An ninh cộng sản theo tôi đến tận Mỹ

Saigon Nhỏ

GIa đình bà Phạm Thanh Nghiên ở Mỹ. (Hình: FB)

Suốt 16 năm, kể từ khi công khai quan điểm đối kháng với đảng cộng sản (năm 2007) cho đến ngày buộc phải rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn (Tháng Tư năm 2023), tôi luôn là mục tiêu đàn áp, khủng bố từ nhà cầm quyền.

Tôi đã trải qua một án tù kéo dài bốn năm, công ba năm quản chế (giam lỏng ở nhà), hàng trăm lần bị công an canh gác, ngăn cản quyền tự do đi lại, hàng chục lần bị triệu tập, nhiều lần bị bắt bớ, câu lưu và đánh đập cả trong đồn công an lẫn ngoài đường. Tôi cũng từng bị công an bắt cóc bốn lần, hai lần ở Hải Phòng, một lần ở Sài Gòn và một lần ở Hà Nội (nhưng may mắn thoát được).

Việc nhà cầm quyền ra tay đập nát căn nhà tôi trong biến cố Vườn rau Lộc Hưng, sau đó gây khó khăn trong việc thuê, mướn chỗ ở đã khiến tôi không thể trung thành lời hứa với chính mình suốt nhiều năm là “sinh ra trên đất Việt, chết cũng trên đất Việt.” Tôi rơi vào tình thế phải rời bỏ quê hương lên đường đi tỵ nạn.

Dù hiện nay tôi đã ở Mỹ, một nơi được cho là an toàn, nhưng tôi và gia đình mình vẫn tiếp tục bị an ninh cộng sản Việt Nam đeo bám, khủng bố.

Có một sự việc xảy ra mà tôi tin là dấu hiệu của việc “đàn áp xuyên quốc gia” từ nhà cầm quyền CSVN, nhằm vào những người bất đồng chính kiến, và tôi là một trong những số đó.

Vào sáng Thứ Sáu ngày 24 Tháng Năm năm 2024, tôi nhận được tin nhắn từ số điện thoại ở Mỹ, của một người lạ, mời đi dùng bữa vào cuối tuần. Người này tự giới thiệu tên Trọng, là an ninh thuộc Bộ Công An và mới sang Texas du lịch.

Người tự xưng là an ninh bộ nhắn: “Alo Nghiên, cuối tuần rảnh không em. Anh mời vợ chồng em đi ăn.”

Vì số điện thoại này không có trong danh bạ nên tôi không biết là ai, và đã trả lời lại rằng: “Dạ tôi xin lỗi đã không lưu số phone này. Tôi chưa nhận ra anh là ai?”

Sau đó tôi gọi điện nhưng anh ta không bắt máy, thay vào đó lại gửi text với nội dung: “Anh đang lái xe.” rồi nhắn tiếp hai tin nhắn: “Anh Trọng đây,” và “Anh Trọng, an ninh bộ, anh mới sang Texas du lịch. Ngày mai anh mời vợ chồng em đi ăn được không?”

Khi thấy anh ta tự xưng là an ninh, tôi đã từ chối, và nói rõ thái độ của một người đi đi tỵ nạn cộng sản.

Xin lưu ý rằng, số điện thoại cũng như nơi gia đình tôi cư ngụ, chỉ được tiết lộ cho một số bạn bè thân thiệt hoặc liên quan đến công việc.

Sáng hôm sau, tức Thứ bảy 25 Tháng Năm 2024, một người bạn của tôi gọi điện lại theo số máy nói trên, nhưng anh ta không trả lời dù điện thoại vẫn đổ chuông. Bạn tôi đã dùng hai số điện thoại khác nhau và gọi sáu lần tất cả.

Ngay khi sự việc xảy ra, tôi đã thông báo cho một số bạn bè, là những người am hiểu tình hình Việt Nam và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân quyền. Các bạn tôi đều nhận định rằng, đây là một hình thức hăm dọa nằm trong chính sách “đàn áp xuyên quốc gia” của chính phủ CSVN.

Tôi đã báo cáo sự việc với FBI (Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và được biết họ mở hồ sơ cho cuộc điều tra về vụ việc trên. Bởi ngoài những biện pháp đàn áp thông thường, tôi lo lắng chúng tôi có thể bị gài bẫy hoặc buộc tội bởi một vụ việc pháp lý nào đó mà chúng tôi không hề biết, nhất là khi vừa chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, việc công an gọi điện thoại hẹn gặp, là một hình thức hăm dọa phổ biến đối với những người bất đồng chính kiến. Công an dùng lời hẹn này để gặp mặt, thẩm vấn mà không cần bất kỳ một văn bản pháp lý nào. Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều trường hợp sau khi gặp mặt, nạn nhân có thể bị bắt cóc thẩm vấn, tra tấn, đe dọa tinh thần về tư tưởng chính trị đối lập, thậm chí bị bỏ tù.

Hai sự việc gần đây nhất, là trường hợp của anh Phan Tất Thành (Sài Gòn), bị kết án tám năm tù sau khi công an hẹn gặp rồi bắt cóc, tra tấn và ép tội chống nhà nước.

Người thứ hai là Nguyễn Văn Dũng, tức Dũng Aduku (Hà Nội), công an hẹn ra gặp, sau đó bắt cóc đi thẩm vấn. Không ai biết nội dung của việc thẩm vấn là gì, nhưng sau đó, anh Dũng bị khủng hoảng tinh thần và nhảy xuống sông tự tử.

Trước đó, Chính Phủ Việt Nam đã bị phát hiện tiến hành những vụ bắt cóc người xuyên quốc gia, lén lút và bất hợp pháp ở Đức, Thái Lan.

Tôi cho rằng, viêc an ninh CSVN gọi điện thoại cho tôi, khi tôi đã cư trú ở Hoa Kỳ, là do tôi vẫn giữ liên lạc với những người hoạt động xã hội ở Việt Nam, lên tiếng về những vụ đàn áp mới. Nhiều người trong số đó cho tôi biết họ bị mời, bị triệu tập, thậm chí bị bắt cóc đến các trụ sở công an để thẩm vấn. Một số người bị hỏi về các mối quan hệ với tôi. Thậm chí có người bị ép ký bản cam kết không được liên lạc, chia sẻ bài trên facebook của tôi.

An ninh Việt Nam còn vu khống tôi tài trợ cho các hoạt động chống nhà nước, gửi tiền thăm nuôi các tù nhân lương tâm. Tôi được biết điều này do một số bạn bè- những người bị an ninh thẩm vấn, báo tin lại.

Xin lưu ý, trong bản “Tuyên bố chung Việt-Trung” ký năm 2024, lần đầu tiên hai nhà nước độc tài này nhắc đến việc đi sâu hợp tác về bảo vệ “an ninh chính quyền” và “an ninh chế độ” bằng cách tăng cường “giao lưu tình báo” nhằm chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống “diễn biến hòa bình,””cách mạng màu” của các thế lực thù địch, phản động.

Các hội thảo, phát biểu của những người đứng đầu ngành công an trong khoảng hơn một năm trở lại đây đều nhắc đến các thuật ngữ “bảo vệ chế độ từ sớm, từ xa,” và “đấu tranh, xử lý quyết liệt” với các đối tượng chống phá trọng điểm, kể cả từ bên ngoài biên giới quốc gia như là một quan điểm mới của đảng cộng sản trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài hình thức đe dọa, khủng bố, bắt cóc, ám hại, một trong những thủ đoạn đàn áp tinh vi mà nhà nước CSVN đã sử dụng nhiều năm và rất thành công, đó là rỉ tai nói xấu, vu khống, tạo bằng chứng giả để chia rẽ và đánh lừa công luận. Không ít người ở cả trong nước lẫn hải ngoại bị “tấn công truyền thông,” bị hiểu lầm, bị cô lập, ảnh hưởng đến uy tín và gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi lý tưởng.

Tôi tin rằng nhà cầm quyền CSVN đã tiếp bước Nga và Trung cộng trong việc xây dựng các cơ sở an ninh bí mật trên đất Mỹ, để theo dõi, đe dọa, cô lập, thậm chí ám hại những nhân vật mà chính quyền không ưa thích. Sự việc trên cho thấy, bất cứ người bất đồng chính kiến nào cũng có thể trở thành mục tiêu của sự đe dọa dù đã tị nạn ở nước ngoài, nhất là đối với những người vẫn đang tiếp tục theo đuổi công việc và lý tưởng của mình.

Tôi đã báo cáo vụ việc này tới các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ cũng như chia sẻ thông tin trước công luận, và đây như một chứng cứ. Tôi sẽ là nhân chứng về hoạt động của an ninh CS trên đất Hoa Kỳ, ngay cả trong trường hợp có thể bị ám hại và không còn lên tiếng được nữa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment