Hôm nay, 20/06/2024, nhiều nguyên thủ châu Phi, lãnh đạo WHO, và các tập đoàn dược phẩm hoạt động ở châu Phi, đã có mặt tại Paris, Pháp, để thúc đẩy việc sản xuất vac-xin ở châu Phi, hiện đang bị dịch tả hoành hành.
Đăng ngày: 20/06/2024
Khoản hỗ trợ hơn 1 tỷ đô la để thúc đẩy việc sản xuất vac-xin ở châu Phi, theo AFP, sẽ được thông báo tại Diễn đàn Toàn cầu về Đổi mới và Chủ quyền Vắc xin, do Pháp, Liên hiệp châu Phi và Liên minh vac-xin, đồng tổ chức.
Trong một thông cáo công bố, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định khoản hỗ trợ này không chỉ giúp châu Phi mà còn cho thế giới, vì « không ai được an toàn, nếu tất cả mọi người trên thế giới đều không an toàn ».
Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết, Diễn đàn sẽ khởi động « Cơ chế thúc đẩy sản xuất vac-xin tại châu Phi – African Vaccine Manufacturing Accelerator, AVMA, « góp phần vào mục tiêu sản xuất ngay tại châu Phi ít nhất 60 % số lượng vac-xin cần thiết cho lục địa này từ nay đến năm 2040 ».
Vấn đề bất bình đẳng trong việc tiếp cận vac-xin tại châu Phi đã được thấy rõ trong đại dịch Covid-19 cách nay 4 năm. Các biện pháp hỗ trợ này có thể giúp tăng cường sản xuất các loại vac-xin chống dịch tả, các chiến dịch phòng tránh virus Ebola, hay vac-xin chống sốt xuất huyết, khiến 500 000 ngàn trẻ em bỏ mạng mỗi năm mà chủ yếu là ở châu Phi, cũng như việc thúc đẩy việc tiêm chủng chống lại bệnh ung thư cổ tử cung cho hơn 120 triệu bé gái.
Ngoài việc hỗ trợ sản xuất vac-xin tại châu Phi, theo bà Marie-Ange Saraka-Yao, đại diện của Liên minh vac-xin, thì cũng cần phải thúc đẩy đào tạo nhân sự, củng cố khung pháp lý, « vì có vac-xin ngay tại châu lục là chưa đủ », mà cần phải phân có cơ chế phân phối hiệu quả.
Hiện nay, theo trang Jeune Afrique, tại thủ đô Dakar của Senegal, một đơn vị sản xuất của viện Pasteur đang hoàn thiện các công đoạn xây dựng cuối cùng. Công trình này, được tài trợ hơn 200 triệu euro, một phần đến từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD), khi đi vào hoạt động, sẽ cho phép sản xuất hơn 300 triệu vac-xin mỗi năm. Ngoài ra, vào tháng 12 năm ngoái, Kigali cũng đã khánh thành trung tâm sản xuất vac-xin đầu tiên ở châu Phi, thuộc tập đoàn dược BioNTech của Đức.