Sau lễ ký kết « hiệp ước quan hệ chiến lược » với Bắc Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin sang ngay Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày 19 và 20/06/2024. Qua động thái này, Matxcơva muốn chứng minh rằng ông Putin không bị cô lập về ngoại giao. Hơn thế nữa, không vì chiến tranh Ukraina mà nước Nga lơ là với Châu Á –Thái Bình Dương.
Đăng ngày: 20/06/2024
Từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraina, kinh tế Nga bị phương Tây mạnh tay trừng phạt, những chuyến xuất ngoại của tổng thống Vladimir Putin trở nên hiếm hoi hay chỉ thu hẹp ở những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga như Trung Á, hay với đối tác Trung Quốc và gần đây nhất là mới hôm 19/06 là tại Bắc Triều Tiên. Cũng vì chiến tranh Ukraina mà chủ nhân điện Kremlin đã không dự các thượng đỉnh G20 hay của khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS.
Do vậy, theo giới quan sát, qua việc dành thời gian viếng thăm một nước có « quan hệ truyền thống lâu đời » với Nga, chủ nhân điện Kremlin muốn chứng minh rằng ông không bị cô lập trên trường quốc tế.
Hơn nữa theo quan điểm của Nga, Việt Nam có nhiều ưu thế để Matxcơva gửi đi những thông điệp mạnh về mặt ngoại giao : Trước hết chính quyền Hà Nội là một mối bang giao mật thiết, truyền thống và lâu đời. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, là điểm tựa kinh tế và thương mại trong những năm tháng Việt Nam bị Mỹ cấm vận.
Giờ đây, Việt Nam là đối tác của Mỹ về kinh tế và cả quân sự. Tháng 09/2023, hai bên nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Do vậy, theo một số nhà ngoại giao Âu, Mỹ, ông Putin công du Việt Nam để « dằn mặt phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ ». Đây cũng là cách để Nga chứng minh rằng Matxcơva vẫn có khả năng đối thoại kể cả với những nước được coi là « khá gần gũi với Mỹ, điểm tựa quân sự chính của Ukraina ». Tổng thống Nga trong ngày đầu đến Việt Nam đã hoan nghênh thái độ « cân bằng » của chính quyền Hà Nội trên hồ sơ Ukraina.
Việt Nam là nước châu Á thứ ba tiếp ông Putin từ khi ông bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS Yusof Ishak Institute, đây cũng có thể hiểu như hành động để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập trên sân khấu quốc tế ». Đó là dụng ý thứ nhì của chủ nhân điện Kremlin trong chuyến công du Việt Nam lần này.
Thông điệp thứ ba và quan trọng không kém của ông Putin có lẽ đã thể hiện qua tuyên bố về tình hình tại « Châu Á-Thái Bình Dương ». Trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Nga với chủ tịch Việt Nam Tô Lâm sáng nay, tổng thống Putin xác định « lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại Châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và không ngả theo các khối chính trị, quân sự ».
Một điểm quan trọng khác là chỉ vài tuần lễ sau thượng đỉnh ở Bắc Kinh với chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ Nga đến Việt Nam. Không hiểu Vladimir Putin có những tính toán gì khi xắp xếp lịch làm việc của ông hay không. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang được hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhắc lại, Nga hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa tại các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, một cách giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền ở những nơi này. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, tổng thống Nga bày tỏ mong muốn « đẩy mạnh đầu tư » phát triển năng lượng, dầu khí và nhất là khí hóa lỏng với các đối tác Việt Nam.
Câu hỏi còn lại là những tính toán của Nga liệu có đặt Việt Nam vào thế khó xử hay không. Một số nhà quan sát cho là không. Với chiều dày lịch sử trong quan hệ song phương, việc tiếp nguyên thủ Nga vào thời điểm này thể hiện tính « chung thủy » của Việt Nam đối với một người bạn lâu đời, thể hiện tính độc lập của nền ngoại giao Việt Nam, như quan điểm của nhà nghiên cứu Prashanth Parameswaran, trung tâm Wilson Center của Mỹ.
Trái lại, một số khác như Futaba Ishizuka Viện Phát Triển Kinh Tế IDE Nhật Bản, cho rằng việc thân thiết với Nga có thể khiến một số đối tác của Việt Nam « e ngại ».
Còn trong quan hệ đối tác song phương, thì dù muốn hay không Việt Nam cũng cần tìm một thế cân bằng để vừa tiếp tục giao thương với Matxcơva vừa không bị ảnh hưởng vì các trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga.