Hoa Kỳ cấm phần mềm chống virus Kaspersky vì lo ngại ảnh hưởng từ Nga

Một cơ quan cho biết Kaspersky có thể đang chuyển dữ liệu của khách hàng Hoa Kỳ vào tay chính phủ Nga.

Hoa Kỳ cấm phần mềm chống virus Kaspersky vì lo ngại ảnh hưởng từ Nga

Khách tham quan ngồi tại gian hàng của công ty phát triển phần mềm chống virus Kaspersky Lab của Nga ở Barcelona, ​​​​Tây Ban Nha, vào ngày 28/02/2022. (Ảnh: Pau Barrena/AFP qua Getty Images)

Naveen Athrappully

Thứ bảy, 22/6/2024

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cấm công ty Kaspersky của Nga bán phần mềm chống virus và các sản phẩm an ninh mạng khác ở Hoa Kỳ sau khi xác định rằng công ty này đang gây “rủi ro không đáng có hoặc không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia.”

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 20/06, “Kaspersky nhìn chung sẽ không thể bán phần mềm của mình tại Hoa Kỳ hoặc cung cấp các bản cập nhật cho phần mềm đang được sử dụng.”

Lệnh cấm này được áp dụng đối với Kaspersky Lab, Inc., công ty con tại Hoa Kỳ của Kaspersky Lab có trụ sở tại Moscow. Hoạt động của công ty này được xem là rủi ro đối với Hoa Kỳ “do khả năng của Chính phủ Nga tấn công mạng cũng như gây ảnh hưởng hoặc ra chỉ thị cho các hoạt động của Kaspersky.”

BIS cho biết những rủi ro như vậy không thể được giải quyết một cách đơn giản thông qua các chiến lược giảm thiểu, khiến việc cấm hoàn toàn trở thành lựa chọn duy nhất còn lại để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Cụ thể, BIS xác định rằng Kaspersky thuộc quyền tài phán của chính phủ Nga, điều này buộc hãng phải tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin từ Moscow. Điều này có thể dẫn đến việc thông tin cá nhân được lưu trữ trên các thiết bị có phần mềm chống virus của công ty rơi vào tay chính quyền Nga.

“Thông qua việc cung cấp phần mềm chống virus và an ninh mạng, Kaspersky có quyền truy cập rộng rãi và các đặc quyền quản trị đối với thông tin khách hàng. Nhân viên của Kaspersky có thể chuyển dữ liệu của khách hàng Hoa Kỳ sang Nga, nơi Chính phủ Nga có thể truy cập dữ liệu đó theo luật pháp Nga,” BIS cho biết.

Bình luận về lệnh cấm của Hoa Kỳ, Kaspersky chỉ trích Bộ Thương mại đã đưa ra quyết định dựa trên “môi trường địa chính trị hiện tại và những lo ngại mang tính giả thuyết, thay vì dựa trên đánh giá toàn diện về tính chính trực của các sản phẩm và dịch vụ của Kaspersky.”

“Kaspersky không tiến hành các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và, trên thực tế, đã có những đóng góp đáng kể khi báo cáo và bảo vệ khỏi nhiều tác nhân đe dọa nhắm vào các lợi ích và đồng minh của Hoa Kỳ.”

BIS nhận thấy rằng Kaspersky cũng có quyền cài đặt phần mềm độc hại trên máy điện toán của khách hàng hoặc từ chối cập nhật một cách có chọn lọc. BIS cho biết điều này có thể khiến công dân Mỹ và các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ dễ bị phần mềm độc hại tấn công.

BIS còn cho biết, phần mềm của Kaspersky cũng được tích hợp vào các sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba. Do đó, những người sử dụng các sản phẩm của bên thứ ba có thể vô tình đưa các chương trình của Kaspersky vào thiết bị hoặc mạng của họ, do đó có thể bị xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Kaspersky cho biết họ đã thực hiện “các biện pháp minh bạch đáng kể” để bảo đảm độ tin cậy của công ty. Những biện pháp như vậy là “không có đối thủ” nào của công ty trong ngành an ninh mạng có thể so sánh được.

Công ty cho biết lệnh cấm của Bộ Thương mại “bỏ qua bằng chứng một cách không công bằng.”

“Công ty dự định theo đuổi tất cả các lựa chọn hợp pháp sẵn có để duy trì các hoạt động và mối quan hệ hiện tại của mình,” Kaspersky cho biết. “Quyết định này không ảnh hưởng đến khả năng của công ty trong việc bán và quảng bá các dịch vụ và/hoặc đào tạo về thông tin tình báo về mối đe dọa mạng ở Hoa Kỳ.”

Mối đe dọa mạng từ Nga

Về phần chính phủ Hoa Kỳ, để giảm thiểu những hệ quả do cấm phần mềm Kaspersky, Bộ Thương mại sẽ cho phép công ty tiếp tục một số hoạt động nhất định trong nước cho đến 12 giờ sáng giờ Miền Đông ngày 29/09/2024.

Các hoạt động như vậy bao gồm cung cấp các bản cập nhật signature của virus (các phần mềm chống virus sử dụng signature này để dò quét các tập tin trên hệ thống nhằm xác định tập tin nào là virus độc hại) và cập nhật cơ sở code. Cơ quan này tuyên bố làm như vậy sẽ giúp người Mỹ có đủ thời gian để tìm giải pháp thay thế thích hợp.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết, “Nga đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ có năng lực và ý định khai thác các công ty Nga, như Kaspersky Lab, để thu thập và vũ khí hóa các thông tin nhạy cảm của Hoa Kỳ, và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi quy định tùy ý để bảo vệ an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ và người dân Mỹ.”

Theo BIS, chính phủ Hoa Kỳ đã thêm Kaspersky Labs Limited từ Vương quốc Anh cũng như AO Kaspersky Lab và OOO Kaspersky Group từ Nga vào Danh sách Tổ chức (Entity List) “vì sự hợp tác của họ với các cơ quan quân sự và tình báo Nga nhằm trợ giúp cho các mục tiêu tình báo mạng của Chính phủ Nga.”

Các công ty trong Danh sách Tổ chức phải chịu các hạn chế xuất cảng và yêu cầu cấp phép đối với một số công nghệ và sản phẩm nhất định.

Minh Ngọc lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment