thuận an ninh (song phương) mở đường cho Ukraina hội nhập NATO ». Cùng ngày, Ukraina cũng ký thỏa thuận an ninh với Nhật Bản.
Tổng thống Ukraina là khách mời tại thượng đỉnh G7 do Ý tổ chức. Ngày làm việc đầu tiên (13/06) được dành thảo luận về việc sử dụng tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraina phòng vệ. Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về « khoản vay liên đới » 50 tỉ đô la và sẽ chuyển khoản tiền này cho Kiev « từ nay đến cuối năm », theo thủ tướng Ý Giorgia Meloni, để chuẩn bị ngân sách kháng chiến cho năm 2025. Tổng thống Zelensky hoan nghênh quyết định của G7 và cho rằng « Nga phải thanh toán là chuyện công bằng ».
Trên chiến trường, Ukraina tiếp tục bị Nga oanh kích. Không quân Ukraina thông báo bắn hạ 14 tên lửa (trong đó có 10 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 được bắn từ oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 MS) và 17 drone của Nga trong đêm 13-14/06. Phía Nga cũng cho biết đã bắn hạ 87 drone của Ukraina, tập trung chủ yếu vào các vùng biên giới Belgorod, Volgodrad, Voronej, Koursk, Rostov, Crimée.