Nhiều công ty địa ốc Trung Quốc hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán trong nước

Chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc đang gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, và ai cũng khó tránh khỏi hậu quả.

Nhiều công ty địa ốc Trung Quốc hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán trong nước

Một lao động di cư dựng giàn giáo tại một công trường xây dựng hôm 13/01/2007 tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Shawn Lin

Thứ tư, 22/5/2024

Nản lòng vì doanh số bán hàng sụt giảm, ngày càng nhiều công ty địa ốc Trung Quốc đang rút lui khỏi thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến, hoặc Hồng Kông, làm tăng thêm số lượng công ty hủy niêm yết kể từ năm ngoái.

Hôm 08/05, cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Giang Tô Trung Nam (Jiangsu Zhongnan Construction Group, 000961. SZ), một công ty địa ốc phát triển rất mạnh mẽ từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến kể từ tháng 03/2000, đã tiếp tục giảm sau khi giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm xuống dưới 1 nhân dân tệ (14 cent) trong 20 ngày giao dịch liên tiếp—một dấu hiệu cảnh báo hủy niêm yết.

Trước đó, Công ty CP TNHH Thượng Hải Thế Mậu (Shanghai Shimao Co., Ltd., 600823. SH), một nhà phát triển địa ốc lớn khác lần đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào tháng 02/1994, đã rút lui khỏi thị trường giao dịch khi cổ phiếu của họ giảm xuống dưới mệnh giá 1 nhân dân tệ (14 cent) trong 20 ngày giao dịch liên tiếp và không thể phục hồi trong những ngày tiếp theo.

Trước khi doanh thu bị giảm mạnh vào năm 2022, hai công ty này có doanh thu hàng năm hơn 100 tỷ nhân dân tệ (13.8 tỷ USD). Cả hai đều cố gắng tự cứu bằng cách chuyển nhượng tài sản và tăng cổ phần cho các giám đốc điều hành nhưng đều vô ích.

Ngoài ra, Bích Quế Viên (Country Garden, 2007. HK) và hơn 10 công ty địa ốc khác đã đình chỉ giao dịch hôm 02/04 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông do trì hoãn công bố báo cáo kết quả hoạt động thường niên năm 2023 của họ. Việc trì hoãn kéo dài như vậy sẽ dẫn đến hủy bỏ niêm yết.

Theo thống kê của Hiệp hội Địa ốc Trung Quốc, hàng chục doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc đã bị hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán trong nước kể từ năm ngoái, trong đó có Tập đoàn Tân Lực (Sinic Holdings, 2103. HK), Công ty Địa ốc Lam Quang Tứ Xuyên (Sichuan Languang Development, 600466. SH), Tập đoàn Dương Quang (Yango Group, 000671. SZ), và Tập đoàn Thái Hòa (Tahoe Group, 000732. SZ).

Thăng trầm trong ngành địa ốc Trung Quốc

Một công nhân lái xe ngang qua các tòa nhà dân cư đang được tập đoàn phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa (Vanke) xây dựng ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc hôm 31/03/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Một công nhân lái xe ngang qua các tòa nhà dân cư đang được tập đoàn phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa (Vanke) xây dựng ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc hôm 31/03/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Năm 2010, Tập đoàn Vạn Khoa Trung Quốc (China Vanke, 2202. HK) trở thành công ty địa ốc Trung Quốc đầu tiên có doanh thu hàng năm đạt 100 tỷ nhân dân tệ (13.8 tỷ USD). Kể từ đó, ngành địa ốc Trung Quốc đã trải qua hơn một thập niên phát triển mạnh mẽ, với số lượng “doanh nghiệp địa ốc trăm tỷ nhân dân tệ” ngày càng tăng.

Theo một bài báo trên trang tin tài chính Trung Quốc 36kr.com, đến năm 2020, số lượng công ty địa ốc quy mô như vậy đã đạt mức cao trong nhất lịch sử là 43 công ty.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và các biện pháp cực đoan zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thị trường địa ốc Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc ĐCSTQ nhấn mạnh vào việc “giảm đầu cơ” nhà ở tại Đại hội Đảng năm 2020 và việc thực hiện các hạn chế tài chính và vay mua nhà sau đó đã đè nặng lên lĩnh vực địa ốc vốn dĩ đã trì trệ.

Trong bối cảnh đó, số lượng “doanh nghiệp địa ốc hàng trăm tỷ nhân dân tệ” đã giảm một nửa vào năm 2022 và giảm xuống còn 12 vào năm 2023.

Bước sang năm 2024, thị trường địa ốc vẫn ảm đạm, với doanh số bán hàng tiếp tục giảm. Theo báo cáo mới nhất do công ty nghiên cứu địa ốc CRIC công bố, trong bốn tháng đầu năm, thị trường địa ốc Trung Quốc đã tiếp tục sụt giảm, với doanh thu của 100 công ty địa ốc hàng đầu giảm 46.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho biết, trong tháng Tư, ngưỡng doanh thu của tất cả các cấp độ doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Ngưỡng doanh thu của 100 doanh nghiệp địa ốc hàng đầu giảm 47.7% xuống 1.85 tỷ nhân dân tệ (khoảng 260 triệu USD) và ngưỡng về số tiền giao dịch mua bán của 10 doanh nghiệp địa ốc hàng đầu giảm 57.3% xuống còn 25.88 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.58 tỷ USD).

Nới lỏng quy định

Hôm 30/04, Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc đã đề nghị “tiêu hóa” nguồn cung nhà ở dư thừa bằng cách nới lỏng giới hạn mua nhà và khuyến khích các địa phương mua nhà.

Cùng ngày, Bắc Kinh thông báo cho phép các gia đình địa phương có hai căn nhà được mua thêm một căn ở ngoại ô. Đây là lần đầu tiên sau 13 năm chính quyền Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế mua nhà.

Các thành phố hạng nhất khác cũng đã dỡ bỏ một phần hạn chế mua nhà. Quảng Châu và Thiên Tân hiện cho phép mua nhà ở có diện tích lớn hơn 120 mét vuông (1300 feet vuông).

Hôm 09/05, hai thủ phủ lớn cấp tỉnh là thành phố Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang và thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây đã tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đối với việc mua nhà.

Các thành phố như Tô Châu, Nam Kinh, Hợp Phì, Tế Nam, Thanh Đảo, Vũ Hán, Vô Tích, Ninh Ba, Thành Đô, và Trường Sa đã dỡ bỏ hoàn toàn các chính sách hạn chế của mình.

Tuy nhiên, nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) tin rằng các biện pháp của chính quyền ĐCSTQ “có ít tác dụng” trong việc giải quyết các vấn đề địa ốc của Trung Quốc. Ông cho biết hôm 09/05 rằng người Trung Quốc không mua nhà không phải vì hạn chế mua mà vì họ không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, ngay cả khi lệnh hạn chế mua được dỡ bỏ cũng sẽ không cải thiện được thị trường địa ốc Trung Quốc.

Ông Chương cũng tin rằng cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Hoa Kỳ năm 2008.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng địa ốc đang gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, và tất cả mọi người từ chính quyền Trung Quốc đến người dân địa phương đều khó có thể tránh khỏi hậu quả.”

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment