Ngày 19/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công bố quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang.
Theo đó, nhà sư Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian hai năm.
Thông báo số 244/TB-HĐTS-VP2 do Thượng tọa Thích Phước Nguyên – phó tổng thư ký Hội đồng trị sự, chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – thay mặt Ban thường trực Hội đồng trị sự ấn ký.
Theo thông báo, Giáo hội Phật giáo đã nhận được nhiều phản ánh từ Phật tử, nhân dân, báo chí… về việc những bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang gây hoang mang trong xã hội, phản ứng của cộng đồng làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội.
Nhà sư Thích Chân Quang nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều phát ngôn gây “sóng gió” về nhân quả, các lời kêu gọi cúng dường, cũng như các phát ngôn chỉ trích các nhà sư khác.
Trên các nền tảng như YouTube, Facebook và TikTok, không khó để có tìm được video có các phát ngôn gây tranh cãi của ông.
Một số câu nói gây ra nhiều tranh cãi của nhà sư Thích Chân Quang có thể kể tới như:
- “Phải tìm tiền mệnh giá cao và đưa cho thầy trụ trì. Ông thầy trụ trì mới làm được việc đạo.”
- “Tại sao ta lại được gương mặt đẹp như vậy? Bởi vì kiếp nào đó ta cũng tham dự lễ đúc tượng và ta cũng đã cúng dường.”
- “Người mà có tâm đạo cúng luôn cả cái nhà mình cho chùa luôn, dọn đi chỗ khác ở.”
- “Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm.”
Cách đây hai tháng, vào ngày 19/4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc với Thượng tọa Thích Chân Quang để kiểm điểm và chấn chỉnh phát ngôn.
Thông tin này sau đó được công bố vào ngày 17/5 trên báo Giác Ngộ – Cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, theo một bài viết ngày 7/6 trên báo Giác Ngộ, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã đề nghị thẩm tra các phát ngôn, việc làm và thuyết giảng của nhà sư Thích Chân Quang.
Nếu ông Thích Chân Quang có vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Cũng theo báo này, những phát ngôn của nhà sư Chân Quang trong các video trên mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo…
Không phải trường hợp cá biệt
Đại đức Thích Nhuận Đức:
Trước Thượng tọa Thích Chân Quang, vào ngày 6/6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản cấm sư Thích Nhuận Đức thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng một năm.
Theo giáo hội này, nhiều phát ngôn và thuyết giảng của nhà sư Nhuận Đức làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với Phật giáo và Giáo hội.
Một số phát ngôn gây tranh cãi của nhà sư Thích Nhuận Đức có thể kể tới như:
- “Có mấy bà niệm phật mỏi chân, mấy bà mặc quần ống rộng, lúc phóng sanh thả chim, con chim chui vô quần bà.”
- “Mấy cô niệm Phật riết, mấy cô đẹp quá, nên mấy cô ngồi trước mặt Nhuận Đức, tự nhiên nhìn thấy mấy cô chảy nước miếng.”
- “Khi cúng dường, không cúng thì thôi mà đã cúng thì cúng đồ ngon”, “thầy chùa chẳng lẽ không biết ăn ngon?”
Sau khi nhà sư này bị kỷ luật, trang Facebook mang tên “Thầy Thích Nhuận Đức” với hơn 130.000 lượt theo dõi và kênh YouTube “Thầy Thích Nhuận Đức – Bài giảng” gần 14.000 lượt đăng ký vẫn phát trực tiếp các bài thuyết giảng có sự xuất hiện của nhà sư Thích Nhuận Đức, theo báo Công Thương.
Sự việc này sau đó đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giải thích rằng các video nói trên đều là video cũ.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh:
Nhà sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, cũng có nhiều hoạt động và phát ngôn gây xôn xao dư luận và Giáo hội đã có biện pháp xử lý.
Gần đây, mạng xã hội lan truyền một video với nội dung ghi lại tại khóa tu mùa hè của chùa Ba Vàng (tại tỉnh Quảng Ninh).
Video quay cảnh một phụ nữ tên Phạm Thị Yến, một em học sinh tên K.L, nhà sư Thích Trúc Thái Minh ở trên sân khấu, bên dưới có nhiều trẻ em tham gia khóa tu đang ngồi xem.
Trong video, học sinh K.L đang khóc nức nở trong khi bà Yến kể lại một câu chuyện được cho là đã diễn ra từ 14 kiếp trước của học sinh này.
Theo câu chuyện, 14 kiếp trước học sinh K.L sống ở gần một ngôi chùa và muốn lấn chiếm đất của chùa. Sau đó là những diễn biến chi tiết về việc học sinh K.L đã làm 14 kiếp trước.
Sau đó, học sinh này đã được đưa tới trước mặt nhà sư Thích Trúc Thái Minh để sám hối.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh khi đó đã có đoạn nói như sau:
“Trong 14 kiếp trước, con cùng vong linh khởi những tâm bất thiện với Phật pháp tăng như: Muốn cướp đất chùa, chọc ghẹo chư tăng, làm cho ba vị tăng hoàn tục nên vong linh bị mắc quả báo, nhiều kiếp đau khổ, làm gái lầu xanh.
“Còn K.L nếu hôm nay không về chùa tu khóa tu này, không sám hối thì sẽ gặp quả báo, vất vả vô cùng trong đường tình duyên, phải lấy nhiều đời chồng và gặp những người chồng vũ phu”…
Theo bài viết ngày 18/6 trên báo Công Thương, câu chuyện kiếp trước của học sinh K.L nói trên là “câu chuyện hoang đường, nhảm nhí không thể có thật”. Tuy nhiên, qua lời kể từ bà Yến thêm vào đó là sự đồng tình của nhà sư Thích Trúc Thái Minh – một vị tu sĩ thường xuyên giảng giải phật pháp cho hàng ngàn Phật tử – thì câu chuyện đã khiến nhiều em nhỏ “vỗ tay” hoan hỷ tán dương và tin tưởng.
Hôm nay 19/6, đoàn liên ngành của chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, xác định đoạn video khóa tu mùa hè tại chùa Ba Vàng đang gây xôn xao dư luận này được quay từ giai đoạn năm 2018-2019, theo báo Tuổi Trẻ.
Theo báo Tuổi Trẻ, đoạn video nói trên được nhiều người chia sẻ và bình luận, đa phần không đồng tình với cách giải thích của nhà chùa, đánh giá đây là hoạt động mê tín dị đoan.
Cách đây vài ngày, nhà sư Thích Trúc Thái Minh cũng xuất hiện trong một video “phẩy tay, không phát quà cho trẻ em” được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc.
Theo VTC News, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng vị trụ trì chỉ phát lộc cho người lớn, những người cúng dường, còn không phát cho trẻ nhỏ. Sự việc sau đó khiến dư luận xôn xao, bức xúc.
Trả lời phóng viên VTC News, nhà sư Thích Trúc Thái Minh nói rằng đoạn clip đã bị “cắt đầu, cắt đuôi’, khiến người xem hiểu không đúng bản chất sự việc.
Theo nhà sư, thực ra ông chỉ đang hướng dẫn trẻ nhỏ sang đúng khu vực phát quà.
Tuy nhiên, trả lời VTC News, một chuyên gia cho rằng hành động phẩy tay với trẻ nhỏ như vậy, dù giải thích bằng bất cứ lý do gì thì cũng hết sức phản cảm và phần nào đó thể hiện sự vô tâm, vô tình, nhất là với một người tu hành.
Đầu năm 2024, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật cảnh cáo khi tổ chức trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật”. Chưa hết, ông còn bị UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khi tổ chức sự kiện này.
Sau vụ đó, trụ trì Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã được yêu cầu không tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh còn phải cam kết nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự, làm mất niềm tin của xã hội đối với Phật giáo, thì sẽ bị tẩn xuất, tước quyền trụ trì.
‘Thanh lọc’ Giáo hội
Giữa lúc những sự việc nói trên được cho là góp phần làm suy giảm niềm tin của người dân vào Phật giáo, sự xuất hiện của sư Thích Minh Tuệ đi khất thực trên đôi chân trần để tu hạnh đầu đà đã trở thành một hiện tượng xã hội.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 18/6, ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), nói:
“Cách ông Thích Minh Tuệ hành khổ hạnh, giữ 13 hạnh đầu đà đã lấy được lòng số đông quần chúng Phật tử.
Hình ảnh giản dị đó đã đối nghịch với những vị tu sĩ với chùa to, tượng lớn, thuyết pháp một đằng nhưng làm một nẻo trong những năm gần đây.”
Theo bài viết ngày 31/5 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), cách tu của sư Minh Tuệ là sự “quở trách sống động đối với một số tu sĩ Phật giáo tham nhũng, kém gương mẫu” ở Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát, hiện tượng sư Thích Minh Tuệ gióng lên hồi chuông cấp thiết thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định mục đích của mình là phụng sự lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, theo hiến chương của Giáo hội.
Theo đó, các tăng ni của giáo hội, đặc biệt là các bậc chức sắc, tích cực tham gia những nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó.
Công tác của họ không chỉ ở trong nước mà còn ở hải ngoại.
Tính tới thời điểm tháng 4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các hội Phật tử, trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Văn kiện Đại hội Phật giáo khóa 9 nêu rõ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, cụ thể là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng.
Để thực hiện việc này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định chức năng của mình là “tổ chức thông tin đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đấu tranh với các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch…”
Theo giáo pháp của Đức Phật, tu sĩ không được tham gia vào những việc như vậy, ông Bửu Nguyễn nhận định với BBC ngày 5/6.
“Tu sĩ không nên tham gia chính quyền hoặc trở thành thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay tham gia vào công tác từ thiện xã hội.
“Đã xuất gia rồi thì chỉ lo việc tu tập với mục đích là giải thoát,” ông nói.
Theo ông Bửu Nguyễn, việc thanh lọc hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là vô cùng bức thiết, đặc biệt là khi một loạt những lùm xùm gần đây liên quan đến lối sống, cách hành đạo, thuyết giảng của các tu sĩ chủ yếu là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Tôi cho rằng giai đoạn này, chính quyền, ví dụ Ban Tôn giáo Chính phủ hoặc là các vị lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên khuấy động phong trào làm trong sạch tổ chức”.
Ngược lại, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại cho rằng thanh lọc mấy cũng không ăn thua.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Ông nói với BBC ngày 5/6:
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam bản chất từ khi thành lập là một thành viên đứng trong sự tổ chức của chính quyền Việt Nam, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì cho dù bây giờ có thanh lọc nhân sự cách mấy đi chăng nữa, nếu người tu hành có hành đạo như thế nào, dù không ảnh hưởng xấu tới xã hội nhưng trái với ý của chính quyền, của Mặt trận thì người ta cũng sẽ đàn áp.”
“Chỉ khi nào Việt Nam có tự do tôn giáo thật sự, các tổ chức tôn giáo độc lập, có thể ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những giáo hội khác, những tổ chức những hệ phái khác tự do hành đạo, được chính quyền chấp nhận, không đàn áp, khi đó mới mong rằng Phật giáo tại Việt Nam có thể chấn hưng mà phát triển được.”
Đáng chú ý, một số tu sĩ nổi tiếng, được đông đảo Phật tử khắp nơi trên thế giới mến mộ, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Nguyên Chứng (tức Tuệ Sỹ), sinh thời đều đứng ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam và từng gặp nhiều rắc rối với chính quyền.