Bình luận của Hà Lệ Chi
2024.06.28
Hình chụp video ngày 17/6/2024 do Philippines cung cấp cho thấy hải cảnh Trung Quốc trong vụ đụng độ với tàu hải quân Philippines (màu xám) gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
ARMED FORCES OF THE PHILIPPINES / AFP
Nguy cơ xung đột quân sự nổ ra
“Nếu chiến tranh nổ ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nó sẽ không xảy ra ở Đài Loan mà ở Biển Đông.” Đại sứ Philippines tại Washington đã khẳng định như vậy và ông còn cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, là “điểm nóng thực sự” của khu vực (1).
Philippines và Trung Quốc không chỉ khẩu chiến trong nhiều tháng qua về tranh chấp trên Biển Đông, mà còn lao vào các cuộc xung đột quy mô nhỏ, trong đó bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái tiêu) là điểm nóng chính. Từ đầu năm người tới nay, khi tàu của Philippines tìm cách tiếp tế cho tàu chiến mắc kẹt ở bãi Cỏ Mây thì luôn bị Trung Quốc ngăn chặn nhiều lần và dùng vòi rồng áp suất cao tấn công. Xung đột này có xu hướng ngày càng diễn biến căng thẳng hơn.
Trong vụ đụng độ mới nhất hôm 17/6 giữa Trung Quốc và Philippines gần Bãi Cỏ Mây, video được Quân đội Philippines đưa lên mạng cho thấy, các sĩ quan lực lượng hải cảnh Trung Quốc gào thét, giơ dao, rìu, và dùng gậy đập vào một chiếc xuồng hơi của Philippines (2). Theo Quân đội Philippines, một thủy thủ nước này đã bị đứt một ngón tay trong đụng độ, và phía Trung Quốc đã lấy đi một số tài sản trên thuyền Philippines, trong đó có súng ống. Một thủy thủ Philippines đã bị thương nặng sau sự việc mà quân đội nước này mô tả là Hải cảnh Trung Quốc “cố ý đâm tàu với tốc độ cao”, nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sĩ đóng trên Bãi Cỏ Mây. (3)
Trong cuộc đối đầu này, là bên yếu hơn nên Manila đang tích cực tìm kiếm các lực lượng quốc tế ủng hộ lập trường của mình chống lại sự đe doạ từ Bắc Kinh. Philippines đã phải tìm sự trợ giúp từ Mỹ, hy vọng thông qua hợp tác để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Trung Quốc luôn tìm cách đổ lỗi cho Philippines dưới sự xúi giục của Mỹ đã khuấy động tranh chấp này.
Là một phần quan trọng trong hợp tác Mỹ-Philippines, cuộc tập trận Balikatan (“Vai kề vai”) năm nay đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Cuộc tập trận diễn ra từ 22/4-10/5, nội dung bao gồm mô phỏng đánh chìm tàu mục tiêu, giành lại quyền kiểm soát đảo…, mũi nhọn hướng vào Bắc Kinh rất rõ ràng. Một số nhà quan sát nhìn nhận rằng đây là lần đầu tiên cuộc tập trận này được tổ chức ở ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của Philippines, như một thông điệp trực tiếp thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông (4).
Bên cạnh đó, ngày 8/5, Đức, Pháp và các nước châu Âu khác đang triển khai tàu chiến và máy bay quân sự với quy mô chưa từng có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng tổ chức tập trận chung ở Biển Đông với Mỹ và Nhật Bản nhằm phô trương sức mạnh chống lại Trung Quốc và Nga (5). Ngoài ra, Philippines cũng nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ và Hàn Quốc. Các nước này dường như đang hình thành liên minh lấy bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ làm khuôn khổ. Cuối tháng 4, Ấn Độ chính thức chuyển giao cho Philippines lô tên lửa chống hạm BrahMos đầu tiên (6), trong khi đó Hàn Quốc lại bày tỏ quan ngại trước việc Hải cảnh Trung Quốc nhiều lần sử dụng vòi rồng tấn công làm cho tàu của Philippines bị hỏng, gây thương tích cho các thuyền viên (7).
Ukraine phiên bản châu Á?
Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 4, Tổng thống Philippines Marcos Jr. cảnh báo nếu bất kỳ người dân Philippines thiệt mạng vì hành động cố ý thì điều đó đồng nghĩa với việc phát động cuộc tấn công nhằm vào Philippines, điều này có thể kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Philippines-Mỹ (8). Đồng thời, Marcos Jr. còn cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bảo đảm với ông rằng cùng với tình hình căng thẳng Biển Đông leo thang, Washington sẽ thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Manila (9).
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay có thể sẽ vượt qua mức độ căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Có báo chí đã nhận định cùng với tình hình căng thẳng gia tăng, nhiều người lo ngại Biển Đông có thể trở thành “Ukraine của châu Á” (10).
Trong bối cảnh như vậy, nếu Biển Đông thực sự trở thành “Ukraine của châu Á”, các bên liên quan bị cuốn vào chiến tranh, thì đây không chỉ là điều bất hạnh đối với Trung Quốc, mà còn là thảm họa đối với Philippines và toàn bộ ASEAN.
Đối với Philippines và toàn bộ Đông Nam Á, nếu tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột công khai thì sẽ giống như sự tàn phá mà Ukraine đang phải hứng chịu. Bên cạnh đó, xung đột ở Biển Đông cũng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ tàn phá nặng nề Philippines, mà còn tạo cục diện bất ổn ở Đông Nam Á và các khu vực khác. Các nước Đông Nam Á cũng sẽ chắc chắn trở thành “chiến trường uỷ nhiệm” trong cuộc cạnh tranh nước lớn, đồng thời sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN chắc chắn cũng sẽ bị tổn hại.
Đối với Trung Quốc, nhiều khả năng cao nước này sẽ đi vào vết xe đổ hiện nay của Nga – không chỉ rơi vào tình trạng tiêu hao kéo dài, mà còn phải đổ nhiều nguồn lực vào cuộc chiến. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể khơi dậy sự hoài nghi và sợ hãi ở các nước láng giềng, từ đó làm tình hình địa chính trị xấu đi. Vấn đề quan trọng hơn là nhiều khả năng điều này sẽ một lần nữa làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc.
Điều ASEAN cần làm
Tuy nhiên, điều đặc biệt là ASEAN đã luôn giữ im lặng trong suốt thời gian vừa qua, kể cả trong sự kiện ngày 17/6 vừa qua. Trong số bốn quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài Philippines thì chỉ có Việt Nam mới lên tiếng gần đây, còn lại Indonesia và Malaysia thì vẫn giữ im lặng.
Có nhiều lý do để hoài nghi về sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong tranh chấp Biển Đông. Đầu tiên, việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của ASEAN khiến việc thống nhất về ngôn ngữ chung và chế độ pháp lý được các bên cùng chấp nhận nhằm quản lý hiệu quả các tranh chấp hàng hải trở nên cực kỳ khó khăn. Điều này phần lớn giải thích tại sao sau nhiều thập kỷ đàm phán với Trung Quốc, vẫn chưa đạt được bước đột phá nào về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim gần đây đã lên tiếng hạ thấp cách tiếp cận của Philippines trong các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và tuyên bố “cách Malaysia can dự ngoại giao tích cực hơn” sẽ mang lại thành công (11).
Với việc Malaysia chuẩn bị làm Chủ tịch ASEAN vào năm tới, tuyên bố của Thủ tướng Anwar mang ý nghĩa chiến lược to lớn. Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 37 (37 APR) ở Kuala Lumpur hồi đầu tháng này, ông Anwar thừa nhận rằng Malaysia và Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với “một số vấn đề rất nghiêm trọng” nhưng đã quản lý được mối quan hệ “tương đối thành công hơn” vì Malaysia được coi là “thực sự trung lập” trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường trong khu vực.
Trong lời chỉ trích gián tiếp về sự can dự chiến lược ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông, ông Anwar nhấn mạnh rằng “không nên can dự với các bên khác”, ngoài Trung Quốc và các thành viên ASEAN, để không “làm phức tạp vấn đề”.
Đây là sự mâu thuẫn trực tiếp với định hướng chiến lược của Philippines, trong đó bao gồm việc tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác phương Tây như một đối trọng với Trung Quốc. Sự kết hợp giữa các ưu tiên chiến lược khác nhau, các động lực chính trị trong nước và quy trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận sẽ tiếp tục làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN và làm phức tạp thêm các nỗ lực đàm phán về một phản ứng ngoại giao tối ưu đối với các tranh chấp trên biển.
Cách tiếp cận của Thủ tướng Anwar không phải là mới. Trong suốt thời gian qua, Malaysia vẫn luôn sử dụng chính sách “ngoại giao im lặng” của mình, nhưng năm 2021, Malaysia đã bị tàu Trung Quốc quấy rối ở gần bãi Luconia, cho đến khi tàu chiến của Mỹ áp sát thì tàu Trung Quốc mới rút khỏi.
Thậm chí, ngay khi Tuyên bố chung của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cách đây vài ngày về việc khởi động một cuộc đối thoại song phương để giải quyết các tranh chấp trên biển và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang tranh chấp (12), thế nhưng ba tàu Hải cảnh Trung Quốc cũng đã xâm nhập vào EEZ của Malaysia (13).
Ngay cả Việt Nam, quốc gia vốn được coi là đã “đu dây” thành công và khéo léo giữa các cường quốc cũng tính áp dụng cách tiếp cận của Malaysia nhằm xoa dịu Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị, thế nhưng mới đây, quốc gia này đã phải lên tiếng yêu cầu tàu khảo sát Trung Quốc rời khỏi EEZ (14).
Chính vì thế, cách tiếp cận của Thủ tướng Anwar là một trò chơi mạo hiểm và khó có thể thành công. Các quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp trao chấp Biển Đông cần nghiêm túc nghĩ tới việc phối hợp với nhau, mới có thể đối mặt được với Bắc Kinh. ASEAN luôn khẳng định đóng vai trò trung tâm tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng cần phải lên tiếng về vấn đề này. Chỉ như vậy, mới có thể kiềm chế bớt sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông được.