Biển Đông: Trung Quốc có thể cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ?

Tàu USS Ralph Johnson (DDG 114) của Mỹ, hiện đang tham gia tập trận ở Biển Đông
Chụp lại hình ảnh,Tàu USS Ralph Johnson (DDG 114) của Mỹ hiện đang tham gia tập trận ở Biển Đông

Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang dần cân bằng lại “sức mạnh quân sự vượt trội” của Mỹ trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc tăng cường mở rộng lực lượng hải quân và khả năng đóng tàu có thể mang lại lợi thế chiến lược cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) trong trường hợp có xung đột, bao gồm “chiến lược địa ngục” mà Mỹ đã đề xuất gần đây, South China Morning Post (SCMP) dẫn đánh giá của chuyên gia quân sự.

Trả lời SCMP trong bài viết ngày 17/5, ông Raymond Kuo, Giám đốc Sáng kiến Đài Loan của Rand Corporation, cho biết Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có “ngành đóng tàu lớn nhất thế giới” và có khả năng hoàn thiện thân tàu nhanh hơn Mỹ.

Dù “tàu chiến Mỹ thường có xu hướng hiện đại và có trọng tải lớn hơn … tốc độ đóng tàu chiến tương đối nhanh chóng của Trung Quốc giúp họ phục hồi tổn thất sau các trận chiến nhanh hơn Mỹ,” ông Kuo nói thêm.

Ngành đóng tàu khổng lồ của Trung Quốc sẽ đem lại lợi thế chiến lược trong các cuộc chiến kéo dài hơn vài tuần, theo bài viết ngày 5/6 trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Trong khi đó, Mỹ “vẫn đang đối mặt với tình trạng tồn đọng lớn trong việc bảo trì tàu chiến và có thể sẽ không kịp đóng nhiều tàu mới hoặc sửa chữa các tàu chiến bị hư hại khi xảy ra xung đột giữa các cường quốc”.

Theo CSIS, hiện Trung Quốc sở hữu 234 tàu chiến, so với 219 tàu của Hải quân Mỹ.

Liên quan tới ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên Biển Đông, một bài viết ngày 16/1 trên trang web Foreign Affair của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) nhận định rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận ra rằng việc duy trì sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở nên không bền vững về mặt chính trị và thực tiễn.

Do đó, chính quyền ông Biden đã tìm cách xây dựng một liên minh và đồng minh trong khu vực, như Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc.

CSIS nhận định rằng những đồng minh này có thể giúp Mỹ đối trọng với lợi thế số lượng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo CSIS, việc phối hợp hiệu quả giữa lực lượng của Mỹ và các nước đồng minh không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ cũng không thể chắc chắn kiểm soát được việc các quốc gia này có chiến đấu cùng với Hoa Kỳ hay không.

Do đó, giải pháp cho Mỹ phụ thuộc vào việc vừa củng cố quan hệ đối tác vừa xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh hơn.

Theo bài viết trên Foreign Affair, Mỹ đang gặp những khó khăn trong việc duy trì sức mạnh quân sự vượt trội với Trung Quốc tại Biển Đông, với những thành tựu hạn chế của chính quyền ông Biden.

“Dù đạt được những thành tựu nhất định, tiến trình xây dựng liên minh của ông Biden [ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương] vẫn còn chậm.

“Mỹ vẫn còn thiếu sự tiếp cận quân sự ở các khu vực quan trọng của châu Á, thiếu mạng lưới an ninh mạnh mẽ và không có đủ đồng minh và đối tác có vũ trang mạnh mẽ để duy trì vị thế bá quyền.

“Tệ hơn nữa, [Mỹ] không có giải pháp rõ ràng để giải quyết những nhược điểm này,” bài viết nêu.

Mỹ tập trận chung ở Biển Đông

Bốn tàu tham gia tập trận chung tại Biển Đông trong hai ngày 17-18/6, lần lượt là tàu của Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Canada
Chụp lại hình ảnh,Bốn tàu chiến tham gia tập trận chung tại Biển Đông trong hai ngày 17-18/6, lần lượt là tàu của Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Canada

Ngày 17/6, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu một cuộc tập trận chung kéo dài hai ngày tại vùng đặc quyền kinh tế trên của Philippines trên Biển Đông, theo tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ.

Cuộc tập trận này có mục đích “duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không, [đồng thời] tái khẳng định cam kết của bốn quốc gia trong việc củng cố an ninh và ổn định khu vực”.

Cuộc tập trận có sự tham gia của bốn tàu chiến, bao gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Mỹ, tàu hộ vệ HMCS Montreal của Canada, tàu khu trục JS Kirisame của Nhật và tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio của Philippines.

Bốn tàu này sẽ tham gia vào các hoạt động định hướng trên biển để đánh giá và thẩm định khả năng tác chiến của các quốc gia tham dự trên các phương diện như học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình quân sự.

Trước đó vào cuối tháng 4/2024, Mỹ và Philippines đã có cuộc tập chung thường niên kéo dài hơn 2 tuần.

Đầu tháng Tư, Philippines đã tiến hành hoạt động hàng hải chung với Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.

Xung đột giữa Philippines và Trung Quốc

Va chạm giữa tàu Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) vào đầu tháng 3/2024
Chụp lại hình ảnh,Va chạm giữa tàu Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) vào đầu tháng 3/2024

Philippines đang tăng cường hợp tác với các quốc gia ủng hộ tuyên bố chủ quyền của nước nànày ở Biển Đông để đối phó với điều mà Manila coi là hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc – nước tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Thứ Hai 17/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của nước này sẽ chống trả “những hành vi nguy hiểm và thiếu thận trọng” của Trung Quốc ở vùng lãnh thổ mà Manila tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, theo Reuters.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tuyên bố:

“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện nghĩa vụ tuyên thệ của mình là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và các quyền chủ quyền của mình.”

Các hành động của Trung Quốc “là những chướng ngại thực sự cản trở hòa bình và ổn định ở Biển Đông,” ông Teodoro nói thêm.

Cũng vào hôm 17/6, Hải cảnh Trung Quốc thông báo một tàu tiếp tế của Philippines đã va chạm với một tàu Trung Quốc ở khu vực gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Bắc Kinh cáo buộc tàu của Philippines đã “phớt lờ những cảnh báo nghiêm trọng nhiều lần của Trung Quốc… và cố tình tiếp cận tàu Trung Quốc một cách thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến vụ va chạm” và tuyên bố “Philippines hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này”.

Manila đã bác bỏ cáo buộc nói trên, gọi chúng là “dối trá và gây hiểu lầm”.

Mỹ đã lên tiếng đứng về phía Philippines.

Đại sứ Mỹ tại Philippines, MaryKay Carlson, lên án các hoạt động “hung hăng, nguy hiểm” của Trung Quốc trên X (Twitter), cho biết vụ va chạm đã “gây thương tích về người”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án những hành động mà họ gọi là “leo thang và vô trách nhiệm” của Trung Quốc.

Washington cũng tái khẳng định rằng hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.

Theo một khảo sát của Octa Research, một công ty khảo sát và nghiên cứu ở Philippines, 73% người Philippines được hỏi ủng hộ việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông bằng các hành động quân sự, bao gồm mở rộng quy mô tuần tra và tăng cường hiện diện của quân đội trên biển.

Bên cạnh đó, có 68% người được hỏi cho rằng Philippines cần hiện đại hóa và tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.200 công dân Philippines vào tháng 3 và được công bố hôm 7/6.

‘Trung Quốc âm mưu chia rẽ, Việt Nam và Philippines nên đoàn kết’

Ngày 30/1/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) tới Việt Nam và có cuộc gặp với ông Võ Văn Thưởng, khi đó vẫn là chủ tịch nước.
Chụp lại hình ảnh,Ngày 30/1/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) tới Việt Nam và có cuộc gặp với ông Võ Văn Thưởng, khi đó vẫn là chủ tịch nước.

Cả Philippines và Việt Nam đều có tranh chấp gay gắt với Bắc Kinh liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Vào tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong năm, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã đến Việt Nam và ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải.

Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa.

“Cho dù tồn tại những khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống chính trị, hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác,” Inquirer trích lời bà Forman.

Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách “chia để trị” của Trung Quốc.

“Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép,” ông Vuving nói.

Vào tháng 1/2024, Giáo sư Vuving từng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:

“Theo tôi nhận định thì cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là không có chiến tranh ở Biển Đông. Vì 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam với Trung Quốc hay Philippines với Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.”

“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”

“Và trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh (cảnh sát biển), rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.”

Động thái gần đây của Trung Quốc

Chụp lại video,Phóng viên BBC chứng kiến tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines

Hôm 30/4, phóng viên BBC đã có mặt trên con tàu BRP Bagacay của Tuần duyên Philippines khi tàu này bị các tàu của Trung Quốc áp sát.

Trong lúc tàu BRP Bagacay đang tiến về bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nhỏ cách bờ biển Philippines 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, thì bị đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công.

Một con tàu khác trong đoàn tàu chở hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines cũng bị hư hỏng nặng sau khi hứng chịu 10 trận phun nước trực tiếp từ vòi rồng.

Những cuộc chạm trán này đã trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ủy quyền cho lực lượng tuần duyên thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.

Ngày 7/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần tra trên biển và trên không tại Biển Đông, cùng ngày mà Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc diễn tập “hoạt động phối hợp trên biển” cũng tại khu vực này.

Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại tỉnh Quảng Tây vào hôm 4/4.

Tại đây, ông Vương Nghị đã kêu gọi phía Việt Nam quản lý đúng đắn những khác biệt, thúc đẩy hợp tác hàng hải và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để giải quyết xung đột.

Đồng thời ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp rằng Việt Nam phải cảnh giác để không tham gia vào các “bè phái” nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Lời ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines vừa có thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, cũng như có “giao thiệp” và hợp tác với các cường quốc khác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã triển khai hàng trăm tàu cảnh sát biển trên khắp Biển Đông để tuần tra những nơi họ tuyên bố chủ quyền, bất chấp Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã khẳng định rõ ràng rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment