Trung Quốc muốn “nuốt” các thị trường đang trỗi dậy bằng sản phẩm công nghệ cao

Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước trên thế giới. Lần đầu tiên từ ba năm qua, Mỹ vượt Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của ASEAN trong 5 tháng đầu năm 2024. Tương tự, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu số 1 của Đài Loan và Hàn Quốc. Hậu quả là chính sách của phương Tây giảm phụ thuộc vào Trung Quốc lại gây thiệt hại cho các nước phương Nam.

Đăng ngày: 26/06/2024

The electric flying car XPeng Voyager X2 by XPeng AeroHT, takes off during a demonstration flight in Beijing, China June 18, 2024.
Xe ô tô bay chạy bằng điện XPENg Voyager X2 được thử nghiệm tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2024. REUTERS – Tingshu Wang

Thu Hằng

Theo Les Echos ngày 26/06, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa hồi phục và lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19 do người tiêu dùng vẫn lo lắng cho tương lai và tiết kiệm hơn. Hệ quả là Trung Quốc nhập khẩu ít hơn, « khối lượng hàng xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc cũng giảm » và « thị trường khổng lồ Trung Quốc mà các nước châu Âu vẫn mơ đến đang biến mất », theo nhận định của bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng tại Natixis ở châu Á, tại hội thảo do Asia Society France tổ chức vào tuần trước.

Trung Quốc vận động « tiêu thụ hàng nội địa »

Đối với kinh tế gia trưởng Anton Brender, ở Candriam, không đầu tư được vào lĩnh vực bất động sản do bị khủng hoảng từ vài năm gần đây, « tiền tiết kiệm của người dân được Nhà nước Trung Quốc chuyển sang đầu tư vào công nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ », công nghiệp xanh, được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh là « những lực lượng sản xuất mới ». Nhờ nâng cấp, cải thiện mẫu mã và chất lượng của sản phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm được thị phần nội địa, đánh bật nhiều doanh nghiệp châu Âu, ví dụ nổi bật nhất là ô tô điện.

Hơn bao giờ hết, Trung Quốc trở thành « công xưởng » của thế giới, nhưng không còn là hàng tiêu dùng rẻ tiền, mà là các mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao. Tuy nhiên, trước tình trạng thị trường nội địa bị bão hòa, nền kinh tế vẫn khó khăn, nên Bắc Kinh phải tìm đầu ra. Theo kinh tế gia Alicia Garcia Herrero, Trung Quốc chiếm « 27% xuất khẩu công nghiệp thế giới và 33% xuất khẩu hàng hóa trung gian ».

Ông François Candelon, giám đốc phụ trách khu vực Thế giới tại BCG Henderson Institute, được Les Echos trích dẫn, cho rằng « khả năng là từ nay đến 2-3 năm nữa, trao đổi thương mại của Trung Quốc với các nước đang phát triển sẽ vượt tỉ trọng đã có với các nước phát triển ». Đối với các nước đang phát triển phương Nam, « khó có thể chấp nhận điều này » vì sản phẩm Trung Quốc giá rẻ, được nhập khẩu ồ ạt, có nguy cơ giết chết ngành công nghiệp của họ. Và « chuyện này có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại mới », theo bà Alicia Garcia Herrero.

Các nước phương Nam « vỡ mộng Trung Hoa »

Tuy nhiên, mong muốn chinh phục những thị trường mới của Bắc Kinh gặp phải « chính sách bảo hộ » của nhiều nước. Không chỉ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu quyết định tăng thuế đối với ô tô điện Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ý định tăng mức thuế này lên 40%. Thép của Trung Quốc bị Brazil tăng thuế gấp đôi, lên thành 25%, Ấn Độ ban hành nhiều biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp công nghệ xanh vừa mới hình thành…

Rất nhiều nước đang phát triển từ lâu vẫn mong Trung Quốc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và hình thành một thị trường phát triển cho những mặt hàng cần nhân lực sản xuất như ở Ấn Độ, Brazil hay Indonesia. Tuy nhiên, « những hy vọng này sẽ bị giập tắt nếu Trung Quốc không tái kích hoạt được nhu cầu nội địa », theo đánh giá của các chuyên gia Rhodium Group.

Ngoài ra, còn phải kể đến một rủi ro lớn khác đối với một số nước đang phát triển, như ASEAN. Dù được cho là « hưởng lợi » từ cuộc chiến thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc, trên thực tế, những nước này lại bị phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng gấp đôi, chiếm 6% GDP năm 2023 so với mức 3% năm 2019. Theo thẩm định ngày 08/01 của Les Echos, trao đối thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ tăng hơn 600 tỉ trong thập niên tới.

Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào pin, điện gió và nhiều ngành nghề khác ở nhiều nước châu Á, để tránh chính sách bảo hộ của Mỹ. Vấn đề ở chỗ, theo Anthony Morlet-Lavidalie, « hầu hết những nước châu Á tận dụng được đầu tư của Trung Quốc và họ khó mà bỏ qua được ». Cho nên những nước này sẽ phải khôn khéo đàm phán với Bắc Kinh nếu họ không muốn những khoản đầu tư đó biến thành bẫy giúp Trung Quốc thống trị.

Bài Liên Quan

Leave a Comment