Theo báo cáo của báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, hôm qua, 26/06/2024, 16 ngân hàng thuộc 7 quốc gia đã làm trung gian cho các giao dịch mua vũ khí của tập đoàn quân sự Miến Điện trong hai năm gần đây. Thái Lan đang là địa bàn cung cấp vũ khí chủ yếu cho giới tướng lĩnh Miến Điện.
Đăng ngày: 27/06/2024
Theo ông Tom Andrews, tác giả báo cáo, nhờ các ngân hàng này và 25 định chế tài chính khác mà tập đoàn quân sự “đã tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính cần thiết, để tiếp tục tiến hành các hoạt động vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, đặc biệt với các cuộc không kích vào dân thường”.
Về tình hình chung, theo chuyên gia Liên Hiệp Quốc, “tập đoàn quân sự ngày càng bị cô lập”, số lượng vũ khí mua hàng năm thông qua “hệ thống các ngân hàng chính thức” giảm khoảng một phần ba, từ 377 triệu xuống còn 252 triệu đô la. Tuy nhiên, giới tướng lãnh cầm quyền cũng đã tìm ra nhiều cách để lách các trừng phạt.
Báo cáo thường niên của chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện năm ngoái đã xác định Singapore là nguồn cung cấp vũ khí không chính thức lớn thứ ba của tập đoàn quân sự Naypyidaw. Chính quyền Singapore đã mở cuộc điều tra nhắm vào các thực thể, có cơ sở tại nước này, tham gia vào hoạt động cung cấp vũ khí cho giới tướng lĩnh Miến Điện. Nhờ vậy mà, tính cho đến tháng 3/2024, số lượng vũ khí từ Singapore xuất sang Miến Điện đã sụt giảm gần 90% so với năm ngoái.
Ngược lại, vũ khí từ Thái Lan sang lại tăng hơn gấp đôi. Một ví dụ cụ thể là Ngân hàng Thái Lan Siam Commercial Bank đã tạo điều kiện cho các giao dịch mua bán vũ khí tổng trị giá 100 triệu đô la trong thời gian từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024, so với 5 triệu đô la cùng kỳ năm trước. Chuyên gia Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan có nỗ lực tương tự như Singapore.