Trung Quốc và Philippines cáo giác lẫn nhau về vụ va chạm mới gần Bãi Cỏ Mây

RFA
17-6-2024

Trung Quốc và Philippines cáo giác lẫn nhau về vụ va chạm mới gần Bãi Cỏ Mây

Ảnh minh họa: chiến hạm cũ Sierra Madre của Philippines tại Bãi Cỏ Mây chụp hồi tháng 4 năm 2023

Photo/Aaron Favila

Hải giám Trung Quốc cáo giác một tàu tiếp tế của Philippines gây nên vụ va chạm gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 17 tháng 6. Tuy nhiên Manila cho rằng cáo giác đó “sai lệch và dối trá”.

RFA Tiếng Anh loan tin trong cùng ngày dẫn thông cáo của Hải giám Trung Quốc với cáo giác cho rằng một tàu tiếp tế của Philippines đã “đột nhập phi pháp vào vùng biển gần Bãi Nhân Ái (Ren’ai), tức Bãi Cỏ Mây, tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal.”

Lực lượng Hải giám Trung Quốc còn nói thêm chiếc tàu tiếp tế của Philippines “phớt lờ cảnh báo từ phía Trung Quốc, vi phạm qui định quốc tế trong ngăn ngừa va chạm trên biển và cố tình áp sát một cách nguy hiểm tàu Trung Quốc theo một cách thức thiếu chuyên nghiệp dẫn đến va chạm”.

Phía Philippines đáp trả cho rằng vấn đề chính là sự hiện diện và hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.

Hành động của Trung Quốc không những xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines mà còn làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Hải giám Trung Quốc lâu nay ngăn chặn nỗ lực tiếp tế cho binh sĩ Philippines trú đóng trên chiếc tàu BRP Sierra Madre cho mắc cạn tại khu vực Bãi Cỏ Mây.

Tình hình căng thẳng tại đó giữa hai phía trong những tháng gần đây trở nên nghiêm trọng nhất suốt nhiều năm qua.

Trong diễn biến liên quan, 

Luật Tuần duyên mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6 cho phép bắt giữ người nước ngoài nào mà lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh cho là xâm phạm vùng biển của họ tại Biển Đông.

Luật này bị các nước trong khu vực và cả nhóm nước công nghiệp phát  triển G7 cáo buộc là mang tính trấn áp, đe dọa.

AFP loan tin ngày 15/6.

Theo quy định mới, lực lượng Tuần duyên  của Trung Quốc có thể bắt giữ người và tàu nước ngoài bị tình nghi vi phạm biện pháp quản lý về xuất nhập cảnh của Hoa Lục. Trong những trường hợp phức tạp, thời gian giam giữ có thể kéo dài đến 60 ngày.

Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng Quân đội Philippines, vào ngày 14/6 nói với báo giới rằng cơ quan chức năng Manila đang thảo luận những biện pháp thực hiện nhằm bảo vệ ngư dân Philippines đánh bắt tại Biển Đông.

Manila đã trấn án ngư dân không nên lo sợ mà cứ tiến hành đánh bắt tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của đất nước.

Hoa Kỳ cũng lên tiến cho rằng Luật Tuần duyên mới của Trung Quốc làm dấy lên những quan ngại pháp lý.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông trong đường đứt khúc mà họ tự vạch ra. Tuy nhiên, đường này bị Philippines kiện ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa tuyên đường đó không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử; thế nhưng Bắc Kinh không tham gia vụ kiện và không chấp hành phán quyết.

Trung Quốc càng ngày càng hung hăng và quyết đoán tại Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment