Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Pháp và nước Nga của Putin : « Mối tình » không che giấu

Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày 30/06/2024, vòng 1 bầu cử Hạ Viện Pháp. Có thể nói, hiếm có khi nào bầu cử Hạ Viện Pháp lại được theo dõi nhiều đến như vậy, trước nguy cơ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – Rassemblement National (RN) – đang trỗi dậy mạnh mẽ và có thể sẽ về đầu trong kỳ bầu cử, cho dù hầu như không có khả năng đạt đa số tuyệt đối ở Hạ Viện.   

Đăng ngày: 24/06/2024

Ảnh tư liệu: Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 24/03/2017.
Ảnh tư liệu: Ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva, Nga, ngày 24/03/2017. Reuters

Thùy Dương

Xin nhắc lại, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – Rassemblement National, mà đứng đầu là Jordan Bardella, trên thực tế vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của chính trị gia Marine Le Pen, con gái nhà ông Jean-Marie Le Pen, đồng sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia (Front National – FN), tiền thân của đảng RN hiện nay.

Không chỉ có tư tưởng bài người nước ngoài, bài Liên Âu, bài NATO, đảng cực hữu FN và nay là RN, và giới lãnh đạo, đặc biệt là chính trị gia Marine Le Pen, còn nổi tiếng với tư tưởng thân Nga, ủng hộ việc Matxcơva chiếm bán đảo Crimée của Ukraina. Liên quan đến các biện pháp trừng phạt Matxcơva về hồ sơ Ukraina, nhóm nghị sĩ của đảng này luôn phản đối, không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng tại Quốc Hội Pháp và Nghị Viện Châu Âu. RN cũng đã nhiều lần bị điều tra về quan hệ với chế độ Vladimir Putin hoặc về những vụ tai tiếng vay những khoản tiền lớn lên đến cả chục triệu euro của các ngân hàng Nga để phục vụ chương trình vận động tranh cử của đảng.

Ngay tại Nga, theo báo L’Express ngày 19/06, truyền thông và công chúng đều biết rõ về nữ chính trị gia người Pháp Marine Le Pen, không chỉ bởi vì từ nhiều năm nay bà được nhìn nhận như là một đồng minh ưu tiên của Matxcơva (tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung) mà còn vì trong những ngày qua, Marine Le Pen là chủ đề trong rất nhiều bài đăng trên các trang mạng thân điện Kremlin.

Những lời tán dương công khai

Marine Le Pen đã nhiều lần ra tranh cử tổng thống Pháp và 2 lần là đối thủ chính của ông Macron trong các kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2017 và 2022.

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, từ tháng 06/2013 đến tháng 03/2017, bà Le Pen đã có 4 chuyến thăm Nga và vài tuần trước vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp hồi năm 2017, khi được tổng thống Nga Putin tiếp đón chính thức tại Matxcơva, vị ứng viên tổng thống Pháp thuộc phe cực hữu đã tuyên bố ủng hộ nước Nga trong hồ sơ Ukraina và lên án những biện pháp đe dọa, trừng phạt của Liên Âu chống lại nước Nga của Putin. Le Pen cũng khẳng định là bà thấy thoải mái với « cách nhìn mới » của Putin về « một thế giới đa cực » hơn là với « cách nhìn về sự phục tùng và mang tính hiếu chiến mà Liên Hiệp Châu Âu thể hiện quá thường xuyên ».

Báo Pháp Le Nouvel L’Obs ngày 18/06 có bài viết « Đảng RN và nước Nga : một câu chuyện tình chưa chấm dứt », gợi nhắc lại là đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc, trước đây là Mặt Trận Quốc Gia – FN, từ lâu nay vẫn luôn giữ quan hệ gắn bó chặt chẽ với Matxcơva. Ông Jean-Marie Le Pen, nhà đồng sáng lập đảng FN, ngay từ đầu đã rất thân thiết với các chính trị gia có tư tưởng dân tộc bài Do Thái ở Nga. Và khi « nối nghiệp cha » trở thành lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia, Marine Le Pen đã củng cố mối quan hệ với điện Kremlin và tiếp tục ủng hộ Vladimir Putin, với những phát biểu giống hệt luận điệu của điện Kremlin.

Marine Le Pen cũng không che giấu những lời tán dương Putin. Chẳng hạn, hồi năm 2011, trả lời phỏng vấn báo Nga « Kommersant », nữ chính trị gia Pháp Le Pen tuyên bố : « Tôi không giấu giếm rằng, ở một chừng mực nào đó, tôi ngưỡng mộ Vladimir Putin. (…) Chúng tôi phải phát triển các quan hệ với Matxcơva, chúng tôi chia sẻ nhiều lợi ích chung, cả về cấp độ văn minh và về mặt chiến lược ».

Sau khi Nga can thiệp vào Syria hồi năm 2015, các nước phương Tây nghi ngờ Putin nhắm mục tiêu vào những nhà đối lập của tổng thống Syria Bachar al-Assad, thay vì nhắm vào lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Pháp đã mở một cuộc điều tra về các hành vi tra tấn của chế độ Syria, mà chính quyền tổng thống Pháp François Hollande xem là « tội ác chống nhân loại ». Thế nhưng, Marine Le Pen lại phát biểu trên đài Europe 1 : « Những nghi ngờ về các vụ oanh kích của Nga, cũng như cái cách tiến hành cuộc điều tra ở Pháp, là nhằm bôi nhọ hành động của Vladimir Putin. Lẽ ra nước Pháp nên làm như những gì mà Nga đang làm ».

Tại Nghị Viện Châu Âu, các nghị sĩ thuộc nhómBản sắc và Dân chủ (ID), chỉ bao gồm các đảng thân Nga, đã bỏ phiếu chống lại tất cả các văn bản có thể gây phiền phức cho chính quyền Nga, chẳng hạn văn bản lên án luật Nga về « các tác nhân nước ngoài » (năm 2019), hay vụ đầu độc đối thủ chính của Putin là Alexeï Navalny (năm 2020), hoặc văn bản ủng hộ xã hội dân sự Nga đang bị đàn áp và ủng hộ tổ chức nhân quyền Memorial (năm 2021).

Chiến tranh Ukraina có khiến Le Pen « thay lòng đổi dạ » với Putin ?

Le Nouvel Obs cũng nhắc lại là đến năm 2017, khi được hỏi về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée, Marine Le Pen đã khẳng định trên đài BFM TV : « Tôi hoàn toàn không tin rằng việc sáp nhập Crimée là bất hợp pháp : đã có một cuộc trưng cầu dân ý và người dân muốn gia nhập nước Nga ». Trong chương trình tranh cử tổng thống Pháp 2017, ứng viên đảng cực hữu RN còn đề xuất « liên minh với Nga » trong cuộc chiến chống Thánh chiến và Hồi giáo cực đoan.

Phải đến khi nổ ra cuộc chiến Ukraina thì Marine Le Pen và đảng RN mới giảm thể hiện sự gần gũi với chế độ Matxcơva và ngưng những phát biểu công khai ủng hộ Putin, thế nhưng đó cũng chỉ là bề nổi, còn bản chất thân Nga thì vẫn không hề bị lay chuyển. Dân biểu châu Âu Raphael Glucksmann, thuộc liên minh Xã Hội và Dân Chủ (S&D), được Le Nouvel Obs ngày 20/06 trích dẫn, nhấn mạnh : « Những đảng cực hữu ở châu Âu chỉ là những con tốt trong cuộc chiến tranh văn hóa, hệ ý thức và chính trị của Matxcơva ».

Vẫn theo Le Nouvel Obs ngày 20/06, chương trình của các nghị sĩ châu Âu thuộc đảng RN, chỉ có 7 dòng nói cuộc tấn công của Nga là hành động « vi phạm luật pháp quốc tế và dẫn đến việc thay đổi trật tự quốc tế », « làm tái bùng phát cuộc chiến tranh cường độ cao tại châu lục ». Ngoài ra, RN không có bất cứ lời trách cứ nào nhắm vào chế độ đã điều quân xâm lược đất nước Ukraina.

Tại Nghị Viện Châu Âu, các nghị sĩ của đảng Tập Hợp Dân Tộc thường bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu trong hầu hết các trường hợp liên quan đến chiến tranh Ukraina, nhất là về hỗ trợ tài chính cho Ukraina hoặc sự can dự của Nga vào công việc nội bộ của châu Âu, việc thành lập tòa án xét xử tội ác của Nga chống lại Ukraina … Vào ngày 25/04/2024, Nghị Viện Châu Âu đã cho biểu quyết nghị quyết kêu gọi cứng rắn hơn trước sự can thiệp của Nga, nhưng tất cả các nghị sĩ châu Âu của đảng RN đều bỏ phiếu trắng. Trong suốt hơn 2 năm qua, Marine Le Pen cũng liên tục kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva, những biện pháp mà bà xem là « chẳng để làm gì », nếu không muốn nói là chỉ « làm châu Âu thêm thiệt hại ».

Vây quanh Le Pen là mạng lưới các nhân vật có liên hệ với chính quyền Putin

Cũng như người cha thời trước, nhà sáng lập đảng FN, tiền thân của RN, vây quanh bà Marine Le Pen thời nay cũng là những nhân vật thân điện Kremlin. Le Nouvel Obs ngày 18/06 nêu lên hàng loạt cái tên, trong đó có cựu cố vấn về chính trị quốc tế của Marine Le Pen giai đoạn 2010 – 2015, Aymeric Chauprade. Nhân vật này đã có nhiều cuộc gặp với những người thân cận của Putin và Aymeric Chauprade là một trong những người ủng hộ việc xích lại gần nhau giữa đảng Mặt Trận Quốc Gia và chính quyền Nga. Sau khi rời đảng Mặt Trận Quốc Gia của Le Pen hồi năm 2015 và thành lập một nhóm riêng có tên gọi Những Người Pháp Tự Do, ông Chapraude được bầu làm nghị sĩ châu Âu và đã tuyển Elizaveta Peskova, con gái người phát ngôn của Putin, làm thực tập sinh.

Ngoài ra, mạng lưới của Le Pen còn có Xavier Moreau, một người bạn của Aymeric Chauprade. Moreau điều hành một công ty an ninh ở Nga từ năm 2000 ; Fabrice Sorlin, chủ tịch hiệp hội Pháp – Châu Âu – Nga, hiện đang sống lưu vong ở Matxcơva. Emmanuel Leroy, cựu cố vấn của Marine Le Pen, thì đóng vai trò « quan sát viên nước ngoài » trong cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập do Matxcơva tổ chức tại vùng Donbass mà Nga chiếm của Ukraina năm 2022.

Một nhân vật nổi bật khác là Thierry Mariani, đồng chủ tịch hiệp hội Đối thoại Pháp – Nga từ năm 2012 và là cựu chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp – Nga tại Hạ Viện, trước đây từng được xem là có thể trở thành Ngoại trưởng nếu đảng RN lên nắm quyền. Mariani bị điều tra sơ bộ vì nghi ngờ tham nhũng và hối mại quyền thế liên quan đến Matxcơva, cũng như lạm dụng lòng tin và rửa tiền, lợi dụng các chuyến đi do Nga tài trợ thông qua hiệp hội Đối thoại Pháp – Nga.

Vào năm 2021, Nghị Viện Châu Âu đã áp dụng một biện pháp đặc biệt : đưa tên Mariani vào « danh sách đen » và tước quyền tham gia của ông vào các phái đoàn chính thức của Liên Âu. Lý do : Mariani vi phạm các quy tắc về hành xử liên quan đến các chuyến đi Nga do Matxcơva tài trợ. Theo Le Nouvel Obs, 1/3 số nghị sĩ châu Âu của đảng RN đã được Matxcơva mời đến Nga. Ngoài Mariani, còn có 2 nghị sĩ khác của đảng Tập Hợp Dân Tộc.

Hồi tháng 07/2020, 60 « chuyên gia » quốc tế đến Nga để xác nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý do Matxcơva tổ chức để Vladimir Putin được tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ. Trong đó, có đến 10 nghị sĩ châu Âu thuộc đảng cực hữu Pháp RN.

Và ngay tại Nghị Viện Châu Âu nhiệm kỳ vừa rồi, cố vấn chính trị cho phái đoàn nghị sĩ của đảng Tập Hợp Dân Tộc là Tamara Volokhova, một cựu người mẫu người Pháp gốc Nga. Tamara Volokhova cũng là người đã tổ chức một số chuyến đi cho các nghị sĩ châu Âu của đảng Tập Hợp Dân Tộc tới Nga hoặc tới bán đảo Criméee bị Nga sáp nhập.

Một cách khái quát, theo Le Nouvel Obs, tư tưởng của Le Pen, chủ trương bài Mỹ, bài Liên Âu đã phục vụ cho điện Kremlin và cuộc chiến chống phương Tây của Nga. Đảng RN có thể đã từ bỏ kế hoạch Frexit – đưa Pháp rời khỏi Liên Âu và khu vực đồng Euro, nhưng hiện giờ đảng Tập Hợp Dân Tộc chỉ ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu trên một số hồ sơ, khiến việc sửa đổi các hiệp ước để cải tổ Liên Âu khó có thể xảy ra, đặc biệt liên quan đến việc thiết lập một nền ngoại giao và quốc phòng chung cho toàn Liên Hiệp. Việc rời khỏi bộ chỉ huy liên hợp NATO cũng đã từng được đưa vào chương trình tranh cử tổng thống Pháp của ứng viên Le Pen hồi năm 2022.

Dù chương trình hành động trong chiến dịch tranh cử hiện nay của RN còn nhiều điều chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là đảng cựu hữu này của Pháp sẽ xích lại gần với Nga sau khi chiến tranh Ukraina kết thúc. Vì thế, tại Liên Âu, khả năng đảng RN thắng cử trong kỳ bầu cử Hạ Viện Pháp và giành được vị trí thủ tướng bị xem là sự suy yếu của nước Pháp trên sân khấu chính trị châu Âu, và trong nhiều trường hợp sẽ khiến việc xử lý hồ sơ Nga – Ukraina bị chặn lại.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment