Cánh hữu và cực hữu tại Pháp, một câu chuyện dài hơn 40 năm, “bắt tay” hay “quay lưng” nhau

Trong cuộc bầu cử lập pháp được ấn định vào ngày 30/06 và 07/07, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), không chỉ được dự báo về đầu, mà còn có khả năng liên minh với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và tạo ra cơn khủng hoảng chưa từng có tại đảng được cho là di sản của tướng De Gaulle. Lịch sử của hai đảng từ 40 năm qua cho thấy một mối quan hệ phức tạp giữa cánh hữu và cực hữu Pháp.

Đăng ngày: 18/06/2024

French conservative party Les Republicains (LR) President Eric Ciotti (L) looks at French far-right Rassemblement National (RN) party President Jordan Bardella (R) speaking during a debate as part of
Chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa Eric Ciotti (T) và chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc Jordan Bardella, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình Pháp, ngày 02/02/2023. AFP – EMMANUEL DUNAND

Chi Phương

Cuộc khủng hoảng trong đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains – LR) của Pháp được ví như một vở kịch « đáng thất vọng », khi chủ tịch đảng này Eric Ciotti thông báo liên minh với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national – RN). Một ngày sau đó, ban lãnh đạo đảng này đã họp, coi việc liên minh với cực hữu là quyết định cá nhân của ông Ciotti, là “phản bội” lại những giá trị của đảng và thông báo bãi miễn chức vụ chủ tịch đảng  của ông Ciotti và khai trừ khỏi đảng vị nghị sĩ vùng Alpes-Maritimes.

Ông Ciotti không chấp nhận quyết định này và đã nhờ đến tư pháp can thiệp. Tòa án Pháp ra lệnh “tạm hoãn” việc bãi miễn chức chủ tịch của đảng và ông Ciotti tiếp tục chiến dịch tranh cử.

Các ứng viên của đảng LR bị chia làm hai phe : một bên theo ông Ciotti liên minh với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, bên kia thì chống ông Ciotti giữ nguyên đường lối của đảng cánh hữu – từ chối bắt tay với cực hữu. Ông Ciotti hôm Chủ Nhật vừa qua, đã khẳng định đã có hơn 60 ứng viên theo ông. 

Qua cuộc khủng hoảng nội bộ đảng Những Người Cộng Hoà, Le Monde nhắc lại mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa đảng cánh hữu và đảng Tập Hợp Dân Tộc, tiền thân là đảng Mặt Trận Dân Tộc (Front National – FN). Có thời điểm, những thành viên đảng này, gia nhập đảng bên kia, đôi khi xích lại gần nhau, lập liên minh, nhưng rồi lại phá vỡ. Một điều mà Le Monde coi là trớ trêu khi đảng Mặt Trận Dân Tộc (FN tiền thân của RN) do Jean-Marie Le Pen sáng lập, được truyền thông lần đầu chú ý đến là do một thoả thuận được ký với đảng Tập Hợp vì Nền Cộng Hòa – Rassemblement pour la République-RPR, tiền thân của đảng LR. 

Chiến thắng đầu tiên của đảng cực hữu nhờ vào liên minh với cánh hữu

Vào năm 1983, trong cuộc cuộc bầu cử địa phương ở Dreux, nhóm cực hữu FN chỉ là một chính đảng nhỏ, nhờ vào việc liên minh với đảng cánh hữu RPR và đã giành được chiến thắng tại vùng Centre-Val de Loire.

Ứng viên của đảng FN, Jean-Pierre Stirbois, trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là với luận điệu nhập cư là nguồn căn của tình trạng bất an. Dreux, một địa phương nhỏ ở Centre-Val de Loire, với 20 % là người nhập cư, xuất hiện trên khắp các mặt báo quốc gia. Vụ liên minh đầu tiên trong một cuộc bầu cử, dẫn đến chiến thắng đầu tiên của phe cựu hữu, được những những người ủng hộ đảng FN này gọi là « cú sấm Dreux ».

Trang web của Viện Tư Liệu Nghe Nhìn Quốc Gia – INA, nhắc lại những bất bình trong một phận chính trị, phản đối liên minh này. Lúc đó, thủ tướng Pierre Mauroy, thuộc đảng Xã Hội, cho rằng « đây là một phép thử chính trị về thái độ của cánh hữu. Đầu tiên, sự trỗi dậy từ những người mà tôi gọi là kẻ ngoài lề của nền Cộng Hòa, phe cực hữu, và một liên minh có chủ ý mà cánh hữu về cơ bản không cần ». Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa vẫn tiếp diễn gần hai tuần sau cuộc bầu cử. 

Lúc đó, trong bầu không khí Chiến Tranh Lạnh, chống Cộng Sản, dù một số chính khách cánh hữu cũng bày tỏ bất bình về liên minh với cực hữu, nhưng chủ tịch đảng RPR lúc bấy giờ là Jacques Chirac không hề phản đối. Jacques Chirac, đã tuyên bố : « Đối với tôi, hiện tại việc ủng hộ một liên minh bao gồm những người theo phe Cộng Sản còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc ủng hộ một liên minh ở cấp địa phương có thành viên của đảng Mặt Trận Dân Tộc ».

