Cơ quan an ninh nội địa Đức nói rằng Nga ngày càng chuyển hướng dùng biện pháp đe dọa và đổ tiền để thuê người Đức làm gián điệp sau khi châu Âu trục xuất khoảng 600 nhà ngoại giao Nga, theo Reuters.
Cục Liên bang Bảo vệ Hiến pháp (BfV) cho biết các cơ quan tình báo Nga đang chi mạnh tay để chiêu dụ gián điệp ở Đức, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế hoạt động của Nga kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine.
BfV là cơ quan an ninh và tình báo nội địa của Đức.
Cục trưởng BfV Thomas Haldenwang phát biểu trong cuộc họp báo công bố báo cáo thường niên của cơ quan này: “Nga đang cật lực bù đắp việc chính phủ Đức cắt giảm số lượng gián điệp Nga tại Đức.”
Hai công dân Đức bị buộc tội phản quốc vào tháng 8 năm ngoái vì làm gián điệp cho Nga, mỗi người được trả khoảng 400.000 euro (khoảng 11 tỷ đồng), theo BfV.
Báo cáo chỉ ra rằng: “Thù lao làm gián điệp cho thấy các cơ quan của Nga vẫn tiếp tục có nguồn tiền khổng lồ để theo đuổi các mục tiêu tình báo của họ.”
Đặc biệt, đối tượng có nguy cơ bị các cơ quan an ninh Nga nhắm tới là những người Đức sống tại Nga hoặc thường xuyên tới Nga, bao gồm cả các nhà ngoại giao Đức. Đây được cho là những đối tượng dễ trở nên yếu thế trước những đòn đe dọa.
Họ nói thêm: “Ngay sau khi có được thông tin gây tổn hại đến mục tiêu, các dịch vụ này sẽ không ngần ngại sử dụng các kỹ thuật tuyển dụng cực đoan.”
NATO trong tháng này đã tái khẳng định mối quan ngại về hoạt động gián điệp của Nga và kêu gọi triển khai các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với cái mà họ gọi là chiến dịch các hoạt động thù địch, bao gồm phá hoại và tấn công mạng.
Đức là một trong 32 quốc gia thành viên NATO.
Cực hữu
Việc Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 là một cú sốc, hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều người trong cơ quan an ninh của Đức sau nhiều năm Berlin đã cố gắng ràng buộc Moscow vào trật tự pháp lý quốc tế thông qua mạng lưới thương mại và đặc biệt là các liên kết năng lượng.
Sự ủng hộ ngày càng tăng gần đây đối với đảng cực hữu Sự Lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng BSW theo đường lối cánh tả chuyên chế cũng đã kích thích một xu hướng xét lại lớn.
Cả hai đảng này thường lặp lại các quan điểm của Kremlin về chiến tranh, bao gồm cả việc phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ.
Theo báo cáo của BfV, số phần tử cực hữu và cực tả đã tăng một lần nữa vào năm ngoái, lần lượt là 4,6% và 1,4% – lên đến con số 40.600 và 37.000, góp phần khiến tranh luận công khai chuyển từ hình thức tranh luận thực chứng sang “đối đầu quyết liệt”.
BfV cho biết Nga đã chứng tỏ khả năng ứng biến trong việc tìm cách gây ảnh hưởng đến các sự kiện ở Đức, ngay cả sau khi các kênh truyền thông của nước này bị cấm và 600 nhà ngoại giao của họ khắp châu Âu bị trục xuất.
Một số nỗ lực gây ảnh hưởng đó đã chuyển sang nền tảng truyền thông xã hội Telegram, một nền tảng rất khó kiểm soát, trong khi các điệp viên hiện đang gắn bó với các tổ chức quốc tế. Các sĩ quan Nga được giao nhiệm vụ phụ trách những người cung cấp thông tin giờ đây chuyển sang làm việc di động thay vì thường trú tại Đức.
Các nhóm cực hữu cũng là đối tượng sẵn lòng tiếp nhận các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga, bao gồm những người theo thuyết âm mưu Reichsbuerger (Công dân của Đế chế), một số người trong số họ hiện đang bị xét xử vì âm mưu đảo chính chống lại trật tự dân chủ Đức, những hoạt động mà họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga.
BfV cho biết, trong số các âm mưu mới đang hiện hữu trong các nhóm cực hữu, có niềm tin vô căn cứ rằng cuộc chiến ở Ukraine nhằm tạo ra một vùng đất vắng người ở phía đông của Ukraine để người dân Israel có thể đến để sinh sống. Họ cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, là người Do Thái, là một trong những kẻ chủ mưu.