Đăng ngày: 27/06/2024
Ngày 04/06/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã chuyến thăm Cam Bốt. Mục tiêu là nhằm cải thiện mối quan hệ đang căng thẳng và tái lập các chương trình hợp tác quân sự. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, qua chuyến thăm ngắn ngủi của ông Austin, Washington còn tìm cách đối phó với nguy cơ Trung Quốc có được cảng quân sự REAM tại quốc gia Đông Nam Á này, mở đường thông ra Ấn Độ Dương.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Mỹ đến thăm Cam Bốt kể từ khi ông Hun Manet, con trai cựu thủ tướng Hun Sen, lên cầm quyền năm 2023. Trong chuyến thăm vỏn vẹn một ngày, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã có các cuộc hội đàm với đồng nhiệm Cam Bốt Tea Seiha, thủ tướng Hun Manet và chủ tịch Thượng Viện Hun Sen.
Trong một thông cáo, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, thiếu tướng Pat Ryder, cho biết giới chức hai nước đã thảo luận về các phương cách thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng, bao gồm cả việc nối lại trao đổi huấn luyện quân sự, huấn luyện rà phá mìn. Thủ tướng Hun Manet trên mạng xã hội Telegram cho biết thêm là ông và bộ trưởng Lloyd Austin thảo luận các cách thức nối lại các chương trình hợp tác, bao gồm cả việc Cam Bốt tiếp cận chương trình giáo dục quân sự Mỹ và các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Từ năm 2017, quan hệ giữa Mỹ và Cam Bốt đã trở nên căng thẳng. Phnom Pênh vào thời điểm đó đã hủy cuộc tập trận chung với Mỹ mang tên Angkor Sentinel do Mỹ chỉ trích chính quyền Hun Sen trong các chính sách trấn áp đối lập và vi phạm nhân quyền. Năm 2020, nhiều cơ sở hạ tầng quân sự do Mỹ tài trợ ở cảng REAM đã bị tháo dỡ và được cải tạo xây mới nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc. Năm 2021, Hoa Kỳ đã rút chương trình cấp học bổng đối với học viên quân sự Cam Bốt.
Những phản ứng mạnh mẽ này từ Washington đã cho phép Trung Quốc lấp dần các khoảng trống do Mỹ để lại. Chính quyền thủ tướng Hun Sen ngày càng xích gần đến Trung Quốc thông qua những khoản đầu tư lên đến hàng tỷ đô la trong khuôn khổ chương trình « Những con đường tơ lụa mới ». Và điều này giờ khiến Hoa Kỳ quan ngại.
AFP lưu ý, ông Lloyd Austin đến thăm Phnom Penh vào lúc Cam Bốt và Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận chung mang tên « Rồng Vàng » (Gold Dragon). Theo giới quan sát, việc ông Hun Manet – từng theo học tại Học viện Quân sự West Point, và là con trai cựu thủ tướng Hun Sen – lên cầm quyền năm 2023 là « một bước ngoặt » cho mối quan hệ Mỹ – Cam Bốt.
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu David Cam Roux, chuyên gia về Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, trước hết đánh giá chuyến thăm Cam Bốt của ông Lloyd Austin là một dấu hiệu hòa dịu giữa hai nước.
David Camroux : Bởi vì Hoa Kỳ đã hiểu ra rằng cách thức mà họ đối xử với Cam Bốt bằng những lời tố cáo chẳng hạn như xây dựng căn cứ hải quân REAM, ban hành các trừng phạt về vấn đề nhân quyền đã thật sự không mang lại kết quả. Ngược lại, chúng còn đẩy Cam Bốt ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Do vậy, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đã ý thức được rằng cần phải hành động khác đi đối với Cam Bốt.
Hoa Kỳ muốn tận dụng việc Cam Bốt có tân thủ tướng là Hun Manet, vốn là con trai của ông Hun Sen và từng theo học ở trường võ bị West Point tại Mỹ. Chúng ta chưa biết ông ấy có tự do hơn cha mình hoặc ít độc tài hơn hay không, điều mà chúng ta biết được là ông ấy không giống cha mình,vốn là khá bài Mỹ. Thế nên, với việc tân thủ tướng cầm quyền, Hoa Kỳ hy vọng có thể nối lại, hay chí ít là hạ nhiệt căng thẳng quan hệ.
Một trong những mối bận tâm sâu sắc của Mỹ là căn cứ quân sự REAM. Vì sao Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến căn cứ quân sự này ?
David Camroux : Hoa Kỳ lo lắng bởi vì nếu như căn cứ này trở thành căn cứ quân sự cho Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có được một lối thông ra Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Và như vậy đây sẽ là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài sau Djibouti. Và Hoa Kỳ, với chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, lo lắng về khả năng hải quân Trung Quốc có được lối tiếp cận này.
Cùng ngày ông Lloyd Austin đến Phnom Penh, Bắc Kinh thông báo bổ nhiệm ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) làm đại sứ Trung Quốc ở Cam Bốt. Theo ông, thông báo này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là một tính toán chiến lược ?
David Camroux : Thật khó mà biết được, nhưng nhân vật được bổ nhiệm được biết đến nhiều như là người đứng đầu đội ngũ các nhà ngoại giao hung hăng nhất, những người được ví như là các « Chiến Lang ». Đó là một sự ngẫu nhiên hay cách thức để ngáng chân Mỹ ? Tôi nghĩ rằng đây là một thông điệp mà Bắc Kinh mong muốn gởi đến cho cả Mỹ cũng như Cam Bốt.
Ngoài việc ban hành một số biện pháp trừng phạt chế độ Hun Sen vì không tôn trọng nhân quyền, bóc lột lao động, ngày càng chuyên chế, điều khó cho Mỹ cũng như là châu Âu là họ không có được những thứ mà Trung Quốc có, đó là đồng nhân dân tệ. Chúng ta không có ý muốn cũng không có nguồn lực mà Trung Quốc có, để nhấn chìm đất nước khách hàng này bằng những nguồn tài chính, những thứ cho phép mua cả chế độ.
Như vậy, trong bối cảnh này, Cam Bốt cũng là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ?
David Camroux : Một câu hỏi hay. Đúng vậy, nhưng chỉ là thứ yếu, vì trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ dẫu sao cũng có nhiều đồng minh, từ chính thức như Philippines cho đến không chính thức như Việt Nam với chính sách ngoại giao cây tre được vận dụng khá tinh tế, với Nga qua chuyến thăm của ông Putin, nhưng với cả Mỹ qua thỏa thuận được ký kết với tổng thống Biden.
Nhưng Cam Bốt là một quốc gia khách hàng, Việt Nam không như vậy, gìn giữ nền độc lập, chính sách phi liên kết có thể nói là lâu đời. Vì vậy, đây là một chủ đề đáng lo, nhất là nếu Cam Bốt có nhiều nguồn vốn đầu tư Trung Quốc, điều đó Hoa Kỳ không quan tâm, nhưng điều Mỹ lo ngại là khả năng Hải quân Trung Quốc có được lối ra vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.
Như chúng ta thấy ở Biển Đông, Trung Quốc ngày càng hung hăng và không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ kiện của Philippines. Tôi lưu ý là cách nay hai ngày, Việt Nam tuyên bố sẽ đàm phán với Philippines một cách hữu nghị để đạt phân định ranh giới những vùng biển mà hai nước đều đòi chủ quyền.
Cách hành xử của Trung Quốc trong toàn vùng Đông Nam Á bắt đầu có hệ quả, cho thấy là nó phản tác dụng vì nhiều nước không muốn đưa ra lập trường trong xung đột Mỹ – Trung, hay xích lại gần một trong hai nước. Tôi cho rằng chuyến thăm Cam Bốt của ông Lloyd Austin là nhằm tìm cách vô hiệu hóa phần nào tiến trình xích lại gần Trung Quốc ngày càng rõ nét.
Theo ông, đây có là một cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của tân thủ tướng Hun Manet ?
David Camroux : Tôi nghĩ là ông Hun Manet cũng muốn tỏ sự khác biệt với cha mình. Ông ấy tỏ ra khá thoải mái trên trường quốc tế giống như nhân vật sắp trở thành tổng thống của Indonesia. Ông ấy muốn đưa Cam Bốt – đất nước do cha ông điều hành trong nhiều thập niên – thoát khỏi thế cô lập.
Nhưng vấn đề đối với Hun Manet là cha ông vẫn hiện diện và vẫn là chủ tịch đảng cầm quyền. Trong các đại gia tộc châu Á, việc thoát bóng cha là điều không dễ, đặc biệt nếu đó là cựu lãnh đạo chính phủ.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng người dân Cam Bốt không hẳn là đồng tình hoàn toàn với chế độ, nhất là chế độ khách hàng của Trung Quốc. Bởi vì, chính những người dân thấp cổ bé họng phải trả giá cho việc xây dựng các căn cứ quân sự hay thành lập các sòng bạc trên mạng, lập các khu dân cư cho người Trung Quốc gây bất lợi cho thường dân. Đó là con dao hai lưỡi, chế độ Cam Bốt có thể gần gũi với Trung Quốc, nhưng người dân có lẽ thì không.
Từ ngày 01/7/2024, Cam Bốt sẽ giữ vai trò quốc gia điều phối cho đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ giai đoạn 2024-2027. Liệu chuyến thăm Phnom Penh của ông Lloyd Austin cũng là cách để tạo thuận lợi cho cả hai phía trong hoạt động này ?
David Camroux : Hoàn toàn có thể. Bởi vì như Cam Bốt đã giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022, thời điểm khởi động cho việc hâm nóng quan hệ Mỹ – Cam Bốt. Ít nhất là họ đã xoa dịu được các chỉ trích nhắm vado chế độ Cam Bốt. Hoa Kỳ coi trọng vai trò của ASEAN, chẳng hạn như trong việc giải quyết xung đột ở Miến Điện. Hay như ở Singapore gần đây, Mỹ thật sự mong muốn siết chặt quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bằng cách tiếp tục củng cố các mối quan hệ với một số nước thành viên của ASEAN như Philippines, Việt Nam và họ cũng hy vọng điều đó với Indonesia !
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu David Camroux.