Washington trách cứ Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga Putin

Hãng tin Reuters hôm nay, 17/06/2024, dẫn nguồn từ nhiều quan chức cho biết, tổng thống Vladimir Putin trong tuần này công du chính thức Việt Nam. Washington đã tỏ không hài lòng việc Hà Nội đón tiếp tổng thống Nga.

Đăng ngày: 17/06/2024

Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp với bộ Ngoại Giao Nga, Matxcơva, ngày 14/06/2024.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp với bộ Ngoại Giao Nga, Matxcơva, ngày 14/06/2024. AP – Alexander Zemlianichenko

Anh Vũ

Ông Putin vừa mới nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 cách đây hơn một tháng. Theo nhiều nguồn thạo tin, trong tuần, nguyên thủ Nga sẽ tới Hà Nội. Tổng thống Putin sẽ được chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đón tiếp và ông sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt.

Hoa Kỳ đã có phản ứng khá nặng nề. Được Reuters đặt câu hỏi về tác động chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Nga, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố: “Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.

Đại diện sứ quán Mỹ nói thêm: “Nếu ông ta có thể đi lại tự do, như thế tức là có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga”, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà ông Putin phát động từ hồi tháng 02/2022.

Được Reuters liên hệ, bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận về sự việc.

Vẫn theo hãng tin Anh, Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, không bình luận trước thông tin chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga, nhưng tháng trước Bruxelles đã tỏ thái độ không hài lòng về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên Liên Âu để thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga. Nhiều quan chức ngoại giao nhận định, sự trì hoãn này có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin.

Lần đầu tiên tổng thống Putin có chuyến thăm Việt Nam ở cấp Nhà nước là vào năm 2017. Lần này là chuyến đi Việt Nam thứ 5 của ông. Theo giới quan sát, trong cuộc gặp lần này, ngoài những hồ sơ hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, giáo dục… hai bên sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề nhạy cảm.

Đó có thể là hồ sơ mua bán vũ khí. Trước đây, Nga là nhà cung cấp chính cho Việt Nam;  hay hồ sơ hợp tác năng lượng, với các công ty Nga hoạt động tại các mỏ khí đốt và dầu lửa của Việt Nam tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; và vấn đề thanh toán, vì hai nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Nga. Một quan chức giấu tên tại Hà Nội cho Reuters biết như trên.

Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu chính trị ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định, đối với Hà Nội, chuyến thăm nhằm mục đích “chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không ngả theo bất kỳ cường quốc nào”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment