25 trong số 31 quốc gia ở châu Mỹ đã thực hiện các giao dịch hoặc chấp nhận sự trợ giúp từ các công ty và nhà đầu tư được Đảng Cộng Sản Trung Quốc hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Peru Gustavo-Meza Cuadra và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay trước cuộc gặp gỡ tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh vào ngày 29/11/2019. (Ảnh: Florence Lo-Pool/Getty Images)
John Haughey
Thứ năm, 21/3/2024
Hoa Kỳ đã tập trung quá nhiều vào các mối lo ngại về an ninh toàn cầu đến mức đã bỏ qua việc đầu tư vào các nhu cầu kinh tế và quân sự ở sân sau của mình trong nhiều thập niên.
Nhưng Trung Quốc thì không. Với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”), Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Mỹ, tăng lượng giao dịch từ 18 tỷ USD năm 2002 lên 450 tỷ USD vào năm 2022.
25 trong số 31 quốc gia Trung và Nam Mỹ đã đàm phán nhận đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, và 22 quốc gia trong số đó, gần đây nhất là Honduras, đã chính thức ký kết tham gia chương trình BRI.
Các công ty Trung Quốc, do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu hoặc trợ cấp, vận hành các mỏ ở Mexico, Argentina, Peru, và Venezuela; lưới điện ở Peru và Chile; hệ thống không dây 5G ở Costa Rica, Bolivia, Brazil, và Mexico (80% thiết bị viễn thông của Mexico là các công ty Trung Quốc cung cấp); bệ phóng và cơ sở theo dõi vệ tinh ở Argentina; và đại sứ quán lớn nhất thế giới ở Bahamas.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính thương mại và đầu tư của Trung Quốc trong khu vực vào các quốc gia Mỹ Latinh trong các lĩnh vực hàng hải, không gian, viễn thông, khoáng sản trọng yếu, và năng lượng sẽ sánh ngang với Hoa Kỳ vào năm 2035. Mối quan hệ quân sự của Trung Quốc với Venezuela, Cuba, Peru, và Chile — hiện bao gồm các chuyến ghé cảng của tàu chiến và cố vấn kỹ thuật Trung Quốc — sẽ phát triển thành các thỏa thuận thiết lập căn cứ trong vòng một thập niên.
Trung Quốc đã, hoặc dự trù sẽ xây dựng, hoặc cải thiện 40 bến cảng trên khắp 16 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe mà không hạn chế sử dụng quân sự, bao gồm ở cả hai đầu của Kênh đào Panama, nơi các công ty do ĐCSTQ tài trợ đang đấu thầu với Panama để làm việc trên các công trình kênh đào do Hoa Kỳ xây dựng.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) cho biết, mùa thu tới, lãnh đạo chế độ Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Peru dự lễ hoàn công “một ‘cảng lớn’ trị giá 3.6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ, do công nhân Trung Quốc xây dựng, và cảng này sẽ do một công ty được ĐCSTQ hậu thuẫn sở hữu và vận hành.”
Hôm 12/03, ông nói trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện về các thách thức an ninh quốc gia ở Tây bán cầu: “Bến cảng này sẽ được sử dụng để vận chuyển đồng, lithium, và các vật liệu trọng yếu khác của Nam Mỹ đến Trung Quốc nhằm tiếp tục hiện đại hóa quân đội của họ.”
Ông Rogers gọi đây là “nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thay thế sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ và xây dựng dấu ấn chiến lược ở sân sau của chúng ta.”
Bẫy nợ và hoạt động gián điệp của ĐCSTQ
Tuy nhiên, Tướng Laura Richardson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phương Nam Hoa Kỳ, cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc là con dao hai lưỡi đối với những quốc gia nào chấp nhận tài chính và sự trợ giúp khác từ ĐCSTQ.
“Thế giới đang ở một điểm bước ngoặt,” bà nói tại phiên điều trần của ủy ban. “Các đối tác của chúng ta ở Tây bán cầu, vốn gắn bó với chúng ta nhờ thương mại, các giá trị chung, truyền thống dân chủ và quan hệ gia đình, ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp và chèn ép [từ Trung Quốc].”
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã lợi dụng lòng tin của các nền dân chủ ở bán cầu này, dùng lòng tin đó để đánh cắp các bí mật quốc gia, tài sản trí tuệ, và nghiên cứu liên quan đến học thuật, nông nghiệp, và chăm sóc sức khỏe.”
“Phạm vi và quy mô của hoạt động gián điệp này là chưa từng có. Thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, CHND Trung Hoa đặt mục tiêu tích lũy quyền lực và tạo ảnh hưởng gây bất lợi cho các nền dân chủ trên thế giới,” bà nói thêm.
Bà Richardson nói rằng mặc dù đúng là Trung và Nam Mỹ chưa nhận được sự quan tâm về an ninh kinh tế và an ninh quốc gia như các khu vực khác, nhưng điều đó đang thay đổi.
“Tôi đã học được rằng sự hiện diện của chúng ta là vô cùng quan trọng,” bà nói, đồng thời lưu ý rằng sau gần 20 năm “nhận được chưa đến 50%” nhu cầu hợp tác an ninh ở Tây bán cầu, Bộ Tư lệnh Phương Nam Hoa Kỳ đã được tài trợ đầy đủ và nhận được tài trợ bổ sung trong ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2024.
Bà Richardson cho biết mặc dù việc tăng cường ngân sách “rất, rất hữu ích”, nhưng Bộ Tư lệnh Phương Nam cần nhiều hơn là chỉ một năm có nhiều tài trợ hơn và “sự hiện diện của bộ này là hết sức quan trọng” và cần được tài trợ đầy đủ một lần nữa trong ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2025.
Bà cho biết, với nguồn tài trợ bổ sung, Hoa Kỳ đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự và ứng phó khẩn cấp chung với Chile, Argentina, và Paraguay với “sự tham gia nhiều hơn là chỉ một chuyến thăm mỗi năm một lần.”
“Điều này thực sự đã tạo ra sự khác biệt lớn về mặt hợp tác, nhưng chúng ta phải có mặt ở đó,” bà nói. “Chúng ta phải có những chương trình hợp tác an ninh tốt; chúng ta phải có các cơ quan có thẩm quyền linh hoạt khi có các cơ hội mở ra vì chúng chỉ mở ra trong một khoảng thời gian ngắn.”
‘Đặt tiền của chúng ta vào đúng nơi đúng chỗ’
Số tiền đó sẽ ở đó, bà Rebecca Zimmerman, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách các Vấn đề về Quốc phòng và Bán cầu, cho biết tại phiên điều trần của ủy ban.
“Chúng tôi đang đặt quốc phòng và các lợi ích khác trên toàn lục địa vào trọng tâm,” bà nói. “Ưu tiên hàng đầu của bộ là bảo vệ quê nhà [và chống lại] mối đe dọa đa phương diện ngày càng tăng do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây ra.”
Bà Zimmerman cho biết Hoa Kỳ đang “tăng cường mối bang giao với Canada, Mexico, Brazil, Colombia, và Chile đồng thời củng cố các thể chế dân chủ, quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội và tôn trọng nhân quyền cũng như pháp quyền” trên khắp lục địa này.
Hồi tháng Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Mỹ cùng với những người đồng cấp đến từ Mexico, Canada, và các quốc gia Mỹ Latinh.
Vào tháng 11/2023, Tổng thống Joe Biden đã chào đón các nhà lãnh đạo từ Tây bán cầu đến Tòa Bạch Ốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo APEC để thảo luận về vấn đề di cư, chuỗi cung ứng, và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Các thủ tướng, tổng thống, và ngoại trưởng các nước Canada, Barbados, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Peru, Uruguay, Mexico, và Panama đã tham dự.
Hoa Kỳ đang phát triển một chương trình với Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ để mở rộng tài chính cho cơ sở hạ tầng bằng việc ra mắt nền tảng đầu tư thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để đầu tư hàng tỷ USD vào việc cải thiện các chuỗi cung ứng trọng yếu, các bến cảng hiện đại, mạng lưới năng lượng sạch, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Chính phủ Tổng thống Biden cho biết, “Công cụ Tăng tốc Quan hệ Đối tác Châu Mỹ” này sẽ hỗ trợ các doanh nhân phát triển và tài trợ cho các ý tưởng kinh doanh của họ cũng như gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực.
Dân biểu Jen Kiggans (Cộng Hòa-Virginia) nói rằng mặc dù “ngân sách quốc phòng luôn không đủ” để giải quyết mọi nhu cầu, nhưng điều tốt “là chúng ta lại một lần nữa ưu tiên nguồn tài trợ đó vì điều quan trọng là chúng ta có thể đầu tư tiền của mình vào đúng nơi đúng chỗ.”
Bà Richardson nói: “Tin tốt đó là việc hợp tác với các đối tác rất sẵn lòng sẽ mang lại sự bảo vệ tốt nhất.”
“Chúng ta phải sử dụng tất cả các đòn bẩy sẵn có để tăng cường mối bang giao với 28 nền dân chủ có cùng chí hướng ở bán cầu này, vốn là những quốc gia hiểu được sức mạnh của việc cùng nhau chống lại những mối đe dọa chung này.
“Hoa Kỳ vẫn là đối tác an ninh được ưu tiên và đáng tin cậy nhất trong khu vực.
“Chúng tôi xây dựng niềm tin thông qua các chương trình hợp tác an ninh và đầu tư nhằm đào tạo và trang bị cho quân đội và lực lượng an ninh của đối tác của chúng tôi, một chương trình tập trận chung mạnh mẽ để xây dựng sự tương kết, cũng như phát triển và sử dụng các công nghệ mới nổi.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times