Liên minh u Châu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 14 đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine vào hôm 24/06/2024, nhằm lấp đầy một số lỗ hổng trong việc né tránh trừng phạt và lần đầu tiên đánh vào việc xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga. (Ảnh: Frederic Florin/AFP)
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Thứ ba, 25/6/2024
Hôm thứ Hai (24/06), Liên minh Âu châu (EU) đã thông qua vòng trừng phạt thứ 14 đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine, nhằm lấp đầy một số lỗ hổng trong việc tránh né trừng phạt và lần đầu tiên đánh vào xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Trong vòng trừng phạt mới này, Hội đồng EU áp dụng các biện pháp hạn chế đối với 69 cá nhân và 47 tổ chức. Tài sản của các cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách sẽ bị đóng băng. Công dân và tổ chức thuộc EU không được phép cung cấp tài chính cho họ. Ngoài ra, các cá nhân này sẽ bị cấm di chuyển, không được tiến vào lãnh thổ EU hoặc quá cảnh qua lãnh thổ EU.
Vòng trừng phạt này là lần đầu tiên EU đánh vào lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng của Nga. Các chế tài trừng phạt mới quy định cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển hoặc tái nạp khí LNG của Nga cho nước thứ ba trong lãnh thổ EU, bao gồm vận chuyển từ tàu sang tàu và vận chuyển từ tàu lên bờ, nhưng không liên quan đến nhập cảng, chỉ liên quan đến tái xuất cảng qua EU cho nước thứ ba.
Ngoài ra, EU sẽ cấm đầu tư mới, cũng như cung cấp hàng hóa, công nghệ, và dịch vụ cho các dự án khí tự nhiên hóa lỏng đang được xây dựng (như Dự án LNG Bắc Cực 2 và Dự án LNG Murmansk).
Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố: “Vòng trừng phạt thứ 14 thể hiện sự đoàn kết của chúng tôi trong việc trợ giúp Ukraine và hạn chế các hoạt động tội phạm của Nga đối với người dân Ukraine.”
Ông Borrell cho rằng việc thực hiện các lệnh trừng phạt đã “làm suy yếu đáng kể” nền kinh tế của Nga, gây tác dụng “phá hủy” cho kế hoạch xâm lược của quốc gia này.
Cũng trong hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã đăng trên mạng xã hội X rằng theo lời mời của ông Borrell, ông đã có bài phát biểu tại Hội đồng Ngoại giao EU và nhấn mạnh tầm quan trọng của vòng trừng phạt thứ 14. Vòng trừng phạt này sẽ hạn chế hơn nữa nền kinh tế chiến tranh của chính quyền Tổng thống Putin.
Ông Kuleba cũng hoan nghênh các hành động gần đây của EU khi sử dụng tài sản đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine.
Vào tháng 02/2022, Nga đã phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Kể từ đó, các quốc gia phương Tây đã áp đặt các chế tài trừng phạt toàn diện đối với Moscow và dần tăng cường các chế tài này.
EU đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hành vi phá hoại hoặc đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, và độc lập của Ukraine. Hiện nay, các biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với hơn 2,200 cá nhân và tổ chức.
EU đang áp dụng nhiều biện pháp hơn để chống lại hành vi né tránh trừng phạt
Về kiểm soát và hạn chế xuất nhập cảng, Hội đồng EU đã thêm 61 tổ chức vào danh sách trừng phạt. Các tổ chức này bị cáo buộc đã trợ giúp trực tiếp tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga trong việc phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine.
EU chỉ ra rằng một số tổ chức trong danh sách này nằm ở các quốc gia thứ ba như Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Những nước này đã từng tham gia né tránh hạn chế thương mại, mua sắm các mặt hàng nhạy cảm dùng trong sản xuất phi cơ không người lái, hoặc cung cấp sự giúp đỡ về vật chất cho các hoạt động quân sự của Nga. Những tổ chức này sẽ chịu các hạn chế nghiêm ngặt hơn về xuất nhập cảng.
EU cũng tiếp tục hạn chế xuất cảng các hàng hóa có thể nâng cao năng lực công nghiệp của Nga, chẳng hạn như hóa chất (bao gồm cả quặng mangan và hợp chất đất hiếm), nhựa, máy xúc, màn hình, và thiết bị điện. Đồng thời, EU cũng hạn chế hơn nữa việc nhập cảng khí heli từ Nga, một trong những nguồn thu nhập quan trọng của nước này.
EU cũng lần đầu tiên áp dụng các biện pháp đối với các tàu được xác định đặc biệt để giúp đỡ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Những tàu này sẽ bị cấm vào cảng và nhận dịch vụ. Trong lệnh trừng phạt mới, có 27 tàu đã bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Đồng thời, EU cũng mở rộng phạm vi cấm bay và phạm vi lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong lãnh thổ EU, bao gồm cả vận chuyển quá cảnh, để đưa vào phạm vi hạn chế đối với các hãng dịch vụ trong EU mà cá nhân hoặc pháp nhân Nga sở hữu từ 25% cổ phần trở lên.
Lý Hạo Nguyệt thực hiện
Hoa Hưng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