Nữ nhà báo #MeToo bị Trung Quốc bỏ tù vì ‘lật đổ nhà nước’

Sophia Hoàng Tuyết Cầm, 36 tuổi, bị bắt vào năm 2021 khi đang trên đường sang Anh du học
Chụp lại hình ảnh,Sophia Hoàng Tuyết Cầm, 36 tuổi, bị bắt vào năm 2021 khi đang trên đường sang Anh du học

  • Tác giả,Frances Mao
  • Vai trò,BBC News
  • 15 tháng 6 2024

Một nhà hoạt động nữ nổi tiếng của phong trào #MeToo ở Trung Quốc đã bị kết án 5 năm tù về tội “lật đổ nhà nước”.

Sophia Hoàng Tuyết Cầm bị kết tội và tuyên án vào ngày 14/6, gần 10 tháng sau khi cô hầu tòa.

Nhà hoạt động vì quyền lao động Vương Kiến Băng, người cùng phải ra tòa với cô Hoàng, đã bị kết án ba năm sáu tháng tù.

Cô Hoàng, 36 tuổi, từng là một trong những nhân vật có tiếng nói nổi bật nhất trong phong trào #MeToo ở Trung Quốc, khi đưa tin về những câu chuyện mang tính đột phá về nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Nữ nhà báo cũng đã lên tiếng về sự kỳ thị và phân biệt giới tính mà cô phải đối mặt khi làm việc tại các tòa soạn ở Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc chưa nói rõ vì sao mà hai nhà hoạt động này lại bị buộc tội lật đổ chính quyền. Phiên tòa là một phiên xét xử kín.

Những người ủng hộ hai nhà hoạt động nói rằng họ bị bắt giữ vì thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ và diễn đàn để giới trẻ thảo luận về các vấn đề xã hội.

Cô Hoàng đang trên đường ra nước ngoài theo học bổng thạc sĩ do chính phủ Anh tài trợ tại Đại học Sussex thì bị giữ tại sân bay ở thành phố Quảng Châu vào năm 2021.

Ông Vương Kiến Băng, 40 tuổi, đã có mặt với cô Hoàng Tuyết Cầm vào thời điểm đó.

Những người ủng hộ cho biết cả hai người đã phải chịu đựng nhiều tháng biệt giam trong thời gian bị tạm giữ gần 1.000 ngày. Phiên tòa xét xử của họ mãi tới tháng 9/2023 mới diễn ra.

Một cuộc điều tra của BBC Eye (nhóm chuyên trách điều tra của BBC) vào năm 2022 cho thấy cả hai đều bị biệt giam, giam giữ tại những địa điểm bí mật được gọi là “nhà tù đen” (những nơi có điều kiện tồi tệ).

Vào năm 2021, trong bối cảnh các biện pháp phong toả vì Covid và sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành đàn áp một số nhà hoạt động hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau
Chụp lại hình ảnh,Vào năm 2021, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa chống Covid và sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành truy bức một số nhà hoạt động hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau

Vào năm 2021, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa chống Covid và sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành truy bức một số nhà hoạt động hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhóm vận động Free Huang Xueqin và Wang Jianbing (Trả tự do cho Hoàng Tuyết Cầm và Vương Kiến Băng) cho biết: “Những nỗ lực và sự cống hiến của họ cho quyền lao động, quyền phụ nữ và xã hội dân sự nói chung sẽ không bị phủ nhận bởi phiên tòa bất công này và xã hội cũng sẽ không quên những đóng góp của họ.”

“Ngược lại, khi sự áp bức vẫn tiếp diễn và sự bất công ngày càng gia tăng, thì sẽ có thêm nhiều nhà hoạt động như họ tiếp tục nổi lên.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 14/6 gọi những lời kết tội này là “ác ý và hoàn toàn vô căn cứ”.

“[Những lời kết tội] cho thấy chính phủ Trung Quốc lo sợ đến mức nào trước làn sóng các nhà hoạt động mới nổi dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người khác,” Giám đốc khu vực Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế Sarah Brooks lên tiếng.

“Phong trào #MeToo đã trao quyền cho những người vượt qua bạo lực tình dục trên khắp thế giới, nhưng trong trường hợp này, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách làm điều ngược lại bằng cách dập tắt phong trào.”

Không rõ liệu hai nhà hoạt động có được giảm án hay không.

Phiên tòa xét xử cô Hoàng trước đây nhận được phản ứng trái chiều từ công chúng Trung Quốc – một số cư dân mạng lên án phiên tòa trong khi những người chỉ trích phong trào nữ quyền lại hoan nghênh.

Nhiều người ủng hộ quyền giới tính và các vấn đề xã hội ở Trung Quốc chọn cách ẩn danh trên mạng.

Họ thường bị truyền thông nhà nước và những người theo chủ nghĩa dân tộc cáo buộc là “gián điệp của các thế lực thù địch phương Tây” trên internet.

Phong trào #MeToo (bắt nguồn từ hashtag #MeToo – Tôi cũng vậy) là một phong trào chống quấy rối và tấn công tình dục.

Phong trào này được biết đến rộng rãi vào năm 2017, khi vụ bê bối tình dục của “ông trùm Hollywood” Harvey Weinstein bị phanh phui và đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu.

Hàng triệu phụ nữ và nam giới trên khắp thế giới đã tham gia vào phong trào #MeToo, chia sẻ kinh nghiệm của họ về quấy rối tình dục trong một nỗ lực cho thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Bài Liên Quan

Leave a Comment