12–15 minutes
Những đứa con bất hạnh trong Chiến tranh Việt Nam
- Tác giả, Issariya Praithongyaem
- Vai trò, BBC World Service
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng các căn cứ không quân ở Thái Lan để ném bom miền Bắc Việt Nam. Thời kỳ ấy, hàng ngàn lính Mỹ đã đóng quân tại Thái Lan và nhiều người có con với phụ nữ địa phương. Nhưng hầu hết quân nhân Mỹ đều rời đi sau cuộc chiến. 50 năm sau, những đứa con từng bị bỏ rơi đang được đoàn tụ với cha mẹ ruột nhờ xét nghiệm ADN.
Jenny Stüber chào đời vào năm 1970 ở đâu đó gần Căn cứ Không quân U-Tapao, cách Bangkok 140 km về phía đông nam, có mẹ lúc bấy giờ là một phụ nữ trẻ người Thái.
“Mẹ tôi không thể nuôi tôi. Tôi được trao cho người bạn thân nhất của bà ấy, nhưng người bạn đó cũng không thể nuôi được tôi,” Jenny kể.
Vì vậy, Jenny đã được giao cho Pearl S. Buck Foundation, một tổ chức quốc tế hỗ trợ và tư vấn cho những “đứa trẻ chiến tranh” ra đời không mong muốn.
Không ai biết cha của Jenny là ai. Thông tin duy nhất họ có được là ông là một người lính Mỹ hoạt động tại U-Tapao, một trong tám căn cứ không quân của Mỹ được xây dựng ở Thái Lan trong Chiến tranh Việt Nam và là căn cứ chính cho máy bay ném bom B-52 của Mỹ.
Từ 1965-1973, hàng trăm ngàn lính Mỹ được điều tới khu vực này mỗi năm để chiến đấu với quân đội cộng sản ở miền Bắc Việt Nam.
Hồ sơ từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ cho thấy tổng cộng 3,4 triệu lượt lính Mỹ đã được triển khai tới Đông Nam Á trong suốt cuộc chiến.
Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi những lo ngại trong Chiến tranh Lạnh về sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là theo “thuyết domino” – nỗi lo sợ rằng nếu một quốc gia châu Á rơi vào hệ tư tưởng cánh tả thì các quốc gia khác sẽ nhanh chóng làm theo.
Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, có khoảng 50.000 quân Mỹ đồn trú ở Thái Lan. Và hàng ngàn binh sĩ hay GI (từ viết tắt dùng để chỉ lính, đặc biệt là lính lục quân) trong thời gian R&R (Rest and Recreation – An dưỡng và Giải trí) từ Việt Nam cũng thường xuyên ra vào Thái Lan.
Các quán bar, hộp đêm, nhà thổ và các địa điểm giải trí mọc lên ở các khu đèn đỏ được xây dựng xung quanh các căn cứ không quân của Mỹ. Nhiều binh sĩ có những cuộc gặp gỡ tình cờ hoặc những mối quan hệ ngắn hạn với phụ nữ địa phương.
Jenny được sinh ra từ một mối quan hệ như vậy.
Khi được ba tuần tuổi, Jenny được một cặp vợ chồng người Thụy Sĩ lúc đó đang làm việc ở Thái Lan nhận nuôi. Lớn lên cùng với các anh chị em người Thụy Sĩ trong gia đình, Jenny không cảm thấy mình khác biệt với họ.
Cho đến một ngày…
“Tại một cửa tiệm bách hóa ở Bangkok, một người phụ nữ hỏi tôi mẹ tôi ở đâu. Tôi chỉ vào mẹ tôi, người phụ nữ tóc vàng đang đứng cạnh quầy tính tiền. Người phụ nữ hỏi tôi trông có vẻ bối rối,” bà nhớ lại.
Qua những câu chuyện kể trước giờ đi ngủ, Jenny biết được mình đã được nhận nuôi.
Gia đình chuyển đến Thụy Sĩ khi Jenny 14 tuổi và cô gái trẻ khi đó hứa một ngày nào đó sẽ quay lại Thái Lan để tìm cha mẹ ruột.
Năm 2022, nhờ các xét nghiệm DNA có thể dễ dàng tiếp cận, bà đã có thể tìm thấy cha mình ở Mỹ.
Nhưng hành trình của bà còn lâu mới kết thúc: Jenny, hiện 53 tuổi, vẫn đang tìm kiếm người mẹ Thái Lan của mình.
“Tôi tự nhủ rằng có lẽ tôi sẽ không bao giờ tìm thấy mẹ mình và sẽ không bao giờ có một kết thúc có hậu cho câu chuyện của tôi,” Jenny nói trong nước mắt.
Chiến tranh và du lịch tình dục
Cái giá phải trả và thương vong của cuộc chiến kéo dài là quá sức chịu đựng của Mỹ. Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1973 và hai năm sau, miền Nam không cộng sản rơi vào tay miền Bắc cộng sản.
