Báo Tin Tức
Sau khi gặp nạn trong một trận bão tuyết năm 1895, tàu Africa biến mất cùng 11 thành viên thuỷ thủ đoàn và đến nay mới được phát hiện dưới đáy hồ Huron.
Năm 1874, con tàu mang tên Africa được đưa vào hoạt động. Nhưng chỉ hai thập kỷ sau, khi đang di chuyển từ Ashtabula, Ohio (Hoa Kỳ) đến Owen Sound, Ontario (Canada) con tàu này đã gặp nạn và chìm sâu dưới đáy hồ Huron – hồ lớn thứ 2 về diện tích trong Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ và cũng là hồ nước ngọt lớn thứ 3 trên Trái đất.
Tàu Africa ban đầu là tàu chở khách nhưng sau đó được dùng như một sà lan chở hàng hoá. (Ảnh: Bowling Green State University).
Trong chuyến đi định mệnh năm 1895, tàu Africa đang kéo một sà lan tên là Severn và cả hai đều chở than. Một cơn bão tuyết mạnh đã làm đứt dây móc nối tàu và sà lan. Severn mắc cạn và các thành viên thuỷ thủ đoàn trên đó đã may mắn được giải cứu. Tuy nhiên, người ta không bao giờ nhìn thấy Africa và 11 thành viên thuỷ thủ đoàn cũng mất tích kể từ đó.
Vùng Ngũ Đại Hồ đặc biệt nguy hiểm đối với tàu du lịch do tần suất gió lớn và bão tuyết xảy ra nơi đây. Nhà sử học hàng hải Patrick Folkes ước tính rằng ít nhất 100 con tàu bị đắm hoặc mất tích chỉ riêng ở khu vực Bán đảo Saugeen từ năm 1848 đến năm 1930, và khoảng một nửa trong số đó đã không bao giờ có thể xác định được vị trí.
Con tàu Africa đã nằm dưới đáy hồ Huron 128 năm. (Ảnh: Inspired Planet Productions).
Năm 1895, tàu Africa gặp nạn trong một trận bão tuyết và biến mất cùng 11 thành viên thuỷ thủ đoàn. (Ảnh: Inspired Planet Productions).
Theo trang điện tử Inspired Planet, hai vợ chồng nhà làm phim tài liệu Yvonne Drebert và Zach Melnick, bắt đầu điều tra lòng hồ khi các nhà khoa học thực hiện một cuộc khảo sát cá trong khu vực và nhận thấy “sự bất thường trong kết quả đọc sóng siêu âm”. Yvonne Drebert và Zach Melnick chuyên quay phim dưới nước bằng cách sử dụng các thiết bị lặn điều khiển từ xa với hệ thống camera có độ phân giải cao trong điều kiện ánh sáng cực thấp.
Drebert cho biết cô và chồng cứ nghĩ sẽ chỉ tìm thấy những khối đá hay gì đó, nhưng khi họ điều khiển tàu lặn đến độ sâu gần 85 mét dưới nước thì bất ngờ phát hiện một “công trình kiến trúc khổng lồ” hiện ra dưới đáy hồ sâu.
Con tàu bị bao phủ bởi loài vẹm Quagga và gây hư hỏng các xác tàu trong khu vực. Bộ phim tài liệu “All Too Clear” của cặp đôi cũng nghiên cứu tác động của loài trai này đối với khu vực Ngũ Đại Hồ. Drebert nói: “Mặc dù vẹm Quagga là mối đe dọa đối với xác tàu, nhưng cũng một phần nhờ chúng nên chúng tôi mới thực hiện được những chuyến thám hiểm dưới nước như vậy”.
“Có rất nhiềm vẹm Quagga trong khu vực Ngũ Đại Hồ và đó là lý do khiến chúng tôi có thể nhìn thấy con tàu đắm ở độ sâu gần 91 mét dưới nước mà không cần thêm bất kỳ ánh sáng nào. Nhưng chúng cũng là nguyên nhân khiến việc xác định xác tàu ở Ngũ Đại Hồ trở nên cực kỳ khó khăn”, Drebert giải thích thêm.
Làm việc với một nhà sử học địa phương và một nhà khảo cổ học biển, cặp đôi đã có thể xác định được con tàu. Tiếp theo đó, thiết bị lặn điều khiển từ xa đã thực hiện một chuyến lặn khác để đo kích thước tàu và tìm kiếm manh mối xác định. Lần lặn thứ hai cho thấy xác tàu phù hợp với chiều dài, chiều rộng và chiều cao của Africa đã chìm cách đây 128 năm. Ngoài ra, xung quanh con tàu là than, chính là những thứ tàu Africa đã chở ở thời điểm gặp nạn.
Xác tàu được phủ kín bởi vẹm Quagga – loài sinh vật xâm hại nghiêm trọng nhất tại khu vực Ngũ Đại Hồ (Mỹ). (Ảnh: Inspired Planet Productions).
Mũi tàu đã bị vẹm Quagga bao phủ. (Ảnh: Inspired Planet Productions).
Vợ chồng Yvonne Drebert và Zach Melnick chụp ảnh cùng robot dò tìm của họ ngay sau khi phát hiện ra xác tàu đắm Africa. (Ảnh: Inspired Planet Productions).