Chuyến công du Bắc Triều Tiên của tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ diễn ra trong vòng một ngày, nhưng thú hút nhiều sự chú ý của dư luận và khơi dậy những rắc rối địa chính trị ở Đông Bắc Á, một khu vực luôn căng thẳng với những mối quan hệ chồng chéo phức tạp. RFI Tiếng Việt lược dịch bài viết của Daniel Sneider, phó giáo sư về chính trị quốc tế và nghiên cứu về Đông Á, tại Đại Học Stanford, Mỹ đang trên trang Asia Times, ngày 20/06/2024.
Đăng ngày: 21/06/2024
Mở đầu bài viết tác giả nhận xét : Hình ảnh được dàn dựng kỹ càng, nhà độc tài Nga Vladimir Putin đứng cạnh người đồng cấp Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, trên khán đài của quảng trường được Bình Nhưỡng dành chủ yếu cho các cuộc diễu binh chắc chắn sẽ gợi lên những suy nghĩ đáng lo ngại về quá khứ. Nó nhắc chúng ta nhớ đến bước ngoặt lịch sử khi Joseph Stalin, với sự ủng hộ của Mao Trạch Đông, đã bật đèn xanh cho ông nội của Kim Jong Un tấn công Nam Hàn.
Lần này, Tập Cận Bình của Trung Quốc không có mặt, vì Bắc Kinh muốn giữ khoảng cách với quá khứ. Nhưng Trung Quốc vẫn là nước ủng hộ chính cho Bắc Triều Tiên và phụ họa với Nga lý do vì họ đều là nạn nhân chịu sức ép của phương Tây và chủ nghĩa bá quyền Mỹ. Nhưng, có lẽ không phù hợp khi Trung Quốc lại bị cuốn vào ủng hộ những tính toán sai lầm chiến lược của Nga như hồi năm 1950.
Chuyến thăm Bình Nhưỡng một ngày của tổng thống Putin đã được đúc kết bằng một thỏa thuận mới nhằm hình thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa Bắc Triều Tiên và Nga, bao gồm một loạt các mối quan hệ kinh tế và văn hóa, nhưng quan trọng là đưa ra cam kết “hỗ trợ lẫn nhau” trong trường hợp xảy ra xâm lược. Hiệp ước mới sao chép ngôn từ – thậm chí còn chi tiết hơn – của hiệp ước Xô-Triều năm 1961, tạo ra mối liên kết vượt xa mọi điều từng thấy kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Cụ thể là điều 4 của hiệp ước nêu rõ : “Trong trường hợp một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do sự xâm lược vũ trang từ một hoặc nhiều quốc gia, bên kia sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện có sẵn,”, theo nội dung được thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phổ biến.
Tam giác Bắc Triều Tiên-Nga-Trung đối mặt với bộ ba khác là mối quan hệ đối tác thắt chặt giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiếp sau hội nghị thượng đỉnh Camp David năm ngoái, ba nước đã cố gắng thể chế hóa mối quan hệ hợp tác an ninh của họ. Mùa hè này, quân đội ba nước sẽ tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn có tên gọi “Freedom Edge”, một mức độ hội nhập mà thậm chí một năm trước còn không thể tưởng tượng được. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, có lẽ sẽ đưa ra phiên bản an ninh tập thể của riêng họ.
Cảm giác về một cuộc đối đầu sắp xảy ra, mang âm hưởng của năm 1950, đã được một số nhà quan sát lưu ý. Hội nghị thượng đỉnh Kim-Putin thể hiện “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên”, như nhận định của giáo sư Đại học Georgetown và cựu quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ Victor Cha.
Dư luận Hàn Quốc cũng cảnh báo về những hậu quả đen tối có thể xảy ra của tình hình hiện nay và thậm chí còn liên hệ với khả năng Donald Trump trở lại nắm quyền ở Mỹ. Xã luận của nhật báo Donga Ilbo tại Seoul số ra ngày 18/06 viết : “Cuộc gặp giữa Kim và Putin – cả hai đều tìm cách phá vỡ hiện trạng thông qua sự bất ổn, hỗn loạn và rối loạn – là nguy hiểm…Đối với hai nhà lãnh đạo, sự trở lại của Donald Trump, người đồng điệu với họ, là một cơ hội vàng.”
Không loại trừ khả năng xảy ra một vụ va chạm có thể dẫn tới chiến tranh. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh hai tam giác này còn có tam giác thứ ba giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. ba nước này đang nỗ lực tìm kiếm,ngày càng cấp bách, sự ổn định thay vì xung đột.
Tháng 5 vừa rồi, tại Seoul, ba nước láng giềng châu Á có cuộc gặp cấp cao ba bên đầu tiên từ 2020. Trong khi ông Kim và ông Putin gặp nhau ở Bình Nhưỡng, cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Seoul kể từ năm 2015.
Cả hai sự kiện, đều diễn ra sau khi Trung Quốc thể hiện rõ ràng mong muốn khôi phục liên lạc và thậm chí là hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này được nhiều người coi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây chia rẽ giữa hai nước láng giềng với Hoa Kỳ. Nhưng nó cũng phản ánh mối lo ngại chung về xu hướng đối đầu, chiến tranh kinh tế, có thể làm suy yếu cả ba nước.