Sự hiện diện của Mỹ đã thay đổi đáng kể nhận thức quốc tế về Thái Lan và dẫn đến sự gia tăng đột biến về du lịch. Từ chỗ chỉ có 200.000 lượt du khách quốc tế và nội địa vào năm 1960, đất nước này đã thu hút 800.000 lượt du khách vào năm 1970 và đón 5 triệu lượt khách chỉ một thập niên sau đó.
50 năm sau Chiến tranh Việt Nam, Thái Lan vẫn là điểm đến du lịch hàng đầu toàn cầu – đồng thời là trung tâm du lịch tình dục, một phần là di sản của thời kỳ chiến tranh.
Lên truyền hình
Chỉ vài năm trước khi Jenny Stüber chào đời, Morris K Ple Roberts, được sinh ra từ mối quan hệ của người mẹ Thái Lan với một người lính Mỹ, cũng được cho làm con nuôi. Mẹ ông đã giao ông cho Pearl S. Buck, cùng tổ chức đã giúp gia đình Thụy Sĩ nhận nuôi bà Jenny.
Tổ chức này ước tính rằng đến năm 1968 đã có “hơn 2.000” con lai Thái – Mỹ có cha ruột là quân nhân Mỹ được triển khai ở Thái Lan trong chiến tranh.
Thậm chí, một thuật ngữ đã ra đời – “Amerasian” – được dùng để chỉ những người sinh ra ở Đông Á hoặc Đông Nam Á, có mẹ là người địa phương và cha là quân nhân Mỹ.
Tổ chức này nói với BBC rằng chỉ có 5% số người cha quay trở lại Mỹ sau chiến tranh hỗ trợ tài chính cho con cái họ ở Thái Lan – và trong số những người làm như thế, phần lớn đã ngừng gửi tiền chỉ sau một năm.
Morris được một gia đình giàu có người Thái chăm sóc. Ngày nay, ông là một diễn viên và người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Nhưng ông nói về thời thơ ấu của mình như một khoảng thời gian bị bỏ rơi.
Morris nói rằng ông đã được nuôi “như một người hầu”, phải làm việc để đổi lấy thức ăn.
“Ở nhà, tôi bị đánh, đá, chửi bới; ở trường, tôi đánh nhau với những đứa trẻ khác. Làn da đen khiến tôi bị coi là bẩn thỉu… một người không đạt tiêu chuẩn đối với họ,” ông kể.
Ông đã bỏ đi nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn quay trở lại. Ở tuổi 17, Morris cuối cùng đã rời khỏi ngôi nhà đó và đến gặp tổ chức Pearl S. Buck Foundation ở Pattaya.
Với sự hỗ trợ của họ, ông đã có thể hoàn thành chương trình học nghề. Sau đó, ông lấn sân sang lĩnh vực giải trí của Thái Lan và bắt đầu dẫn chương trình truyền hình với nghệ danh Morris K.
Trong các chương trình của mình, Morris đã kêu gọi bất kỳ ai có thông tin về mẹ ông hãy báo lại.
Năm 1995, khi Morris 34 tuổi, mẹ ông xuất hiện trước căn hộ của ông.
“Chúng tôi không lao vào vòng tay trao nhau cái ôm, mặc dù tôi muốn ôm bà ấy. Nhu cầu về tình mẹ biến thành sự giận dữ. Tôi muốn biết tại sao bà ấy lại bỏ rơi tôi.”
Mẹ Morris nói với ông rằng việc bế một đứa trẻ da đen không có cha là một điều tai tiếng đối với một phụ nữ Thái Lan. “Không có tôi, bà ấy có thể tái hôn và có một gia đình đàng hoàng,” Morris được kể lại.
Ông phát hiện ra cha mình là một người lính Mỹ làm công việc xây dựng gần tỉnh Chachoengsao, phía đông Bangkok, nơi ông gặp được mẹ.
Họ hẹn hò một thời gian ngắn nhưng sau đó cha ông rời khỏi Thái Lan mà không nói cho bà biết.
“Mẹ tôi không thể nhớ tên cha tôi. Bà đã đốt hết ảnh và mọi thứ khác. Mẹ tôi muốn quên đi mọi thứ về ông ấy, mọi người từng nghĩ bà là gái mại dâm ”.
Cùng với những đứa con không mong muốn này, nạn mại dâm tràn lan ở Thái Lan cũng phản ánh những năm tháng đó.
Yanos Zylberberg, giáo sư tại Đại học Bristol, cho biết việc các khu đèn đỏ phát triển gần các căn cứ không quân của Mỹ là hệ quả của sự hiện diện quân sự ở nước này trong Chiến tranh Việt Nam.
“Thái Lan là một ví dụ rõ ràng về sự phát triển của ngành công nghiệp tình dục. Lính Mỹ sang chiến đấu ở Việt Nam nhưng lại dành thời gian ngoài nhiệm vụ để nghỉ dưỡng ở Thái Lan. Khi chiến tranh kết thúc, du khách thay thế binh lính,” giáo sư Zylberberg nói.
Cho đến nay, các khu đèn đỏ vẫn nằm ở nơi lính Mỹ từng đóng quân – mặc dù các đồn quân sự đã đóng cửa từ nhiều thập niên trước.
‘Những người vợ thuê’
Patcharin Lapanun, tác giả cuốn sách Love, Money, and Obligation: Transnational Marriage in a North-eastern Thai Village (Tình yêu, tiền bạc và nghĩa vụ: Hôn nhân xuyên quốc gia ở một ngôi làng đông bắc Thái Lan), giải thích rằng phụ nữ Thái Lan và quân nhân Mỹ có mối quan hệ phức tạp.
Tác giả cho biết, trong một số trường hợp, “họ sống với nhau như vợ chồng được vài tháng, nhưng mối quan hệ của họ vẫn kéo dài cho đến khi những người lính được đưa ra tiền tuyến hoặc trở về Mỹ”.
Một số người trong xã hội Thái Lan coi những người phụ nữ này là “vợ thuê”.
Mẹ của Morris đã qua đời một thập niên sau lần đầu họ gặp nhau, và người dẫn chương trình Thái Lan nghĩ rằng đó sẽ là dấu chấm hết cho hành trình gặp cha ruột của ông.
Nhưng nhiều năm sau, ông quyết định thực hiện xét nghiệm ADN với một công ty Mỹ cung cấp dịch vụ tìm người thân.
Kết quả được đưa ra và cuối cùng Morris đã xác định được một người chị họ, vì vậy ông đã liên hệ với người này để hỏi xem có ai trong gia đình bà đã đến Thái Lan từ năm 1964 đến năm 1966 hay không.
Có người đã từng đến đó – một cựu quân nhân tên là Isaiah Roberts.
Vào năm 2019, người chị họ đã giúp sắp xếp cuộc gọi video đầu tiên giữa Morris và ông Isaiah, người có ba người con đã trưởng thành khác.
Vào năm 2022, và sau nhiều lần trì hoãn do đại dịch Covid, Morris đã bay đến Alabama để gặp người cha 85 tuổi của mình lần đầu tiên.
Xét nghiệm DNA cho thấy họ có tỷ lệ gien giống nhau đến 99,6%.
“Cha tôi nói rằng chúng tôi không cần xét nghiệm DNA nữa, DNA của ông ấy thể hiện trên mặt tôi rồi,” Morris nói.
“Tôi biết Morris có thể là con của tôi vì tôi có quan hệ với mẹ cậu ấy. Tôi sẽ không từ chối Morris. Tôi nhận con và chịu trách nhiệm,” ông Isaiah nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
Đầu năm nay, Morris rời bỏ sự nghiệp truyền hình ở Thái Lan và chuyển đến Mỹ sống cùng cha. Ông chia sẻ video về cuộc sống mới của mình trên mạng.
Thậm chí không một cái tên
Jenny Stüber xem video Morris ôm cha và mắt bà rưng rưng.
Bà cũng tìm thấy cha mình thông qua xét nghiệm ADN vào năm 2022 – nhưng họ vẫn chưa gặp nhau.
Năm nay 78 tuổi, ông đang thụ án trong một nhà tù ở Mỹ. Họ đã trao đổi thư từ và hình ảnh và ông tin rằng Jenny thực sự là con gái mình.
“Vì vậy tôi đã hỏi ông mẹ tôi là ai. Ông nói không biết tên đầy đủ của bà,” Jenny nói.
“Cánh cửa có thể dẫn tôi đến với mẹ đã đóng sầm lại.”
Trong những bức thư của mình, cha Jenny kể lại rằng mẹ cô từng làm việc tại một quầy bán đồ ăn bên ngoài Căn cứ Không quân U-Tapao. Họ gặp nhau khoảng 10 tháng trong thời gian ông đóng quân ở Thái Lan.
“Sau đó, cha tôi được cho về Mỹ vào năm 1970. Quân đội muốn điều em trai ông sang Sài Gòn, và có quy định là binh sĩ cùng một gia đình không được điều động cùng một lúc.”
Ông không bao giờ phát hiện ra rằng người phụ nữ Thái Lan ở quán ăn đang mang thai.
“Ông nói với tôi rằng ông chưa bao giờ biết tên đầy đủ của mẹ tôi, và ông rất lấy làm tiếc vì chưa bao giờ hỏi,” Jenny nói về cha mình, người sau này đã kết hôn rồi ly hôn và có hai người con trưởng thành.
Jenny đã quay lại Thái Lan vài lần và thăm khu vực từng có các quán ăn. Bà đã liên lạc với chính quyền địa phương ở những khu vực lân cận nơi bà tin rằng mẹ mình có thể đã sống và làm việc tại đó nhưng không tìm thấy manh mối nào.
“Tôi đã cố hình dung ra bà ấy. Cha tôi nói với tôi: ‘Jenny, hãy nhìn mình trong gương, mỉm cười và con sẽ nhìn thấy bà ấy’.”
Hiện tại, Jenny đang hy vọng cha ruột của bà sẽ được ân xá và sớm ra tù. Bà rất muốn trò chuyện qua video với ông.
“Hy vọng là năm sau, có thể muộn hơn. Nhưng ai biết được, có thể là không bao giờ,” bà nói.