TQ – Philippines hành động quân sự gia tăng ở Biển Đông, tình hình ‘căng như dây đàn’. Sau khi điều động tàu đổ bộ tấn công đến khu vực căng thẳng, Trung Quốc thông tin tàu hải cảnh của nước này và tàu tiếp tế Philippines đã va chạm nhau tại Biển Đông.
Hôm qua (17.6), AFP dẫn thông tin từ Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) cho hay tàu của CCG và tàu tiếp tế của Philippines vừa va chạm ở khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Manila chưa phản ứng trước thông tin của CCG.
Bắc Kinh tăng cường chiến hạm đổ bộ
Diễn biến trên làm cho quan hệ hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau đã gây ra những vụ căng thẳng ở Biển Đông xoay quanh việc tàu Trung Quốc ra sức cản trở lực lượng Philippines tiếp tế cho binh sĩ nước này trên một tàu chiến mắc cạn ở Trường Sa. Nhiều năm qua, tàu chiến vừa nêu được cố ý mắc cạn để đóng vai trò như một trong các “tiền đồn” của Manila ở Biển Đông. Bên cạnh đó, gần đây, Manila cũng tổ chức một số đoàn gồm “các nhà khoa học” tiếp cận các thực thể ở Trường Sa để tiến hành khảo sát và Bắc Kinh đã ra sức ngăn cản.
Liên quan căng thẳng hai bên, chiều tối 16.6, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Bắc kinh đã điều động tàu đổ bộ tấn công loại Type 075 đến khu vực bãi Xu Bi ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trước đó, Trung Quốc thông báo 1 tàu đổ bộ Type 071 của nước này vừa tiến hành tập trận đổ bộ có sự tham gia của tàu đổ bộ đệm khí tại bãi Xu Bi.
Như vậy, sau khi sử dụng tàu dân binh và tàu của CCG đối phó với tàu của Philippines thì Trung Quốc đã điều động tàu hải quân. Đây chính là chiến lược 3 lực lượng mà Bắc Kinh vận dụng để thiết lập và kiểm soát vùng xám ở Biển Đông.
Sự leo thang đáng lo
Cũng vào hôm qua, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: “Đây là lần đầu tiên tàu đổ bộ tấn công được điều động đến quần đảo Trường Sa, nên là chỉ dấu của sự leo thang ở khu vực này”. Điều này thể hiện qua 3 lý do.
Theo ông Nagao, tàu đổ bộ tấn công là dạng tàu lưỡng cư, đồng thời là tàu chiến lớn nhất để đáp ứng mục tiêu kiểm soát trong thời bình. Thời chiến, hoạt động quân sự đòi hỏi phải loại bỏ sự kháng cự của đối phương. Tuy nhiên, trong thời bình, không thể đánh chìm tàu của các nước khác. Do đó, trong thời bình, năng lực phục vụ toàn diện của tàu đổ bộ tấn công có nhiều ý nghĩa.
Trung Quốc đang có ý định xây dựng và cải tạo các đảo nhân tạo. Trong trường hợp này, khả năng đổ bộ là vấn đề đáng quan tâm. Nếu sử dụng tàu đổ bộ tấn công, Trung Quốc thể hiện sự tự tin hơn trong việc tiếp tục hoạt động. Thông qua tàu Type 075, Trung Quốc có thể đổ bộ nhiều quân nhân hoặc công nhân xây dựng. Đó là lý do tại sao việc tàu Type 075 xuất hiện là vấn đề đáng lo ngại.
“Để đối phó, các nước xung quanh có thể phải tăng cường lực lượng phòng ngừa dẫn đến sự leo thang lớn hơn”, TS Nagao nhận định.