Bắc Kinh đã tỏ không hài lòng với cái ôm Kim-Putin theo cách nhã nhặn nhưng có ý nghĩa. Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên ở Seoul đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đáng chú ý bao gồm lợi ích và trách nhiệm chung nhằm duy trì “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” ở Đông Bắc Á và đề cập đến lập trường về “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Điều này đã làm dấy lên những trách cứ công khai hiếm thấy từ chế độ Bắc Triều Tiên.
Thượng đỉnh Kim-Putin không phải là một sự kiện hoàn toàn vui vẻ đối với Bắc Kinh. Như tờ Wall Street Journal đưa tin, ông Putin đã hy vọng đến thăm Bắc Triều Tiên ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước, nhưng Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng đó, dường như khiến người ta có vẻ dè chừng về một liên minh ba bên đang hoạt động. The Economist ghi nhận : “Hình ảnh hiện ra không giống một trục độc tài đơn thuần mà đúng hơn là một mối tình tay ba rắc rối”.
Như ông Putin cho thấy rõ trong thông cáo báo chí ở Bình Nhưỡng, Nga muốn thu hút sự chú ý của Mỹ và làm lung lay sự ủng hộ của phương Tây với Ukraina. Ông ta thậm chí còn để ngỏ khả năng binh lính Bắc Triều Tiên tham chiến ở đó. Đối với Putin, mục tiêu là chia rẽ và hạn chế sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraina, đồng thời việc gia tăng đối đầu liên Triều có thể buộc Hàn Quốc hạn chế dòng viện trợ quân sự gián tiếp sang Ukraina.
Trong khi Matxcơva tự nhận có được sự ủng hộ – hoặc ít nhất là trung lập – từ các nước Nam bán cầu, thì Trung Quốc vẫn lưỡng lự ủng hộ công khai cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và theo đuổi vị thế nhà trung gian hòa giải tiềm năng.
Theo tác giả bài viết, với Nga, sự ủng hộ cởi mở từ Bình Nhưỡng là một ngoại lệ hiếm hoi. “Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ không ngừng của Bắc Triều Tiên đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, sự đoàn kết với chúng tôi trong các vấn đề quốc tế quan trọng và sự sẵn sàng duy trì các ưu tiên và quan điểm chung của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc”, ông Putin viết trong một bài đăng trên nhật báo của đảng Cộng sản Bắc Triều Tiên, Rodong Sinmun, ngay trước khi ông đến thăm Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên cũng có những đóng góp cụ thể. Khi kho dự trữ đạn dược của Nga giảm vào năm ngoái vì ngành công nghiệp quốc phòng của nước này không thể tăng cường sản xuất, Bắc Triều Tiên đã dọn sạch kho đạn pháo và tên lửa tầm ngắn khổng lồ, nhiều loại trong số đó đã cũ hàng chục năm. Các quan chức Mỹ ước tính khoảng 10.000 container đạn dược từ các kho của Bắc Triều Tiên đã ùn ùn được chuyển tới chiến tuyến của Nga, con số có thể lên tới hàng triệu đầu đạn.
Đổi lại, Kim Jong Un cũng nhận được những món quà tương ứng trong lúc bị cô lập. Nga cũng đưa ra các biện pháp để phá vỡ chế độ trừng phạt của Liên Hợp Quốc, từ động thái giải tán cơ quan quốc tế giám sát các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Triều Tiên đến việc mở van dầu lửa cho nước này và cho phép sử dụng lao động Bắc Triều Tiên tại Nga. Bắc Triều Tiên đang hội nhập vào hệ thống trốn tránh trừng phạt của Nga, trong đó có các thỏa thuận tài chính nhằm che giấu các giao dịch của họ.
Có lẽ điều đáng ngại hơn, đó là Nga gần như đã từ bỏ cam kết trước đây về không phổ biến vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân hóa. Các nhà ngoại giao Nga từng là những người bảo vệ trung thành cho những nguyên tắc này trong suốt những năm đàm phán Sáu bên (về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên). Giờ đây, họ đang hỗ trợ tích cực cho việc phát triển tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, bề ngoài chỉ hỗ trợ các vụ phóng vệ tinh nhưng trên thực tế lại cho phép Bình Nhưỡng đe dọa lục địa Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Cuối cùng chuyên gia Daniel Sneider kết luận : Có thể có những giới hạn trong sự hợp tác của họ, tuy nhiên hiện tại đây là một vụ làm ăn đáp ứng được nhu cầu của cả hai. Bắc Kinh, dù có khó chịu đến mấy, vẫn chưa sẵn sàng ngăn chặn.
Đối với tam giác Mỹ-Nhật-Hàn, thách thức sẽ là mang lại cho nhau sự tăng cường an ninh và bảo đảm đối phó được với nguy cơ xung đột đồng thời phải ủng hộ những nỗ lực, dù cho có thể mong manh, của tam giác Hàn Quốc-Nhật Bản-Trung Quốc để tránh chiến tranh.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Daniel Sneider)