Bí thư Thành ủy Hà Nội: Ai thay ông Đinh Tiến Dũng?

Hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng

26 tháng 6 2024

Bộ Chính trị phân công bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, điều hành Thành ủy Hà Nội cho đến khi chính thức có bí thư theo quy định.

Quyết định này được thông báo vào sáng 25/6 tại Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 17.

Việc bà Tuyến được phân công điều hành Thành ủy Hà Nội chứ không làm quyền bí thư (dù Bộ Chính trị có thẩm quyền chỉ định vị trí này) cho thấy Bộ Chính trị sẽ chọn một người hoàn toàn khác thay cho ông Đinh Tiến Dũng – người vừa thôi các chức vụ.

Vậy ai sẽ là ứng cử viên sáng giá?

Bộ Chính trị có quyền quyết định

Xét về tiêu chuẩn, để trở thành bí thư Thành ủy trực thuộc trung ương, Tỉnh ủy thì Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định cá nhân phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,

Bên cạnh những tiêu chuẩn về phẩm chất về đạo đức, trí tuệ và năng lực, để ngồi vào vị trí bí thư Thành ủy Hà Nội thì cần kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh hoặc tương đương.

Quy định 214 không yêu cầu nhưng theo thông lệ, bí thư thành ủy của hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều là ủy viên Bộ Chính trị.

Như vậy, người thay ông Đinh Tiến Dũng có thể là một trong số 15 ủy viên Bộ Chính trị hiện tại hoặc là một ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng và sau đó được bổ sung vào Bộ Chính trị.

Theo Điều 6 Quy định 80-QĐ/TW năm 2022, một trong những trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị là:

  • Quyết định phân công công tác đối với ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
  • Chỉ định Bí thư, Phó Bí thư và ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương. Khi cần thiết chỉ định bí thư, giao quyền bí thư hoặc giao phụ trách đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Như vậy, Bộ Chính trị có quyền chỉ định nhân sự cho ghế bí thư Thành ủy Hà Nội “khi cần thiết”.

Xét tiểu sử ông Chiến có thể thấy ông không có nhiều kinh nghiệm lẫn chuyên môn để điều hành một thành phố lớn như Hà Nội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.  Bên cạnh ông Chiến, một số nhân vật khác trong Bộ Chính trị cũng có thể được chọn ngồi vào ghế bí thư Thành ủy. Nhưng ngoài ông Lê Minh Hưng, những nhân vật còn lại đều có màu sắc giống ông Đỗ Văn Chiến, tức "hồng" hơn "chuyên". Nhìn chung, số lượng ủy viên Bộ Chính trị là những nhà kỹ trị ngày càng giảm làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức nhiều mặt, từ các vấn đề kinh tế đến chuyển đổi năng lượng và chính sách đối ngoại, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore ISEAS.
Chụp lại hình ảnh,Những bí thư Thành ủy Hà Nội gần đây từ trái qua: Hoàng Trung Hải, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng đều được coi là những nhà kỹ trị

Lưu ý, ông Đinh Tiến Dũng thôi làm bí thư Thành ủy Hà Nội khi chưa hết nhiệm kỳ và chức danh này cần kiện toàn ở giữa khóa nên có thể được xếp vào trường hợp “cần thiết” nêu trên. Điều này đã có tiền lệ.

Hồi tháng 2/2020, sau khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật thì Bộ Chính trị đã phân công ông Vương Đình Huệ khi đó đang là phó thủ tướng sang làm bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho ông Hải. Sự thay thế nhân sự này diễn ra gần cuối khóa.

Tới tháng 10/2020, ông Huệ tái đắc cử vị trí này cho nhiệm kỳ 2020-2025, thông qua quy trình bầu chính thức của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội.

Xét tiền lệ thì cho thấy sắp tới, Bộ Chính trị có thể phân công một ủy viên Bộ Chính trị hoặc là một ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng (và sau đó được bổ sung vào Bộ Chính trị) giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội.

Và nhân sự này Bộ Chính trị không cần phải trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định mà các ủy viên Bộ Chính trị sẽ tự biểu quyết và thống nhất với nhau.

Ai có thể thay ông Đinh Tiến Dũng?

Ba đời bí thư thành ủy Hà Nội gần đây nhất là ông Hoàng Trung Hải (2016-2020), ông Vương Đình Huệ (2020-2021) và ông Đinh Tiến Dũng (2021-2024) đều được coi là những nhà kỹ trị – tức có chuyên môn, học vấn về kỹ thuật hoặc kinh tế và có quá trình công tác trong các lĩnh vực này.

Cả ông Hải và ông Dũng đều có bằng thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh còn ông Huệ là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Cả ba từng kinh qua quá trình công tác trong lĩnh vực kinh tế, từ cấp công ty hoặc tổ chức giáo dục của nhà nước cho tới cấp chính phủ, trước khi vào nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng – đó là Bộ Chính trị.

Nếu xét tiêu chuẩn vừa “hồng” vừa “chuyên” trong việc chọn lựa nhân sự thì ba bí thư thành ủy gần đây nhất đều hội đủ.

“Hồng” nghĩa là người có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất chính trị, trung thành với Đảng, có quá trình công tác trong Đảng. Còn “chuyên” là chỉ là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó.

Xét giai đoạn trước đó, từ năm 2000-2015, các bí thư Thành ủy Hà Nội là ông Nguyễn Phú Trọng (2000-2006) và ông Phạm Quang Nghị (2006-2015) lại là những người “hồng” hơn “chuyên”.

Sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Chính trị hiện còn 15 người. Trong đó, có bốn gương mặt được bầu mới hồi 16/5 gồm:

  • Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương;
  • Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
  • Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
  • Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bốn gương mặt mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 13 từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến
Chụp lại hình ảnh,Bốn gương mặt mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 13 từ trái qua: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

Giáo sư Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng, nhìn vào tiểu sử của những gương mặt được bầu mới này, cho thấy Đảng đang rất lo lắng “về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng”.

“Họ đưa người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào Bộ Chính trị. Bản thân trưởng ban Tuyên giáo là một cựu sĩ quan quân đội từ Tổng cục Chính trị.”

Giáo sư Abuza phân tích rằng, ba trong số bốn ủy viên Bộ Chính trị được bầu mới thì ngoại trừ ông Lê Minh Hưng, đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế – nghĩa là “hồng” hơn “chuyên”.

Sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng thì cả Bộ Chính trị gồm 15 người chỉ còn ông Lê Minh Hưng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, được coi là “nhà kỹ trị”. Những người còn lại là các nhà lý luận, cán bộ đảng, hoặc công an, quân đội.

Như vậy, nếu Đảng quyết định chọn người vừa “hồng” vừa “chuyên” ngồi vào ghế bí thư Thành ủy thay cho ông Đinh Tiến Dũng thì ông Lê Minh Hưng là một lựa chọn khả dĩ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Đảng đang muốn gia tăng kiểm soát nên khả năng cao, Đảng sẽ quay lại thời kỳ 2000-2015, chọn một người “hồng” hơn “chuyên” ngồi vào ghế bí thư Thành ủy Hà Nội.

Chuyển biến nhân sự Bộ Chính trị khóa 13
Chụp lại hình ảnh,Chuyển biến nhân sự Bộ Chính trị khóa 13

Xét các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, ứng cử viên tiềm năng hội tụ đủ các tiêu chuẩn theo Quy định 214 và mong muốn của Đảng và dễ dàng luân chuyển công tác là ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặc dù ông Chiến học trường nông nghiệp và có thời gian làm ở doanh nghiệp nhà nước, nhưng cơ bản quá trình công tác của ông chủ yếu là công tác đảng. Do đó, ông được nhiều nhà quan sát xếp vào nhóm “hồng”.

Ông Đỗ Văn Chiến sinh năm 1962, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và có trình độ cử nhân nông nghiệp. Ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024 từ tháng 4/2021 cho đến nay.

Trước đó, ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Tuyên Quang: Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương; Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Sơn.

Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.

Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từ tháng 4/2016.

Xét tiểu sử ông Chiến có thể thấy ông không có nhiều kinh nghiệm lẫn chuyên môn để điều hành một thành phố lớn như Hà Nội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Bên cạnh ông Chiến, một số nhân vật khác trong Bộ Chính trị cũng có thể được chọn ngồi vào ghế bí thư Thành ủy là Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.

Nhưng ngoài ông Lê Minh Hưng, những nhân vật còn lại đều có màu sắc giống ông Đỗ Văn Chiến, tức “hồng” hơn “chuyên”.

Nhìn chung, số lượng ủy viên Bộ Chính trị là những nhà kỹ trị ngày càng giảm làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức nhiều mặt, từ các vấn đề kinh tế đến chuyển đổi năng lượng và chính sách đối ngoại, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore ISEAS.

Bài Liên Quan

Leave a Comment