Hội nghị vì hòa bình tại Ukraina tổ chức tại Thụy Sĩ đã khép lại sau hai ngày thảo luận, với sự tham dự của hơn 90 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế. Kiev đã mở rộng phạm vi sự ủng hộ, nhưng các nước phương Nam giữ thái độ dè dặt. Một lộ trình hòa bình cho Ukraina còn nhiều bất định.
Đăng ngày: 17/06/2024
Nước chủ nhà Thụy Sĩ ngày từ đầu đã đề ra mục tiêu chính cho hội nghị là nhằm phác thảo một lộ trình định hướng cho các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraina trong tương lai. Tuy nhiên, vắng mặt đại diện Nga và Trung Quốc trên các bàn thảo luận, con đường đi đến chấm dứt chiến tranh cho Ukraina có vẻ mơ hồ và xa vời.
Sau 2 ngày làm việc, 84 quốc gia đã ký thông cáo cuối cùng của hội nghị vì hòa bình ở Ukraina. Nội dung chủ chốt của văn kiện là tái khẳng định sự ủng hộ đối với “toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”, phản đối “việc quân sự hóa an ninh lương thực” và kêu gọi “hồi hương trẻ em Ukraina bị cưỡng bức đưa sang Nga”. Ấn Độ, Indonesia, Mêhicô, Ả Rập Xê Út và Nam Phi đều từ chối ký thông cáo, mặc dù một số vấn đề gai góc đã được lược bớt trong văn kiện.
Tuy nhiên, hội nghị đã mang lại cho Kiev cơ hội đề cao sự hỗ trợ cần thiết của các đồng minh phương Tây để Ukraina có thêm sinh khí tiếp tục chiến đấu với kẻ thù lớn hơn nhiều. Thụy Sĩ, nhà tổ chức hội nghị này có tham vọng quy tụ càng nhiều quốc gia càng tốt, tham gia phác thảo một lộ trình hướng tới hòa bình làm tiền để để Nga có thể chấp nhận đàm phán.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có thể hài lòng về số lượng quan khách tới dự hội nghị. Với ông, mục tiêu của hội nghị tại Thụy Sĩ trên hết là chứng tỏ các đồng minh luôn sát cánh với Ukraina, dù vào thời điểm mà những tin xấu đang chồng chất ở phía trước. Hơn nữa, không chỉ có các nước phương Tây, sự nghiệp chính nghĩa của Ukraina đang được sự ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới.
Tinh thần của người dân Ukraina đang suy sụp sau hơn hai năm chiến tranh. Bất kỳ sự hỗ trợ nào, dù mang tính biểu tượng hay thậm chí một sự ủng hộ tinh thần, đều sẽ được hoan nghênh.
Trong bài phát biểu hôm Chủ Nhật 16/06, tổng thống Volodymyr Zelensky đã giải thích rằng ông muốn tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt, theo một số nguyên tắc mà “một khi được đưa ra bàn và được tất cả mọi người chấp nhận, sẽ được truyền đạt tới các đại diện của Nga để chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh”.
Trong khi đó, chính Kiev đã không muốn mời Matxcơva nga dự hội nghị. Kremlin ngay từ đầu đã khẳng định Thụy Sĩ, tổ chức sự kiện, không trung lập và nhạo báng hội nghị « vô bổ », « tốn thời gian ». Trung Quốc từ chối tham gia vì lý do Nga vắng mặt.
Theo ghi nhận của Reuters, vì không có một con đường rõ ràng nào mở ra cho một tiến trình hòa bình, nên hội nghị mới tập trung vào các vấn đề ngoài lề của cuộc chiến như an ninh hạt nhân, an toàn lương thực vì Ukraina là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới… Nhưng hội nghị đã bỏ qua nhiều câu hỏi khó như : giải pháp hậu chiến cho Ukraina sẽ ra sao ? Liệu Ukraina có thể gia nhập NATO trong tương lai ? Hay việc rút quân của hai bên sẽ thế nào trong trường hợp có thỏa thuận.
Hôm thứ Sáu, trước ngày khai mạc hội nghị, Matxcơva ngang nhiên đưa ra điều kiện trên thế của kẻ mạnh. Vladimir Putin cho biết sẵn sàng thương lượng, nếu Kiev chấp nhận từ bỏ đòi hỏi chủ quyền bốn vùng miền Đông mà ông đã ký sắc lệnh sáp nhập vào Liên bang Nga gồm Donetsk, Louhansk, Kherson và Zaporijjia. Như vậy, cộng với bán đảo Crimée thì Ukraina sẽ phải mất 25% lãnh thổ. Hơn nữa, Matxcơva yêu cầu Kiev từ bỏ toàn bộ dự định gia nhập NATO. Những điều kiện này tất nhiên là không thể chấp nhận được. Ngay lập tức tổng thống Zelensky và các lãnh đạo phương Tây coi đề nghị của Nga là một tối hậu thư đòi Ukraina đầu hàng.
Ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, sau đó cho biết, “tất nhiên, chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng sẽ đến lúc cần phải nói chuyện với Nga, tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không cho phép Nga nói ra ngôn ngữ của tối hậu thư như hiện nay”.
Nếu coi hội nghị vì hòa bình cho Ukraina tại Thụy Sĩ là phác thảo cho một lộ trình đi tới một cuộc đàm phán với Nga, nhưng dường như cái đích đến còn ở rất xa.