Vào những năm 1980-1990, nhiều lãnh đạo của các đảng cách hữu và cánh trung của Pháp cũng đã bị đảng cực hữu FN thu hút, vì tin rằng họ vẫn quá rụt rè trong các biện pháp chống nhập cư. Chẳng hạn như trường hợp của Jean-Yves Le Gallou, từng là thành viên của Liên minh vì dân chủ Pháp (UDF), đã gia nhập đảng FN vào năm 1985.

Trong giai đoạn này, dù các lãnh đạo đảng cánh hữu và cực hữu xích lại gần nhau, nhưng các liên minh chỉ được thiết lập ở cấp địa phương. Ví dụ, ở vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur (PACA), đảng RPR và UDF liên minh với Mặt Trận Quốc Gia và cùng lãnh đạo khu vực này từ 1986 đến 1992.

Tuy nhiên, báo Le Monde cũng chỉ ra hai sự kiện chấm dứt liên minh của hai bên. Đầu tiên, vào năm 1987, Jean-Marie Le Pen tuyên bố những phòng hơi ngạt của Phát xít Đức chỉ là một tiểu tiết trong lịch sử Đệ Nhị Thế Chiến. Tiếp theo, vào năm 1990, nghĩa trang của người Do Thái ở Carpentras đã bị đập phá và trách nhiệm bị quy cho các thành viên của đảng FN đầu tiên (dù sau đó thủ phạm được tìm ra là nhóm tân phát xít Đầu Trọc – Skinhead).

Ngay lập tức đảng cực hữu đã bị loại khỏi bàn cờ chính trị. Các dân biểu còn kêu gọi bầu cho phe đối lập là cánh tả, chấp nhận chịu thiệt, để chống lại đảng cực hữu của Jean-Marie Le Pen. Giai đoạn này đã đóng băng liên minh cánh hữu và cực hữu trong một thời gian dài. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2002, Jacques Chirac đã từ chối tranh luận với Jean-Marie Le Pen ở vòng hai. Trang JDD nhận xét rằng ông Chirac, đã thể hiện rõ ý định đặt đảng Mặt Trận Dân Tộc ra ngoài lề chính trường dân chủ. « Khi phải đối mặt với một đảng chứa chất hận thù, không khoan dung, thì sẽ không thể giao dịch, không thỏa hiệp và không thể tranh luận ». 

Cực hữu không theo tả cũng không phải hữu

Về phía đảng Mặt Trận Dân Tộc, dưới thời Jean-Marie Le Pen và sau đó do Marine Le Pen lãnh đạo từ năm 2011, đường lối của đảng đã được nêu rõ là không theo cánh tả cũng không phải cánh hữu, nhưng như vậy, đảng này lại không được ủng hộ nhiều trong cuộc bầu cử lập pháp.

Thế nhưng, trong vòng 15 năm qua, Đảng Mặt Trận Dân Tộc, được đổi tên thành Tập Hợp Dân Tộc vào năm 2018, đã thành công đảo ngược cán cân quyền lực trong các cuộc bầu cử và hiện chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Phó chủ tịch đảng RN, Louis Aliot, được Le Monde trích dẫn, cho rằng « điều thay đổi diện mạo của đảng RN, khiến đảng này trở nên dễ tiếp cận hơn là vì không còn bị cáo buộc bài Do Thái nữa ».

Le Monde kết luận rằng việc ký kết thỏa thuận với ông Eric Ciotti có thể cho phép phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, lần đầu tiên trong lịch sử đảng này, giành được đa số tại Quốc Hội và tiến tới chiếc ghế lãnh đạo quyền lực.

Cánh hữu xích lại gần tư tưởng cực hữu

Không chỉ tại Pháp mà tại châu Âu, các đảng cực hữu dần chiếm được vị thế lớn tại nhiều nước. Theo nhà chính trị học Cas Mudde, (tác giả cuốn The Far Right Today, Polity, 2019), cánh hữu ở châu Âu đang dần bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của cực hữu, chẳng hạn như coi nhập cư là một rủi ro về an ninh, trong khi trước kia, họ ca ngợi nguồn lực từ nhập cư đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đảng Những Người Cộng Hòa của Pháp ngày càng chia sẻ quan điểm tương tự như đảng cực hữu khi nói đến Hồi giáo, an ninh, hoặc bản sắc dân tộc.

Ông Cas Mudde đề cập đến sự kết hợp, « chung sống » giữa đảng cánh hữu và cực hữu, không chỉ xảy ra ở Pháp, mà còn ở nhiều nước khác, như Israel, Hoa Kỳ, Áo… « Sự gần gũi giữa cánh hữu và cực hữu được thể hiện ở cấp độ thể chế qua số lượng của các liên minh chính phủ với các biện pháp cực đoan nhất ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment